Tự truyện của Chương viết khá hấp dẫn, nhiều tình tiết gây bất ngờ cho người đọc với cách dẫn chuyện theo kiểu tự sự có tính báo chí, giàu kịch tính và đậm chất điện ảnh và giống những thước phim quay chậm.
Khi cảm thấy sự sụp đổ của đường dây ngầm đưa người trái phép ra nước ngoài là khó tránh khỏi, Trần Hồng Chương giao toàn bộ số khách đang ở Campuchia chờ xuất cảnh sang Hàn Quốc cho hai bạn học lớp 12 cùng Chương vừa sang làm giúp anh ta là Long và Hòa. Chương dặn dò kỹ lưỡng hai bạn các phương án có thể xảy ra và dự định về Việt Nam kiếm thêm người, thêm tiền.
Lúc này, một tay trùm khác của đường dây là V.H.T xuất hiện trong vai trò cùng thất bại, T. khuyên Chương: “Thôi ta cùng trốn sang Canada, với giá 18.000 USD, sau ba ngày bạn có thể là người có Quốc tịch Canada, không phải chạy trốn gắt gao, hay trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật”.
Đang phân vân việc đi hay ở thì bất ngờ Chương nhận được cú điện thoại của K.L gọi từ Hà Nội sang: “Anh về gấp, em đã nhận 27 suất đi Nhật với số tiền 54.000 USD đặt trước, số còn lại khi thành công thanh toán qua tiệm vàng”. Chương như kẻ sắp chết đuối vớ được cọc, tức tốc bay về Việt Nam bằng cuốn hộ chiếu mang tên là Nguyễn Tiến Tình, quê ở Lương Tài –Bắc Ninh.
Nhưng vừa đến TP.Hồ Chí Minh, Chương nhận được tin tối qua V.H.T đã nhập cảnh hợp pháp vào Canada, còn có 5 người khách của Chương quê ở Hà Tây bỏ trốn về Việt Nam. Chương điện yêu cầu đồng bọn bên Campuchia bằng mọi giá phải bắt giữ họ lại, tuyệt đối không được để họ về Việt Nam vì như thế họ sẽ tố cáo và toàn bộ đường dây sẽ sụp đổ. Nhưng mọi sự nỗ lực đều bất thành vì 5 người khách đó đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia bí mật đưa thẳng về Hà Nội. Tại đấy, họ đã làm đơn tố cáo Chương và đường dây ngầm của anh ta với cơ quan An ninh điều tra, bộ Công an.
Đêm hành lạc cuối cùng trước khi bị bắt giữ
Vào ngày lễ Giáng sinh năm 2000, Chương mải lo tìm cách có thêm tiền và cố gắng trong tuyệt vọng mong cứu vớt được những gì đã mất với hy vọng còn gia đình, vợ con và bao bạn bè. Chương không còn đủ thời gian để chúc mừng họ dù chỉ là một tin nhắn hay một câu nói làm vui cũng không có. Ngay cả một phút giây bình yên ngắm nhìn cây thông Noel cũng không có, chứ chưa nói đến phút giây lặng thầm cầu nguyện. Tâm trí Chương lúc nào cũng căng như một sợi dây đàn, vừa nơm nớp lo sợ sụp đổ vừa tính toán tìm mọi cách để làm sao đón người và nhận tiền một cách nhanh gọn nhất để kịp thời bay sang Campuchia thực hiện chuyến mới.
Chiều xuống lúc nào không hay, hoàng hôn ám ảnh màu xám nghịt, dường như có một đêm dài thao thức nữa sẽ đến… Chương nằm gối đầu trên thành đi văng nệm trong khách sạn Thanh Thủy số 5 Đỗ Quang Đẩu, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Tay luôn cầm điếu thuốc lá nghi ngút khói, một không khí yên lặng đến ngạt thở. Đầu óc Chương quay cuồng với phép tính được thua trong canh bạc cuộc đời. Nếu được, Chương sẽ trở thành một doanh nhân thành đạt có hạnh phúc gia đình, tương lai tươi sáng.
Nếu thua, anh ta sẽ mất tất cả, hạnh phúc, tương lai, sự nghiệp và trả giá bằng những năm tháng tù tội. Và hơn hết là đối diện với nỗi ăn năn, day dứt về tội lỗi gây ra cho bao người vô tội, khiến lòng Chương quặn đau: “Vậy là tất cả những năm tháng phấn đấu vươn lên vượt khó giờ đứng trước bờ vực thẳm này sao. Tôi chợt nhận ra rằng mình đã quá tham lam danh vọng, mải chạy theo ảo tưởng, xa rời thực tế, lòng tham vô đáy trước cám dỗ đồng tiền mà tôi từ một cậu bé hiền lành, chất phác, đậm chất quê mùa đã trở thành kẻ lầm đường lạc lối mang lấy nợ đời, tội lỗi gây nên bao cảnh đau thương cho biết bao con người vô tội, biết bao gia đình khuynh gia bại sản vì tôi…”.
Mải đắm chìm trong suy nghĩ, Chương không hề hay biết sự có mặt của một cô gái làng chơi xuất hiện bên cạnh từ lúc nào không hay. Người đẹp chân dài nâng ly rượu, miệng lả lơi: “Ông anh đừng suy tư nữa, quên đi, vui với em đêm nay”. Chương nâng ly một cách phớt đời và uống cạn. Đêm ấy, anh ta chẳng nhớ mình đã uống bao nhiêu nữa và say khướt cò bợ từ bao giờ.
Chừng 1h45’ ngày 26 tháng 12 năm 2000, Chương bừng tỉnh trong tư thế toàn thân không còn mảnh vải, bên cạnh cô gái trần truồng, vô cảm khi nghe tiếng gõ cửa. Chẳng chút nghi ngờ, Chương kéo vội tấm chăn che thân cô bé, rồi mặc quần áo ra mở cửa. Chương bàng hoàng, bủn rủn tay chân, đứng yên như trời trồng khi thấy bóng ba chiến sỹ công an, đằng sau là chủ khách sạn và vài người xa lạ, Chương nghĩ họ là người làm chứng. Ngay lập tức, Chương bị đẩy vào phòng và nghe rõ câu nói: “Anh Chương, anh đã bị bắt”. Khoảnh khắc kinh hoàng ấy, Chương gục quỳ xuống nền nhà, tối sầm mặt mũi, họ dẫn anh ta đi khi đã kịp còng chiếc còng số 8 vào hai cổ tay. Chương kịp hiểu tất cả đã kết thúc những chuỗi ngày tội lỗi chất đầy. Họ đưa Chương ra chiếc xe bịt kín, phóng vút đi đến Trại tạm giam B24 – An ninh điều tra – Bộ Công an tại TP. HCM.
Trong tâm trạng ân hận xót xa, Chương kể lại trong tự truyện: “Đêm hôm đó từ 2h15’ đến tận sáng, tôi nằm gối tay lên trán, nước mắt nghe mặn đắng, giữa căn phòng tối đen như mực. Cả đêm tôi nằm co ro, vật vã bởi cảm giác ăn năn, tội lỗi dù rằng đã quá muộn màng.
Trong nỗi ân hận xót xa và cay đắng, tôi thấy ngập tràn hình ảnh cha mẹ tôi, đầu hai thứ tóc, tuyệt vọng về đứa con trai duy nhất của mình, chắc cha mẹ tôi sẽ suy sụp khi hay tin tôi bị bắt. Cha tôi sẽ gục ngã trên đôi chân thường xuyên co rút bởi căn bệnh thần kinh tọa. Còn vợ tôi, con tôi sẽ đau khổ tột cùng, không còn đủ sức để sống khi gia đình tan vỡ, kẻ ở người đi biền biệt cả chục năm trời. Rồi mai đây cha mẹ tôi sẽ sống ra sao?
Khi gần như mất hết mọi hy vọng trong đời. Chỉ vì tham tiền, mơ danh vọng, giàu sang mà tôi đã bất chấp mọi thủ đoạn để lừa dối bao gia đình lâm vào cảnh nhà tan cửa nát… Tội lỗi này làm sao tôi gột rửa được. Tận cùng sâu thẳm tâm hồn, tôi vô cùng ân hận và hối tiếc. Giá như tôi bằng lòng với cuộc sống, từ từ xây dựng hạnh phúc gia đình bên vợ bên con thì hôm nay đâu có phải rơi sâu tận cùng đáy vực thẳm này. Giá như tôi sớm tỉnh ngộ dừng lại và quay đầu ngay từ lúc phát hiện ra cách làm ăn phiêu lưu, mạo hiểm của V.H.T thì đâu lâm vào vũng bùn tội lỗi…
Nhưng cuộc đời đâu có chữ “giá như”, mọi hành động, việc làm đều có giá của nó. Và chính tôi gây nên tội lỗi thì tôi phải đối diện với hậu quả dù có mất mát, đau thương tới đâu thì tôi phải chấp nhận thực tế đó. Giờ đây chỉ có tôi mới chịu cứu mình bằng chính bản lĩnh và nghị lực của bản thân”.
15 ngày sau, Chương được di lý về Hà Nội tạm giam ở trại B14 An ninh điều tra bộ Công an tại Hà Nội. Tại đây, Chương trải qua 8 tháng tạm giam, sống nhờ vào cơm tù, áo trại không một lần thăm nuôi… Những đêm nếm trải sự cô đơn, trống vắng đến lạnh lùng. Chương luôn hồi tưởng về sự đời và thấm thía rằng: “Ở đời cái gì cũng có giới hạn của nó”, khi bản thân ta vượt qua ranh giới ấy là ta không thể kiểm soát được chính mình và không thể tự quyết định số phận của chính mình. Những ngày tháng ấy mãi là nỗi ám ảnh trong Chương, cho đến lúc anh ta nhận ra rằng không có con đường nào khác ngoài con đường nhận rõ tội lỗi và quyết tâm cải tạo mới có thể sớm đưa ta trở về với làng quê – nơi ấy có thật nhiều người yêu thương, gắn bó.
Xin được hiến xác cho khoa học
Trong quá trình điều tra, Chương đã thành khẩn nhận rõ tội lỗi và cung cấp tất cả những gì mình biết về đường dây, phương thức, thủ đoạn… cho cơ quan An ninh điều tra. Ngày cầm bản cáo trạng trên tay, Chương đã đọc trong nấc nghẹn, nước mắt trào ra ướt nhòe từng con chữ, đến lúc ấy anh ta mới hiểu rằng, trước pháp luật tình- lý không thể lẫn lộn. Với 2 tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Tổ chức cưỡng ép người khác đi nước ngoài trái phép”, Chương được di lý từ Hà Nội về trại giam Cầu Đông – Hà Tĩnh. Quãng thời gian ở đây anh ta mới thực sự có cảm giác tù tội, khi đối diện với bản án mới là có thể lên đến mức 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đưa Chương ra xét xử và tuyên phạt mức án 24 năm tù giam. Quãng thời gian hiếm hoi được gặp bạn bè, gia đình người thân nhanh chóng qua đi nhường cho nỗi ám ảnh, lo âu, nhục nhã. Lúc nghe tòa tuyên án, mấy đứa bạn của Chương gục xuống và nói: “Mười năm không còn nữa là hai mươi năm”… Chương đứng chết lặng trong vành móng ngựa, nghe mình chết đi qua từng lời tuyên án của vị thẩm phán. Với mức án 24 năm tù, buộc phải bồi thường 1 tỷ 127 triệu đồng và cấm hành nghề 5 năm sau khi mãn hạn tù. Chương run rẩy, đứng lập cập không vững như có một trái núi vô hình đang đè nặng lên đôi vai gầy guộc của anh ta. Nhưng ngay khi ấy, Chương chợt nghĩ, so với hậu quả bao gia đình có người bị hại đang dở khóc, dở cười, tan nát tất cả vì anh ta thì bản án ấy có lẽ là còn nhẹ.
Lúc kết thúc phiên tòa, Chương bị còng chặt tay đi giữa hai cán bộ dẫn giải mà mắt lo tìm kiếm hình ảnh những người thân yêu, góc khuất bên ngoài hành lang mẹ Chương gục khuỵu trong vòng tay người cha của anh ta.
Chương quặn người trong cay đắng: “Hai mái đầu tóc đã pha sương quyện cùng mặn chát giọt sầu khổ đau. Đôi mắt cha tôi nhìn tôi sâu thẳm như trách móc pha lẫn yêu thương, ông đứng lặng ôm mẹ tôi mà tôi thấy ở ông là vị quan tòa không cần lời phán xét. Tôi cố kiếm tìm hình ảnh người vợ tôi yêu quý sau 2 năm không thấy mặt nhưng không thấy. Tôi có cảm nhận dường như em đang ở đâu đó quanh đây, tay bồng đứa con trai chưa đầy 3 tháng tuổi, mắt đẫm lệ buồn khô héo nhìn tôi…
Tôi chỉ muốn được một lần đối diện với em để nói với em rằng: “Tôi yêu em và con hơn tất cả, tôi ao ước được mang hạnh phúc đến cho em và con”, nhưng con đường tôi chọn đi chẳng bao giờ dẫn đến thiên đường mà chỉ là lối mòn đưa tôi vào địa ngục. Tôi cầu mong em mạnh khỏe, an bình, vượt qua mọi mặc cảm để sống xây dựng một cuộc sống mới tốt đẹp hơn, hạnh phúc sẽ đến cùng em”.
5h sáng ngày mồng 5 tháng 9 năm 2002, Chương bị dẫn giải ra xe cùng 13 phạm nhân tội nguy hiểm khác. Trời mờ ảo nhưng tất cả họ đều nhận ra nhau qua giọng nói. Các tội phạm nguy hiểm đều bị khóa tay, ngồi lên xe đặc chủng phóng vút đi trong sự lo lắng, hoài nghi của Chương và những phạm nhân khác. Người cán bộ nói vọng trong tiếng xe ồn ào: “Các anh được chuyển đến trại giam số 3, nơi đó các anh sẽ chấp hành hình phạt tù”.
Trong phần cuối tự truyện của mình, Chương giãi bày: “Ở trại giam này, ngày qua ngày, đêm lại qua đêm, tôi miệt mài cải tạo, tiến bộ theo thời gian. Tôi đã thực sự cố gắng, say mê trong cải tạo, tích cực góp phần vào việc xây dựng các chương trình học tập, thi tìm hiểu về quê hương đất nước, xây dựng các kế hoạch thi đua cho phạm nhân toàn phân trại. Hơn mười năm qua, tôi biệt ly xã hội nhưng tình người đã mãi làm tôi ăn năn, sám hối, tôi ao ước được thực hiện hai tâm nguyện của mình: Một là hiến một bộ phận cơ thể cho những người bị mắc bệnh hiểm nghèo mà không kèm theo bất cứ điều kiện gì; Hai là khi chết đi được hiến xác cho khoa học”.
Nhiều đêm, trong trại giam, phạm nhân Trần Hồng Chương thao thức không ngủ được, quá khứ cuộc đời và ám ảnh tội lỗi như một cuốn phim quay chậm, cứ lặng lẽ mở ra rồi khép lại và lại mở ra chầm chậm như một cuốn tự truyện với bao nỗi trằn trọc, xót xa trong tâm khảm anh ta. Sau nhiều đêm thức trắng tại buồng giam, Chương vẫn còn thao thức: “Màn đêm buông xuống! Cả không gian tối đen như mực, bầu trời lặng yên cảm nhận hơi nóng của trái đất! Chẳng một cơn gió nhẹ đưa, không một tiếng động nào vang lên trong đêm tối! Đêm mùa hè nóng nực, oi nồng.
Trong căn phòng tất cả cửa sổ đều mở toang, ánh đêm hắt từng tia sáng le lói qua ô cửa sổ đã hoen rỉ bởi thời gian làm in hình vệt sáng giữa sân nền xi măng như thể nét vẽ màu vàng nhạt bằng cảm xúc của một họa sỹ theo trường phái “ấn tượng”. Ngồi lặng yên bên trong cửa sổ, tôi hướng đôi mắt quầng sâu nỗi đau nhìn ra bầu trời thăm thẳm màu đen! Cũng không hề biết mình nhìn cái gì, để kiếm tìm điều gì giữa mịt mù tăm tối ấy, khi bên cạnh tôi có những đồng cảnh đến từ tứ xứ đã lặng yên đi vào giấc ngủ say nồng.
Rất có thể ai đó đang thao thức… nhưng hầu hết họ đã ngủ có lẽ đó là những phút giây thảnh thơi nhất trong cuộc đời họ. Còn tôi, ngồi lặng yên nghe nỗi đau đớn xót xa vò xé tâm can. Đã hơn 10 năm tù qua rồi, hơn 3.650 ngày, tôi đều dành một ít thời gian lặng yên như vậy để nghiền ngẫm những mất mát đau thương. Để tự mình xót xa, ân hận về tội lỗi gây ra. Và những khát khao đang ngày một trào dâng mãnh liệt trong tôi! Đã nhiều lần trái tim nức nở, đã nhiều lần nước mắt tuôn rơi đến nỗi trái tim đã chai lỳ nỗi đau, lệ khô từ bao giờ không hề hay biết…”.
Tuy vậy, Chương vẫn nuôi giữ cho mình ngọn lửa của hy vọng với ước mơ sẽ được hồi sinh đang nảy nở khi anh ta hết án trở về với xã hội và đoàn tụ với gia đình: “Mai đây khi mãn hạn trở về, nhất định tôi sẽ theo đuổi công việc có ích cho cộng đồng, có ích cho dân nghèo và đặc biệt bắt tay thực hiện việc kinh doanh đầu tư vào ngành truyền thông. Có vậy tôi mới có thể thực sự làm một con người lương thiện. Tôi tin rằng dưới ánh sáng của nhân đạo và sự bao dung của xã hội, nhất định những người một lần lầm lỗi như tôi sẽ thực sự hoàn lương trong tình yêu thương, giúp đỡ của mọi người”
Duy Việt (Ghi lại)