Sự thật cái chết bí ẩn của những chiến binh cổ đại

Sự thật cái chết bí ẩn của những chiến binh cổ đại

Thứ 5, 27/12/2012 23:41

Năm 1920, một cuộc khai quật của các nhà khảo cổ học tại Syria đã phát hiện được 20 bộ xương người trong một đường hầm. Chủ nhân của những bộ xương này nhanh chóng được xác định là những chiến binh cổ đại, từ khoảng hơn 2.000 năm trước. Nhưng tất cả họ đều không có dấu hiệu bị chết bởi gươm giáo.

Những cái chết bí ẩn

Năm 2011, tiến sỹ Simon James, một nhà khảo cổ và sử học tại đại học Leicester (Anh) lật lại hồ sơ, và ông không đồng ý với kết luận này của các nhà khoa học tiền bối bởi nó mang nặng tính phỏng đoán mà thiếu chứng cứ khoa học. Nghiên cứu lại toàn bộ hồ sơ dữ liệu của cuộc khai quật, tiến sỹ James đi đến một kết luận bất ngờ: Họ chết bởi khói độc! Con người đã biết sử dụng vũ khí hóa học từ 2.000 năm trước. Diễn biến dẫn đến cái chết dưới hầm ngầm từ hơn 2.000 năm trước của những chiến binh này được ông mô tả lại dựa trên những chứng cứ khoa học đã thuyết phục được cả giới nghiên cứu.

Vào một ngày cách đây hơn 2.000 năm, 19 chiến binh La Mã đổ xô vào một đường hầm chật hẹp dưới lòng đất, chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ thành phố Dura của đế chế La Mã trên đất Syria trước cuộc tấn công của đội quân Ba Tư. Kẻ thù đang đào những đường hầm ngầm xuyên dưới chân các bức tường thành vững chãi mà họ đang trấn giữ.

Tuy nhiên, thay vì đụng độ với các chiến binh Ba Tư dưới đường hầm, những người lính La Mã xấu số này đã gặp phải một làn khói đen đặc và vô cùng độc hại. Trong phút chốc, phổi của họ bị đốt cháy. Những thanh gươm sắc bén trên tay không giúp gì được cho họ trước kẻ thù bất ngờ và tàn độc này. Toàn bộ nhóm lính La Mã chết đau đớn chỉ trong khoảnh khắc, nhiều người vẫn còn giữ những đồng tiền lương cuối cùng của họ trong chiếc túi đeo ở thắt lưng. Ngay gần đó, một người lính Ba Tư cũng phải chịu cái chết kinh hoàng như kẻ thù của mình. 20 người đàn ông này, được xác định chết vào năm 256 Trước công nguyên, chính là những nạn nhân đầu tiên của chiến tranh hóa học trên thế giới.

Thế giới - Sự thật cái chết bí ẩn của những chiến binh cổ đại

Chiến binh Ba Tư này đã chết đau đớn cùng với kẻ thù trong đường hầm

Vũ khí hóa học là thủ phạm

Trong những năm 250 trước công nguyên, đế chế Ba Tư của người Sasanian bắt đầu thời kỳ cực thịnh. Họ quyết định tấn công chiếm thành phố Dura vốn đang nằm dưới sự cai quản của đế chế La Mã. Đây là một mục tiêu cực kỳ khó xâm nhập đối với bất cứ một đội quân nào, dù là hùng mạnh đến mấy. Được bao bọc bên ngoài bởi sông Euphrates, những bức tường thành Dura lại dày tới hàng mét khiến việc công thành theo những cách truyền thống trở nên vô nghĩa.

Trước tòa thành bất khả xâm phạm này, người Ba Tư không chịu bỏ cuộc. Họ nghĩ ra một cách đánh mới: Đào các đường hầm xuyên qua bên dưới những bức tường thành để đưa lính xâm nhập vào bên trong thành phố. Một đường hầm như thế, dài tới 40 mét đã được tìm thấy còn nguyên vẹn trong cuộc khai quật khảo cổ học vào năm 1920. Để đối phó lại, quân La Mã cũng đào các đường hầm vòng quanh tường thành để ngăn chặn đối phương chui lên từ lòng đất. Cuộc chiến giữa hai bên chuyển từ mặt đất xuống các đường hầm tối tăm chật hẹp.

Trò chơi mèo đuổi chuột dưới lòng đất lần đầu tiên được mô tả bởi nhà khảo cổ học Robert de Mesnil. Ông cũng chính là người đã khai quật các đường hầm này vào năm 1920 và tìm thấy bộ xương của 19 binh sĩ La Mã và 1 binh sĩ Ba Tư nói trên. Khi đó, Mesnil phán đoán rằng, đã có một trận chiến giáp lá cà khốc liệt diễn ra tại đây.

Người Ba Tư đã đốt cháy đường hầm phòng ngự của người La Mã, khiến các chiến binh La Mã chết cháy. Giả thiết của nhà khảo cổ học người Pháp này không phải là không có cơ sở, bởi ông đã tìm thấy dấu vết của lưu huỳnh và dầu thông trong đường hầm. Đây là những vật liệu gây cháy vốn đã rất phổ biến thời trung cổ, và việc chúng thường được dùng trong các trận đánh chiếm thành đã được lịch sử ghi lại.

Quan điểm của Robert de Mesnil đã được giới chuyên môn chấp nhận suốt từ khi công bố những năm 1920. Gần một thế kỷ sau, năm 2011, khi nghiên cứu lại vấn đề trên, tiến sỹ James đã không đồng tình với lý giải của bậc tiền bối. Những đường hầm chật hẹp dưới lòng đất sâu không phù hợp cho một trận chiến giáp lá cà của cả hàng chục chiến binh. Ông cũng không cho rằng họ bị chết cháy. Lúc đầu, ông nghĩ rằng những người lính La Mã đã giẫm đạp lên nhau trong khi cố gắng thoát ra khỏi đường hầm. Nhưng khi nghiên cứu kỹ các bộ xương, nhà khoa học người Anh phát hiện một sự thật bất ngờ: Họ chết vì ngạt khói độc. Người Ba Tư đã hun khói độc trong đường hầm của người La Mã.

Do cả hai bên đều đào đường hầm để tấn công và phòng ngự ở dưới lòng đất, nhờ các tiếng động, họ có thể nhận ra đối phương khi các đường hầm sắp ăn thông với nhau. Quân Ba Tư đã đốt sẵn khói độc trong phần đường hầm của mình như một cái bẫy chờ sẵn quân La Mã, rồi họ rút lên mặt đất, không quên chặn hầm. Khi quân La Mã phá vỡ vách đất ngăn cách đường hầm hai phe, khói độc từ đường hầm của quân Ba Tư tràn sang đường hầm của quân La Mã, lan tỏa rất nhanh nhờ hệ thống thông gió của các đường hầm này.

Dấu vết của lưu huỳnh và dầu thông trong đường hầm mà Mesnil tìm thấy cũng được tiến sỹ James giải thích rất logic: Người Ba Tư đã sử dụng dầu thông để đốt cháy lưu huỳnh với nồng độ đậm đặc, biến thành hơi axit sulphuric. 19 người lính La Mã gục chết ngay tức khắc khi hít phải thứ khói độc này, khiến phổi bị cháy đen trong tích tắc.

Bản thân một người lính Ba Tư, vì một lý do nào đó đã ở lại đường hầm, cũng phải chịu chung kết cục bi thảm như kẻ thù. Quan sát vị trí các mảnh áo giáp còn sót lại trên bộ xương, tiến sỹ James đã nhận ra rằng, nhiều mảnh thuộc phần ngực áo nhưng lại nằm lên phần xương mặt và cổ. Điều đó chứng tỏ người lính Ba Tư xấu số này đã cố gắng kéo áo lên để che mặt khi hít phải khí độc. Hành động này chỉ đơn thuần là mang tính phản xạ theo bản năng, chứ không thể giúp anh ta thoát khỏi cái chết kinh hoàng do chính quân mình giăng ra.

Những chiến binh La Mã khác kinh hoàng trước làn khói độc chết người ấy và nhanh chóng tháo chạy. Những người Ba Tư thì chờ khói tan rồi quay lại bịt cửa hầm một cách vội vã, hòng ngăn kẻ thù truy kích. Họ đã xếp chồng các xác chết lên nhau, nhưng nỗi khiếp sợ trước hiệu quả khủng khiếp đến không ngờ của làn khói độc do chính mình tạo ra đã khiến những chiến binh Ba Tư không dám nán lại để lục soát xác chết. Đó là lý do vì sao tiền xu, áo giáp và vũ khí của những người chết vẫn còn nguyên vẹn.

Giả thiết của tiến sỹ James đã nhận được sự đồng tình của các nhà khoa học. Ông đã giải thích được tất cả những gì Robert de Mesnil đã khám phá một cách đầy thuyết phục. Cách giải thích này cũng rất phù hợp với bối cảnh lịch sử cổ đại lúc đó. Đế chế Ba Tư đã từng là một đế chế hùng mạnh, có một nền văn minh rực rỡ, một nghệ thuật quân sự phát triển đến mức tinh vi, đánh đâu thắng đó.

Đặc biệt, trước trận Dura, đã có một số hình thái sơ khai của vũ khí hóa học xuất hiện. Năm 189 trước công nguyên, người Hy Lạp đã đốt lông gà rồi lợi dụng hướng gió, thổi khói vào quân La Mã đang vây thành. Vì vậy, việc người Ba Tư đã học hỏi được các kinh nghiệm của tiền nhân, rồi phát minh ra vũ khí hóa học đầu tiên của loài người là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Di họa lâu dài

Trong hai cuộc Thế chiến và hàng chục cuộc chiến cục bộ khác nhau trên toàn thế giới, vũ khí hóa học hiện đại đã góp phần giết chết hàng chục triệu người, để lại di chứng nặng nề cho những người còn sống sau nhiều thập kỷ. Nghị định thư Geneve 1925 cấm sử dụng vũ khí hóa học, nhưng lại không cấm việc sở hữu. Vì vậy, hàng loạt quốc gia dù đã ký kết Nghị định thư này nhưng vẫn vô tình làm tổn hại thế lực thù địch bằng vũ khí hóa học. Các quốc gia không tham gia thì vẫn vô tư sử dụng. Điển hình là trong cuộc chiến Iran - Iraq kéo dài 8 năm (1980-1988), nhà cựu độc tài Iraq Saddam Hussein đã sử dụng các loại vũ khí hóa học khác nhau khiến khoảng 20.000 quân Iran thiệt mạng, khoảng 80.000 người bị thương và gánh chịu di họa cho đến tận ngày nay. Ngày 15/12/1980, Việt Nam đã chính thức phê chuẩn Nghị định thư này.

Thanh Tùng


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.