Theo tin tức được nhiều người chia sẻ, bắt đầu từ khoảng 10h đến 11h30 sáng 9/5, có một quầng sáng bao quanh mặt trời, mỗi lúc một tán rộng hơn.
Nhiều người thích thú với hiện tượng này đã dùng máy ảnh, điện thoại ghi lại và livestream trên facebook, nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Có người cho rằng, đây là hiện tượng kỳ lạ, hàng nghìn năm mới có một lần. Những ai nhìn được sẽ rất may mắn, hạnh phúc.
Còn một số người có tình yêu đặc biệt với thành phố Huế mộng mơ lại đinh ninh rằng, ở Huế sắp có ai đó sinh hạ một quý tử, sẽ là nhân tài của đất Việt trong tương lai không xa?
Nhiều người chưa từng bắt gặp hiện tượng này vô cùng thích thú và coi đây là may mắn, cơ hội “nghìn năm có một”.
Trước đó tại Nghệ An, hiện tượng tương tự cũng đã xuất hiện vào ngày 7/5. Khu vực mặt trời lạ được nhìn thấy rõ nhất tại xã Quỳnh Yên (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).
Theo nhận định của một số nhà khoa học, có thể do hiện tượng khúc xạ ánh sáng đã tạo ra vầng hào quang kỳ lạ. Theo đó, nhiệt độ tăng cao khiến chiết suất các lớp không khí thay đổi đột ngột. Chính vì vậy, những tia sáng bị khúc xạ mạnh tạo thành một vòng tròn xung quanh mặt trời.
Trao đổi với PV, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch hội Thiên văn học trẻ Việt Nam lý giải: "Đây là hiện tượng quầng 22 độ. Hiện tượng quang học này xảy ra trong khí quyển Trái Đất ở khu vực lân cận đĩa sáng mặt trời hoặc mặt trăng khi thời tiết rất khô, ít hơi nước, trên tầng cao của khí quyển chỉ có mật độ thấp các hạt băng (nước đá)".
“Ánh sáng từ mặt trời hoặc mặt trăng (do mặt trời chiếu sáng) khi đi vào khí quyển xuyên qua các tinh thể có dạng lục giác này bị khúc xạ, gây nên hiện tượng giống như khi đi qua một thấu kính phân kì, tạo thành một vòng sáng trắng có bán kính khoảng 22 độ (độ rộng đường kính 44 độ) quanh đĩa sáng. Hiện tượng này thường được quan sát phổ biến ở mặt trăng và ít gặp hơn ở mặt trời", ông Sơn nói thêm.
Cũng theo ông Sơn, tuy ít xuất hiện với mặt trời nhưng không quá hiếm gặp và không phải hiện tượng khó hiểu hay đáng ngại.
Dương Thu