Phụ nữ từng không được phép mặc quần ở Paris
Đạo luật vốn được cảnh sát trưởng thành phố Paris đưa ra vào năm 1800. Thời đó, bất cứ phụ nữ Paris nào muốn ăn mặc như nam giới đều “phải trình diện tại sở cảnh sát thủ đô để xin giấy phép”.
Đến năm 1892, luật được sửa đổi nhẹ nhàng hơn, cho phép phụ nữ Paris mặc quần khi cưỡi ngựa. Tiến xa hơn nữa, một điều khoản bổ sung vào năm 1909, phụ nữ được mặc quần khi đi hoặc ngồi trên xe đạp.
Năm 1969, Hội đồng thành phố Paris đã chính thức đề nghị cảnh sát trưởng đổi luật. Đáp lại, ông này thẳng thừng nói: “Thật không khôn ngoan khi thay đổi (luật) theo các xu hướng thời trang, nhất là khi chúng thay đổi xoành xoạch”. Mặc cho những nỗ lực xóa bỏ liên tục, đạo luật này vẫn treo lơ lửng trên... cái quyền mặc quần của nữ giới tại kinh đô ánh sáng. Mãi cho tới năm 2013, phụ nữ Paris mới có thể "tự do mặc quần" mà không bị đánh giá.
Tiếng Pháp được coi là ngôn ngữ chính thức ở Anh trong hơn 300 năm
Thật khó để tin rằng tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức của Anh từ năm 1066 đến năm 1362. Tiếng Pháp Anglo-Norman đã được du nhập vào quốc gia này sau cuộc chinh phạt nước Anh của người Norman vào năm 1066. Trên thực tế, một phần lớn từ vựng tiếng Anh hiện nay có nguồn gốc từ tiếng Pháp.
Có thể kết hôn với người đã khuất
Tai nạn vỡ đập Malpasset ở miền Nam nước Pháp vào tháng 12/1959 đã khiến hơn 420 người thương vong. Trong số nạn nhân có chồng chưa cưới của một phụ nữ đang mang thai tên là Irène Jodard.
Tổng thống Pháp bấy giờ là Charles de Gaulle đã tuyên bố hợp pháp hóa cuộc hôn nhân của cặp đôi để xoa dịu nỗi đau của Jodard. Sau đó, quy định này vẫn được tiếp tục duy trì, miễn là một trong hai người đưa ra được các bằng chứng về dự định đám cưới.
Các công việc chuẩn bị cho đám cưới nên được hoàn thành trước khi chồng hoặc vợ qua đời, đồng thời không có sự ràng buộc nào về quyền thừa kế hoặc các lợi ích tài chính khác. Trong trường hợp người còn sống muốn tái hôn, họ lại phải làm thủ tục ly hôn với người đã khuất.
Không được phép hôn nhau trên sân ga
Năm 1910, nước Pháp thông qua quy định cấm hôn trong các ga xe lửa của Pháp, đặc biệt là trên các sân ga. Lệnh cấm này chính thức có hiệu lực vào năm 1912, được áp dụng để ngăn chặn sự chậm trễ gây ra những tốn kém không cần thiết và tình trạng quá tải ở ga xe lửa. Trên thực tế, không có hình phạt chính thức hoặc mức án cụ thể cho nụ hôn này. Tuy nhiên, đây là một trong những điều du khách nên biết khi ghé thăm nước Pháp.
Nơi thực hiện ca cấy ghép mặt và tim nhân tạo đầu tiên
Pháp là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện thành công ca ghép mặt và tim nhân tạo. Ca ghép tim nhân tạo diễn ra vào tháng 12/2013 tại Bệnh viện Georges Pompidou ở Paris. Thiết bị thẩm mỹ sinh học, kích thích sự co bóp của tim hữu cơ, được cung cấp năng lượng bởi pin lithium-ion bên ngoài và nặng gần gấp 3 lần cơ quan thật.
Trước đó, vào năm 2005, các bác sĩ phẫu thuật người Pháp đã làm nên lịch sử khi trở thành những người đầu tiên thực hiện cấy ghép khuôn mặt. Isabelle Dinoire là bệnh nhân đầu tiên được ghép mặt sau khi cô bị chú chó cưng cắn biến dạng.
Nước đầu tiên cấm rác thải thực phẩm
Thực phẩm quá hạn không được vứt ra ngoài hoặc tiêu hủy tại các cửa hàng tạp hóa ở Pháp, đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành luật như vậy vào tháng 2/2016. Những thực phẩm thừa phải được thu gom để giao cho các "ngân hàng" thực phẩm hay các tổ chức từ thiện. Nếu việc tiêu hủy những thực phẩm còn có thể sử dụng bị phát hiện, các siêu thị sẽ bị phạt nặng từ 75.000 euro, thậm chí tới 2 năm tù giam. Ngoài ra, cấm vứt thực phẩm còn giúp hạn chế việc những người vô gia cư lục lọi đồ ăn gây mất cảnh quan đô thị.
Có nghĩa trang cho động vật đầu tiên trên thế giới
Đạo luật nghiêm cấm chôn và vứt xác động vật bừa bãi vào năm 1899 chính là lý do hình thành nên nghĩa trang dành cho động vật đầu tiên trên thế giới. Những người có công xây dụng khu chôn cất này là nhà báo Marguerite Durant và luật sư Georges Harmois. Nơi đây không chỉ là nơi an nghỉ cuối cùng của chó, mèo mà còn rất của nhiều loại động vật khác.
Bánh sừng bò có nguồn gốc từ Áo chứ không phải Pháp
Pháp là điểm đến nổi tiếng nhất trên thế giới cho những ai muốn thưởng thức những chiếc bánh sừng bò hảo hạng. Nhưng thực tế, món bánh này lại có nguồn gốc từ nước Áo vào thế kỷ 18.
Kipferl, tiền thân của bánh sừng bò vốn rất được ưa chuộng trong các quán cà phê ở Vienna vào thế kỷ 13. Kipferl là món bánh có hình trăng lưỡi liềm, thường được ăn vào buổi sáng. Kipferl ban đầu được làm từ một loại bột đặc hơn và ít lớp hơn, sau đó đã đi qua biên giới vào Pháp và được biết đến với tên gọi là bánh sừng bò.
Quốc gia phát minh ra camera trên điện thoại
Một người đàn ông Paris tên là Philippe Kahn đã nảy ra ý tưởng đầy táo bạo về việc gắn camera (máy ảnh) lên điện thoại vào năm 1997. Chiếc điện thoại thử nghiệm của Kahn sau này được công nhận là chiếc điện thoại có camera đầu tiên trên thế giới. Cô con gái mới sinh của Kahn, Sophie, là nhân vật xuất hiện trong bức ảnh đầu tiên được chụp từ điện thoại.
Quốc gia đầu tiên áp dụng việc ngụy trang trong chiến đấu
Quân đội Pháp là đơn vị đầu tiên thành lập đơn vị ngụy trang chuyên dụng vào năm 1915. Từ "ngụy trang" cũng bắt đầu xuất hiện từ đó và được lý giải là giúp "giảm thiểu khả năng quan sát của đối thủ trên chiến trường". Trong thời gian này, trào lưu "ngụy trang", gọi là camo fleurs cũng được các nghệ sĩ đường phố ưa chuộng. Vài năm sau, năm 1917, quân đội Anh cũng chính thức thành lập một sư đoàn ngụy trang riêng.
Minh Hoa (t/h)