Tranh giành sự sống
Năm 2012, con tàu Costa Concordia còn được gọi là tàu Titanic của Italia đã bị đắm trước sự ngỡ ngàng của toàn thể người dân Italia. Con tàu trọng tải 114.500 tấn với sức chứa 3.200 hành khách cùng hơn 1.000 nhân viên đã gặp nạn ở ngoài khơi vùng biển Giglio, vùng biển vốn rất hiền hòa và yên bình. Theo thông báo, có tất cả 32 người thiệt mạng trong đó còn một người vẫn chưa tìm thấy xác và 40 người khác bị thương.
Ngay lập tức, thuyền trưởng Francesco Schettino bị bắt giam và phải chịu trách nhiệm chính về vụ tai nạn nghiêm trọng này. Đội cứu hộ vẫn lùng sục trên con tàu để tìm kiếm người sống sót nhưng vô vọng. Việc trục vớt con tàu đã bị gia hạn đến tận tháng 1/2014 do "sự cần thiết khi phải hoàn thành các quá trình phức tạp trong việc di chuyển phần còn lại của con tàu". Người ta chỉ lo rằng, con tàu sẽ trượt ra khỏi rìa đá, chìm sâu xuống đáy biển Địa Trung Hải, khiến thùng chứa nhiên liệu bị đâm thủng, gây ra thảm họa tràn dầu nghiêm trọng.
Trong khi tàu Costa Concordia vẫn chưa được trục vớt, các nguyên nhân dẫn đến cái chết của một số người xấu số dần lộ ra sau thời gian dài bị che giấu. Những nạn nhân thiệt mạng còn có cả phụ nữ và trẻ em, những người đáng lẽ đã có thể thoát khỏi con tàu an toàn ngay khi tàu mới bắt đầu chìm. Nhưng khi đứng giữa sự sống và cái chết, mọi ưu tiên cũng như quy tắc xã hội bị gạt sang một bên, bởi vậy, phụ nữ và trẻ em cũng phải tranh giành với các vị hành khách khác.
Nạn nhân nhỏ nhất mới 5 tuổi, cô bé Dayana Arlotti cùng cha là William không thể tìm được chỗ trên chiếc xuồng cứu hộ. Với hi vọng sẽ có thuyền cứu hộ đến, hai cha con đã bám vào mạn thuyền, cố gắng chịu đựng làn nước lạnh băng của mùa đông nhưng rồi cả hai đã bị sóng nhấn chìm.
Theo lời kể của một người sống sót, những người lớn trên xuồng đã không cho cô bé một chỗ ngồi. Sự ích kỷ và sợ chết lộ rõ qua hành động của những người này khiến một cô bé đáng lẽ có thể sống sót lại phải chết một cách oan uổng. Người tiếp theo phải chịu sự hắt hủi của những người chung thuyền là cô Erika Molina, một nhân viên pha chế tiềm năng.
Cô gái tội nghiệp cố gắng leo lên thuyền cứu sinh nhưng do đuối sức hơn nên đã bị văng ra vì sự chen lấn, xô đẩy dữ dội của các nam thanh niên khỏe mạnh. Chưa kịp mặc áo phao nên cô cứ ngụp lặn dưới biển rồi cuối cùng bị hút sâu xuống đáy biển đen tối bởi các dòng xoáy được tạo nên khi tàu lật úp.
Con tàu Titanic II - Costa Concordia nổi tiếng.
Nạn nhân duy nhất chưa tìm được xác là cô Maria Dintrono. Cô không thể leo lên chiếc xuồng cứu hộ đầu tiên dành cho phụ nữ và trẻ em, tính lương thiện trong cô đã trỗi dậy, cô sẵn sàng nhường chỗ cho trẻ nhỏ và những người phụ nữ trẻ khác. Không có áo phao lại không biết bơi, cô run rẩy bám chặt lấy cạnh tàu trước khi nhảy xuống làn nước băng giá. Người ta nhìn thấy cô vùng vẫy giữa biển khi chỉ còn cách bờ biển vài trăm mét thì bị dòng nước nuốt chửng.
Cũng có tấm lòng vị tha như cô Maria, nhạc sĩ trên tàu là ông Giuseppe Girolamo may mắn kiếm được chỗ ngồi trên một xuồng cứu sinh, nhưng sau đó, ông đã nhường lại chỗ ngồi cho một người khác và chết đuối sau những giờ hoảng hốt trong bóng tối dày đặc.
Anh hùng cũng phải chịu tội
Cư dân trên đảo Giglio hết sức ngỡ ngàng và kinh ngạc khi một con tàu hiện đại, được đánh giá là tàu Titanic hiện đại bậc nhất bị chìm giữa biển khơi rộng lớn. Hơn 100 năm đã qua đi, thảm họa Titanic là bài học lớn cho sự chủ quan và quá tin tưởng vào các trang thiết bị trang bị trên tàu.
Thế nhưng, một lần nữa, hành khách lại bỏ mặc giữa biển khơi bởi không đủ xuồng cứu sinh và áo phao. Rõ ràng, do quá tin tưởng vào những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ sản xuất và thiết kế tàu biển, người ta đã bỏ qua khâu cứu hộ và chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp như chìm tàu.
Con tàu không thể chìm cuối cùng cũng nằm sâu dưới đáy biển và chờ ngày được trục vớt. Sau vụ đắm tàu, các chuyên gia cứu hộ cùng 111 thợ lặn đã được cử đến đảo Giglio, làm việc theo ca 24/24h. Họ ăn nghỉ ngay trên một chiếc thuyền thả neo tại khu vực tàu Concordia chìm. Công việc của họ là đặt 18.000 tấn bê tông vào bên dưới tàu để giữ tàu đứng vững trước khi lật nó lại và trục vớt.
Theo dự kiến, một chiếc xe tăng nổi khổng lồ được chuẩn bị hoạt động như những đôi cánh trong nước nhằm neo tàu và kéo các khung kim loại lớn vào dưới đáy biển lên mặt biển. Tiếp đó là tạo áp lực để tàu Costa Concordia nổi lên, các chuyên gia sẽ kéo nó vào đất liền để cắt rời từng phần. Tuy nhiên, việc này không thể thực hiện tại chỗ bởi chính phủ lo sợ ô nhiễm sẽ tàn phá vùng biển vốn là công viên quốc gia này.
Về phần những người phải chịu trách nhiệm cho thảm họa chìm tàu này, thuyền trưởng Schettino đang bị buộc tội ngộ sát, bỏ mặc con tàu và có khả năng phải chịu mức án tù hơn 2.600 năm tù, một mức án "khủng" đối với một loạt tội danh do chính thuyền trưởng Schettino gây ra.
Bên cạnh đó, các công tố viên còn đề nghị tòa án xét xử Schettino cùng bốn thủy thủ và một người quản lý trên bờ. Trong số đó, thủy thủ Manrico Giampedroni từng được hành khách coi là vị anh hùng vì rời tàu cuối cùng cũng phải chịu tội như những người khác. Tội của Giampedroni là rời bỏ vị trí khi đang chịu hỗ trợ công tác cứu hộ.
Con tàu bị "nguyền rủa" hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên
Những người mê tín cho rằng, con tàu "Titanic Italy" này sẽ không thể thoát khỏi lời nguyền đeo đẳng từ 100 năm trước. Rồi cái ngày thảm họa tàu Costa Concordia diễn ra trùng đúng thứ sáu ngày 13, khiến niềm tin vào ma quỷ càng tăng lên. Theo quan niệm của người phương Tây, thứ sáu ngày 13 rất xui xẻo nên việc con tàu chìm là do bàn tay ma quỷ gây ra. Hơn nữa, có lời đồn về việc con tàu chìm đã được báo trước. Đó chính là việc lễ hạ thủy thất bại và thủy thủ tàu đã bỏ qua những trùng lặp với con tàu Titanic 100 năm trước.
Theo truyền thống, vào ngày lễ hạ thủy con tàu, người hạ thủy sẽ đập một chai champaigne vào thân tàu để cho con tàu thuận buồn xuôi gió, luôn gặp may mắn và tránh mọi tà ma. Ngày "song thất" (7/7) năm 2006, con tàu Costa Concordia - "viên ngọc" có trị giá 450 triệu euro của đội tàu Costa được tiến hành làm lễ hạ thủy.
Nhưng khi người hạ thủy ném chai rượu được buộc dây xuống thành tàu, chai đập liền ba lần vào thành tàu nhưng không vỡ. Việc chai rượu không vỡ là một điềm cực xui cho bất cứ một tàu thuyền nào nhưng con tàu vẫn được "gặp nước" bất chấp sự can ngăn của nhiều người.
Sự khác biệt giữa hai vị thuyền trưởng “Titanic” Người đầu tiên lên tàu là thuyền trưởng và người cuối cùng rời tàu trong mọi hoàn cảnh cũng là thuyền trưởng. Và người ta cũng đã so sánh hai thuyền trưởng của hai con tàu có chung số phận cách nhau một thế kỷ. Thuyền trưởng Costa Concordia, Francesco Schettino hiện đang đứng trước án tù "khủng". Bởi theo các nhân chứng trên tàu, trước thời điểm con tàu đâm vào đá ngầm, Schettino đang ngồi uống rượu và khi tàu gặp nạn, Schettino lại vội vã bỏ mặc thủy thủ đoàn và hành khách, rời tàu đầu tiên, một hành động trái ngược với với thuyền trưởng vĩ đại Edward J.Smith của Titanic: Đưa khách rời tàu an toàn rồi gieo mình xuống đáy đại dương cùng con tàu huyền thoại. |
Hồng Nhung (Theo Daily Beast/Telegraph)