Tuổi thơ gắn liền với trái bóng tròn
Tìm đến xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) trong những ngày gần đây, chúng tôi bắt gặp những ánh mắt hồ hởi xen lẫn niềm tự hào của những người dân về một người con của vùng đất này. Vừa thấy có người lạ đi vào địa bàn, một người dân vội cất tiếng hỏi thăm và ra vẻ vui mừng khi thấy chúng tôi nhắc đến Nguyễn Công Phượng (SN 1995), ở xóm 6. Ông tươi cười nói: "Cháu Phượng là niềm tự hào của người dân Mỹ Sơn chúng tôi đấy". Theo chân người đàn ông này dẫn đường, chúng tôi vào đến tận nhà của em, một ngôi nhà đơn sơ mang vẻ cũ kỹ nằm sát bên đồi chè.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo lại đông con nên ngay từ ngày nhỏ, thú vui lớn nhất của cậu bé này được chơi là cùng với các anh em của mình dùng trái bưởi hoặc tết rơm để làm bóng đá. Có lẽ cũng vì được tiếp xúc với trái bóng tròn ngay từ thưở nhỏ, nên cậu bé đã sớm bộc lộ niềm đam mê đối với môn thể thao đã được cả thế giới ưa chuộng này.
Nhưng một biến cố đã xảy ra trong gia đình nhỏ này, khi người anh thân thiết vẫn thường chơi đá bóng cùng cậu không may mất trong một tai nạn. Từ ngày không còn anh, cậu bé chỉ ôm quả bóng ngồi một mình nhìn xa xăm, bởi không còn người chơi cùng. Thương con, ông Nguyễn Công Bảy (1956) và bà Nguyễn Thị Hoa (1960) cũng chỉ biết động viên con ra chơi cùng bạn bè trong xóm. Thế nhưng, cậu bé cũng chẳng hòa nhập được mấy. Một thời gian sau, thấy em vẫn thường thất thểu, sợ để lâu con sẽ sinh bệnh, nên bố mẹ liền cho Phượng theo một lớp bóng đá ở trên thị trấn Đô Lương do HLV Trương Quang Vinh dẫn dắt, để em được khuây khỏa và thỏa mãn sở thích với bộ môn thể thao này. Nhận thấy được khả năng về bóng đá của con trai, dù gia đình hết sức khó khăn, song bố mẹ Phượng cũng cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho em, để em vừa chuyên tâm học tốt các môn văn hóa mà vẫn tham gia được các buổi tập luyện và thi đấu của đội tuyển. Mỗi tuần 2 lần, hai ông bà thay nhau sử dụng phương tiện duy nhất là chiếc xe đạp cũ kỹ để cùng em hành trình. Vượt qua quãng đường dài hơn 18km, không quản trời mưa nắng, gió rét, ông bà vẫn cố gắng đều đặn chở Phượng đi tập luyện cùng đội.
> Đọc thêm: Chuyện tiền bạc ở đội bóng một thời 'tiêu tiền như rác'
Cầu thủ trẻ Nguyễn Công Phượng trong chuyến đi thử việc tại London (Anh).
Bà Nguyễn Thị Hoa (mẹ của Phượng PV) tâm sự: "Có nhiều buổi tập, vì lý do nào đó bắt buộc phải nghỉ Phượng buồn và tiếc lắm. Cứ đi học thì thôi, nhưng về nhà là cháu nó ôm lấy trái bóng để tập luyện, chưa lúc nào tôi thấy nó chán hay không muốn tập bóng cả". Còn nhớ có hôm, bà lên đón Phượng sớm hơn mọi hôm một chút thì bắt gặp thầy Vinh. Thương mẹ đợi lâu, nên thầy có cho phép em về sớm nhưng em lại nhất quyết từ chối không chịu, một mực xin ở lại tập cho đến khi kết thúc cùng chúng bạn.
Dù rất chăm học hỏi và tập luyện về kỹ thuật, thế nhưng thể trạng của cậu học trò nhỏ này khá yếu. Dù đã lớp 6 nhưng nhìn em vẫn chỉ nhỏ thó như học sinh lớp 4, lại gầy đét, đen nhẻm. Thế mà, thương bố mẹ đạp xe đưa đón đường sá xa xôi, vất vả, cậu bé 12 tuổi này đã nhất mực xin được một mình đạp xe đi tập. Bà Hoa cũng đành phải đồng ý nhưng sợ con đi lần đầu không nhớ đường nên bà đã lén đi theo để xem con đã có thể tự đi một mình được hay chưa. Cứ thế, con đạp xe phía trước, mẹ lại đuổi theo sau, quãng đường 18km dường như được rút ngắn lại bởi niềm vui của bà Hoa khi thấy đứa con trai yêu quý của mình đang lớn dần và tự lập, đã không còn hình ảnh cậu bé nhút nhát, ngồi bên góc cửa nhìn xa xăm như trước đây nữa.
Mùa hè các năm sau đó, bố mẹ gửi Phượng ở nhà một người quen trên thị trấn Đô Lương để tiện cho việc luyện tập của em. Nhận thấy được tài năng của Phượng nổi bật hơn so với các bạn cùng lứa, HLV Trương Quang Vinh đã tận tình dạy dỗ và đưa em về nhà ở cùng để có thể bồi dưỡng và giúp em phát huy khả năng của bản thân tốt hơn.
Năm 2006, Phượng được đưa vào đội tuyển nhi đồng huyện Đô Lương để tham gia giải bóng đá toàn tỉnh tranh cúp Báo Nghệ An. Sau giải đấu, đội trẻ SLNA đã gọi cậu về tập huấn khi thấy cầu thủ nhí này có kỹ thuật nhanh nhẹn, chơi bóng thuận cả hai chân và có nhãn quan chiến thuật rất tốt. Sau một tháng ròng tập luyện và thi tuyển ở TP. Vinh, cả HLV và gia đình em đều nghĩ rằng em chắc chắn đã được tuyển vào đội trẻ SLNA, thế nhưng giấc mơ vụt tắt khi em không được chọn, chỉ vì các chỉ số cân nặng và chiều cao của em không đủ, thể trạng được nhận xét là yếu.
Từ ngày bị loại khỏi đội trẻ SLNA, Công Phượng chán nản và dường như từ bỏ luôn niềm đam mê của mình, em không lên thị trấn để tập luyện nữa mà chỉ ở nhà đá bóng vui với nhóm bạn cùng chăn trâu cắt cỏ ở những buổi ra đồng để rèn luyện thêm thể lực.
Nẻo đường đặc biệt đến với Học viện HAGL
Vì đam mê với các môn thể thao nên thường ngày, sở thích của Phượng là tìm hiểu các chương trình liên quan đến nó, đặc biệt là chương trình 3600 thể thao trên truyền hình. Trong một lần tình cờ, Phượng đọc thấy thông báo của Học viện HAGL Arsenal JMG tuyển sinh khóa đầu tiên tại sân vận động Pleiku (năm 2007), em vội vàng xin ba mẹ đăng kí dự tuyển. Thương con, ông bà cũng muốn cho Phượng thử sức nhưng để thi được thì lại phải vào tận Gia Lai, một vùng đất quá xa xôi đối với ông bà - người chưa qua nổi "lũy tre làng". Tính toán mãi, ông bà cũng quyết định cho Phượng thêm một cơ hội để thử sức. Vậy là ông Bảy phải nhờ người quen ở trong đó thăm dò và đăng ký dự thi. Nhớ lại hôm đưa con vào Gia Lai thi tuyển, người bố này tâm sự: "Lúc đó, gia đình tôi hết sức đắn đo vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng thương con nên vợ chồng tôi bàn nhau bán đi hai con lợn để làm lộ phí đi đường".
Không phụ lòng bố mẹ, Nguyễn Công Phượng đã xuất sắc vượt qua đợt kiểm tra ngặt nghèo cả về phẩm chất, thể lực, năng lực, đặc biệt là 3 bài thi đấu đối kháng 3 chống 3, chạy tốc độ 15m, tâng bóng bằng đầu, chân trái và chân phải dưới sự giám sát của 2 HLV khắt khe của học viện HAGL - Arsenal. Bằng sự nỗ lực của mình, em đã được các chuyên gia "chấm" vào vòng trong và được học lớp đặc biệt khoảng 12 VĐV của chính CLB Arsenal mở tại HAGL do các chuyên gia của Arsenal trực tiếp huấn luyện.
Bằng tài năng và khát vọng vươn lên của mình, Nguyễn Công Phượng đã trở thành "viên ngọc sáng" trong đội tuyển. Với khả năng kiểm soát tốt bóng cùng với kỹ thuật của một cầu thủ đá ở vị trí tiền đạo, đôi khi Phượng còn làm bất ngờ cả HLV bởi những pha bóng khác dị làm đối phương rất khó đoán. Cũng bởi thế, mà em là một trong 4 ứng cử viên sáng giá của học viện được HLV Arsene Wenger mời sang thử việc tại đội trẻ của CLB Arsenal trong gần một tháng (từ ngày 05/12/2012 đến ngày 21/12/2012), tại London (Anh).
Từ khi được nhập học tại Học viện HAGL Arsenal đến nay, mỗi năm Phượng chỉ về nhà được hai lần vào dịp hè và Tết, cậu bé ngày nào giờ đây đã cao lớn, vạm vỡ, trông rất khỏe mạnh. Mỗi lần về thăm nhà, người dân nơi đây vẫn thấy hình ảnh một cậu bé Phượng ngày nào tay xách nách mang đống cỏ mới cắt về cho bò, tay cầm liềm ra đồng gặt lúa giúp bố mẹ và vẫn vui hòa mình cùng chúng bạn đá bóng trên cánh đồng cỏ mà thuở trước cậu vẫn thường chơi.
Ước mơ trong màu áo CLB Arsenal Đợt hè vừa qua, trong khoảng thời gian nghỉ với gia đình, ngoài việc giúp đỡ bố mẹ công việc đồng áng thì chiều chiều cậu lại ra hướng dẫn cho các em nhi đồng trong xóm đá bóng để tham gia giải Bóng đá thiếu niên, nhi đồng xã Mỹ Sơn. Theo anh Nguyễn Công Minh - Bí thư Đoàn xã Mỹ Sơn cho biết: "Mặc dù bây giờ là người khá nổi tiếng, song mỗi lần về đây em vẫn tham gia hăng hái các hoạt động của xóm và xã tổ chức. Em không chỉ chơi bóng đá giỏi mà hầu như ở môn thể thao nào em cũng chơi tốt". Khi được hỏi đến ước mơ của mình Phượng tâm sự, năm 2014, khóa huấn luyện của em sẽ kết thúc và mục tiêu mà em đặt ra là sau khi tốt nghiệp, Phượng sẽ được thi đấu trong màu áo CLB HAGL tại giải V-League. Và hy vọng, trong tương lai gần sẽ có dịp trở lại London khoác áo CLB Arsenal. |
My Khánh - Hồng Điệp