Theo RBTH, gấu trên thực tế chưa bao giờ là một biểu tượng chính thức của đất nước Nga. Biểu tượng chính thức của Nga ngày nay là một con đại bàng hai đầu (được mô tả trên quốc huy).
Tuy nhiên, trong ít nhất năm thế kỷ qua, những người ở bên ngoài nước Nga lại thường xuyên coi gấu là một hình tượng so sánh với quốc gia này.
Theo thời gian, số người mặc định sử dụng cụm từ “gấu Nga” ngày càng gia tăng và người Nga cũng cảm thấy mệt mỏi khi phải giải thích đi giải thích lại điều không hề chính xác.
Biểu tượng cổ đại
Gấu thực sự là con vật được tôn sùng ở Nga từ thời cổ đại. Trong nhiều thế kỷ ở thời Trung cổ, các đoàn kịch hát trên khắp nước Nga cũng thường sử dụng các con gấu được thuần hóa cho các tiết mục nhảy múa, làm những thủ thuật đơn giản và xin tiền.
Không những vậy, đã từng có thời điểm gấu là con vật được sử dụng như một phương thức hành hình tàn bạo. Xu hướng này đã phát triển một thời gian dài, đặc biệt trong thế kỷ 16.
Tuy nhiên, hình ảnh con gấu gắn với nước Nga trong mắt người nước ngoài lại đến từ một câu chuyện khác.
Năm 1526, một nhà ngoại giao người Áo tên là Siegmund von Herberstein đã viết như sau về mùa đông ở Nga: "Những con gấu bị đói và rời khu rừng tìm thức ăn, chúng chạy quanh các làng lân cận và đột nhập vào nhà, khi nhìn thấy chúng, dân làng phải chạy trốn và chết vì lạnh".
Câu chuyện này được truyền tai bởi nhiều khách du lịch Ý, Ba Lan, Anh, Đức và Hà Lan trong nhiều năm sau. Kể từ đó, ấn tượng về những con gấu đi lang thang trên đường phố Nga được coi là một điều bình thường.
Đó cũng là cách mà một trong trong câu chuyện về nước Nga gắn liền với gấu được sinh ra. Càng ngày, càng nhiều người trên khắp thế giới tin rằng, ở Nga, những con gấu có mặt khắp mọi nơi.
Phương thuốc chữa hói đầu
Gấu chữa hói đầu lại là một trong những niềm tin kỳ lạ khác đối với nhiều người. Mặc dù vậy, nó không phải đến từ một trò đùa cợt hay tin đồn có chủ ý nào. Trên thực tế, nguồn gốc ban đầu của nó là lời quảng cáo của các thương nhân khôn khéo người Anh.
Từ giữa thế kỷ 16, những thương nhân này thường xuyên đến thăm Nga. Người Nga vẫn được biết đến với hình ảnh buôn bán các mặt hàng: mật ong, lông thú, len, sáp và đặc biệt là mỡ gấu.
Mỡ gấu của người Nga giống như một biểu tượng, tượng tự như khi nói đến Paris, người ta thường nghĩ đến món bánh sừng bò nổi tiếng.
Các thương gia đã nhanh chóng quảng bá mỡ gấu Nga như một phương thuốc tốt nhất cho chứng rụng tóc, với lý do chỉ đơn giản là gấu… rất nhiều lông. Điều này đã giải thích cho cái giá cắt cổ của mặt hàng này đến từ nước Nga xa xôi.
Trên thực tế, mỡ gấu được bán trên thị trường đôi khi chỉ là mỡ lợn của Anh, nhưng các quý ông Anh đã quá bận tâm đến việc chữa trị chứng hói đầu của mình mà để cho quảng cáo qua mặt.
Vị trí địa lý
Một lý do khác khiến Nga gắn liền với gấu trong mắt người châu Âu là một học viện gấu nổi tiếng được thành lập vào thế kỷ 17 tại thị trấn Smorgon.
Gọi là học viện có vẻ hơi quá, khi cơ sở này thực sự chỉ là một trường tư nhân đào tạo gấu cho các rạp xiếc trên khắp châu Âu.
Nhưng điều đó không quan trọng. Smorgon là một phần trong Khối thịnh vượng chung Ba Lan-Litva. Người châu Âu bình thường không quá bận tâm đến độ chính xác của vị trí địa lý. Họ chỉ biết rằng đó là một nơi nào đó ở phía Đông, và họ biết rằng một nơi nào đó ở phía Đông là nước Nga.
Bởi vậy, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi nước Anh bắt đầu sản xuất phim hoạt hình mang tính chính trị vào thế kỷ 19, Nga luôn được miêu tả trong hình hài một con gấu.
Hình ảnh này nhanh chóng in sâu vào tâm trí nhiều người, và trong Chiến tranh Lạnh, con gấu đã trở thành một phép ẩn dụ cho Liên Xô.
Biểu tượng Olympic
Người Nga có thích con gấu làm biểu tượng không? Điều này khó có thể xác định. Nhưng gấu có lẽ vẫn có một vị trí ở đâu đó đối với họ.
Hình ảnh con gấu gắn liền với Liên Xô mang tính tiêu cực ở châu Âu đã được thể hiện ở một khía cạnh tích cực hơn, chỉ đơn giản bằng cách nhắc nhở phương Tây rằng, con gấu là một động vật rất dũng cảm, mạnh mẽ và ngoan cường. Chưa kể, nó còn là một linh vật tuyệt vời cho Thế vận hội!
Và thế là nhiều khán giả đã xúc động rơi nước mắt khi linh vật gấu bay lên bầu trời cùng hàng chục quả bóng bay trong lễ bế mạc Thế vận hội Moscow năm 1980.
Sau đó, sau khi Liên Xô tan rã, gấu là một trong những ứng cử viên xuất hiện trên quốc huy Nga, nhưng nó đã thua đại bàng hai đầu của Hoàng gia Nga.
Tuy nhiên, con gấu đã có sự trở lại vào đầu những năm 2000, khi nó được chọn là biểu tượng của đảng Nước Nga thống nhất – đảng cầm quyền hiện tại.