Sự sống mãnh liệt ở 'địa ngục trần gian' Tây Bắc

Sự sống mãnh liệt ở 'địa ngục trần gian' Tây Bắc

Thứ 6, 20/09/2013 15:18

Sự linh thiêng bắt đầu xâm chiếm toàn bộ cơ thể khi chúng tôi lặng lẽ bước qua chiếc cổng còn nguyên dấu vết của chiến tranh tàn phá in trên những mảng tường lở gạch cũ.rn

Địa ngục hoang phế

Nhà tù Sơn La hiện ra trong cái nắng chênh chếch của chiều hạ. Bên ngoài cổng, ấn tượng nhất là khu vực tường bao còn phủ những rêu phong, mốc mêu của thời gian. Nằm ngay trong lòng thành phố, cạnh cơ quan đầu não của tỉnh trên đồi Khau Cả, nhưng con đường vào và không gian tù ngục vẫn rất riêng biệt. Một cảm giác hun hút, ngờm ngợp, rợn người rất khó tả. Nơi địa ngục là đây, sự dã man, tàn bạo nhất ở đây và ý chí sắt thép của con người cũng ở đây. Sự linh thiêng bắt đầu xâm chiếm toàn bộ cơ thể khi chúng tôi lặng lẽ bước qua chiếc cổng còn nguyên dấu vết của chiến tranh tàn phá in trên những mảng tường lở gạch cũ.

Cô hướng dẫn viên dịu dàng trong trang phục người Thái, đưa chúng tôi về quá khứ bằng giọng nói nhỏ nhẹ: "Thực dân Pháp đã xây dựng và biến nơi đây thành địa ngục giam cầm, đày ải chiến sĩ cách mạng của ta. Thế nhưng, điều chúng không ngờ tới là trong "chảo lửa" của khó khăn, ý chí con người được tôi luyện thành sắt thép. Nhà tù Sơn La chính là nơi gắn liền với rất nhiều tên tuổi cách mạng lớn như Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng... Nhiều đồng chí sau này trở thành lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước".

Xã hội - Sự sống mãnh liệt ở 'địa ngục trần gian' Tây Bắc

Nơi đặt bia tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh tại nhà tù Sơn La. Ảnh D.T

Hình ảnh những xà lim chéo, xà lim ngầm, hay trại ba gian trong bóng đèn mờ mờ dưới lòng đất khiến chúng tôi không khỏi rùng mình về sự dã tâm, tàn ác của kẻ thù. Chúng nhốt con người vào những lỗ chỉ vừa đủ gập người ngồi thu lu như con thú hoang dại. Không những thế, chân tay còn bị ghìm chặt vào còng, cùm, gông, xích. Rồi cứ thế, chúng bỏ đói, bỏ rét, bỏ bệnh các chiến sĩ cách mạng... Nghe cô hướng dẫn viên láy đi láy lại: "Ngày xưa, không những tù nhân mà ngay cả người dân bình thường cũng không tránh khỏi những căn bệnh tai quái như kiết lỵ, thương hàn, sốt rét...", tôi cảm thấy thật tự hào về ý chí kiên cường của các chiến sỹ cách mạng khi đặt chân đến thăm nơi này.

Nhà tù Sơn La đã bị đánh phá hai lần, một lần do chính thực dân Pháp đánh bom, nhằm xóa dấu vết tội ác trời không dung, đất không tha của mình vào năm 1952; một lần vào năm 1965, khi đế quốc Mỹ tổng tấn công thị xã Sơn La (cũ) đã ném bom liên tục vào khu vực này. Tuy nhiên, sự hoang phế ấy lại chính là điểm tác động sâu sắc đến tâm can của thế hệ sau. Những phế tích còn lại của nhà tù Sơn La hiện nay vẫn như bản tố cáo đanh thép tội ác tày trời của thực dân Pháp đối với các chiến sỹ cách mạng bị giam cầm tại đây.

Trăm năm ý chí vẫn còn

Nhà tù Sơn La được xây dựng vào năm 1908, diện tích ban đầu chỉ là 500m2, sau này, khi phong trào cách mạng phát triển rộng, lợi dụng địa thế rừng thiêng nước độc, thực dân Pháp đã mở rộng nhà tù lên đến 1.700m2 vào năm 1940. Nơi đây đã từng giam giữ hơn một nghìn lượt người tù Cộng sản Việt Nam. 

Tôi đã từng may mắn được thăm một số nhà tù thực dân. Có lẽ nơi giam cầm nào cũng vậy, khắc nghiệt và thể hiện rõ độ nham hiểm của kẻ thù ngay từ tường bao bên ngoài đến những khối bê tông dày u mê dưới lòng đất, tạo thành "chuồng" nhốt người. Thật khó tưởng tượng cách thoát thân, vậy mà trong khó khăn, sự thông minh của người Việt đã vượt lên trên mọi giam cầm tù tội. Lịch sử đã ghi nhận, cuối năm 1935, Hội đồng thống nhất do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch đã được bí mật thành lập tại nhà tù. Khoảng bốn năm sau đó, chi bộ Đảng lâm thời của nhà tù Sơn La đã được hình thành do đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Bí thư. Sự ra đời của tổ chức Đảng đã tạo bức tường thành vững chắc cho tù nhân bí mật hoạt động đấu tranh. Thực dân Pháp đã chọn Sơn La làm nơi xây dựng nhà tù vì nghĩ rằng, bệnh tật sẽ tự hao mòn một phần lực lượng cách mạng của ta, cũng một phần vì đây là địa bàn cư trú của các dân tộc ít người, sẽ rất khó để bắt liên lạc với bên ngoài do bất đồng ngôn ngữ. Thế nhưng, điều chúng không ngờ tới là sự bền gan, ý chí và thông minh của những chiến sĩ cách mạng. Từ khó khăn, các chiến sĩ đã tạo ra những cuộc đấu tranh nổi dậy bất ngờ, khiến kẻ thù khiếp vía kinh hồn. Thậm chí, ngay tại nơi địa ngục trần gian, những người làm cách mạng kiên trung đã cho ra đời một tờ báo, không chỉ đều đặn phát hành mỗi tháng một kỳ hai bản trong các khám, xà lim mà còn truyền ra các cơ sở cách mạng bên ngoài và đến tay quần chúng, khích lệ tinh thần đấu tranh của những người yêu nước. Đó chính là tờ Suối Reo do đồng chí Xuân Thủy làm chủ bút.

Đi hết khu trại giam và xà lim đổ nát, chỉ được phục dựng lại những chi tiết cơ bản, chúng tôi ra đến khu tường bao bên ngoài. Giữa gạch vỡ và bức tường đổ chỉ còn nền móng, hình ảnh cây đào xanh tốt phủ trùm một góc nhà giam khiến chúng tôi nhớ đến chiến sĩ kiên trung Tô Hiệu. Ông là người đã vô tình nhặt được hạt đào trên đường đi lao động, mang về gieo xuống khu đất nhỏ ngay tại cửa sổ buồng giam giữ mình. Thật kỳ diệu, cây đào đã sống và nó mang tên người chiến sĩ cách mạng đã trồng. Trải qua bao chiến tranh bom đạn, bao sự tàn phá độc ác của kẻ thù, cây đào vẫn bám rễ trên mảnh đất cằn và trường tồn với thời gian như lời thách thức của ý chí con người trước bao khắc nghiệt của đời. Sau nhiều lần trùng tu tôn tạo khu di tích, người ta vẫn giữ nguyên vị trí và chăm sóc cây đào Tô Hiệu. Đó là một biểu tượng cho ý chí quật cường của con người Việt Nam. Đó cũng là lời thách đố thời gian không thể bào mòn nhiều giá trị đích thực của lịch sử.   

Dương Thu

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.