Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao trước hình ảnh tấm biển gỗ có ghi khá chi tiết lệ phí qua một cây cầu bắc qua suối ở thôn Co Cọi, xã Sơn A, huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) dành cho từng đối tượng.
Cụ thể: “Lệ phí qua cầu: 5.000 đồng/người, xe. Học sinh không mất tiền, cán bộ xã sẽ mất 10.000 đồng khi đi qua, nếu không muốn mất tiền thì xuống lội suối".
Theo đó, người chia sẻ thông tin này kể lại: Vào đầu tháng 8/2017, lũ đã cuốn trôi một cây cầu độc đạo tại thôn Co Cọi. Sau hơn một tháng cơ quan chức năng chưa thể khắc phục hậu quả, việc đi lại của người dân địa phương gặp khó khăn. Để thuận tiện cho việc đi lại, dân địa phương đã làm một cây cầu tạm và đặt biển báo với nội dung như trên.
Cũng theo người này, người dân ở đây đã “mòn mỏi” chờ đợi nhưng không thấy cơ quan chức năng khắc phục hậu quả. Hằng ngày, có hàng trăm người dân phải lội suối để đi lại, trong đó không ít trẻ em, học sinh phải cõng nhau qua suối đi học.
Để xác thực thông tin trên, PV đã có cuộc trao đổi với ông Sầm Minh Tuấn, Chủ tịch xã Sơn A.
Ông Tuấn cho hay, khu vực được đề cập tới là đập tràn đã được xây dựng từ lâu và cây cầu qua đó bị lũ cuốn trôi mất. Để thuận tiện cho việc đi lại, một vài hộ dân ở thôn Co Cọi tự phát chặt tre làm cầu tạm mà không được sự đồng ý của chính quyền xã bởi lẽ, trong trường hợp mưa lũ đột xuất, dân đi qua đây sẽ rất nguy hiểm. Nếu có mưa lũ lớn, UBND xã sẽ cử người xuống kiên quyết không cho ai qua lại cầu, phòng trường hợp nguy hiểm có thể xảy ra.
Thậm chí, chiếc cầu tạm ấy chỉ có thể sử dụng cho người đi bộ, nếu làm to cho xe máy, xe tải đi qua thì không được.
“Biển thu tiền cũng là người dân tự dựng lên. Ngày 15/9, UBND xã đã vào làm việc với những hộ dân tự làm cầu và dựng biển. Đồng thời chúng tôi cũng vận động bà con tháo chiếc biển đi. Hiện tại, chiếc biển thu tiền đã được dỡ bỏ”, ông Tuấn nói.
Trước thắc mắc của PV về câu hỏi mà người dân đặt ra khi họ “mòn mỏi” chờ cây cầu mới sau khi cầu cũ bị lũ cuốn trôi từ rất nhiều ngày nay, ông Tuấn cho hay, hiện tại vẫn có đường đi tránh là một cây cầu to ở bên dưới. Còn về tuyến đường người dân thôn Co Cọi bắc cầu tre đi lại đã nằm trong dự án mà tỉnh Yên Bái sẽ đầu tư làm đường lớn, không làm đường nhỏ nên chậm.
“Chắc một thời gian nữa tỉnh sẽ làm đường cho nhân dân qua lại thuận tiện”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Nguyễn Huệ