Giờ Trái đất ở Paris năm 2010
Cứ mỗi thư điện tử, dòng tweet, video trên YouTube hay trang Facebook mà các nhà hoạt động môi trường gửi đi, họ sẽ góp phần làm cho Trái Đất nóng dần lên. Nguyên nhân của sự trớ trêu này đến từ việc khi loài người sử dụng mạng Internet, chúng ta sẽ giải phóng thêm một lượng khí CO2 vào không khí. Lượng khí này xuất phát từ các loại năng lượng được dùng để khởi động máy tính, các ngân hàng dữ hiệu hay server máy tính trên toàn cầu.
Chiến dịch “Giờ Trái Đất” được bắt nguồn từ Sydney, Australia, với chỉ 2 triệu người tham gia vào năm 2007 song tới năm 2011 đã có tới tận 135 nước với tổng số 1,8 tỉ người cùng hưởng ứng.
Năm ngoái, tổ chức đo đạc năng lượng của chính phủ Pháp mang tên ADEME ước tính rằng chỉ tính riêng lượng email mà dân văn phòng gửi đi mỗi năm đã thải ra 13,6 tấn CO2 ra ngoài môi trường. Con số này được dựa trên 100 nhân viên của một công ty Pháp, làm việc 220 ngày mỗi năm và trung bình nhận được 58 và gửi đi 33 thư điện tử mỗi ngày (vào khoảng một megabyte mỗi email).
Nếu đem so sánh thì con số 13,6 tấn CO2 trên lớn gấp đôi lượng CO2 thải ra theo đầu người ở Pháp và bằng hai phần ba thông số này ở Mỹ.
Theo ADEME, người dùng càng gửi thư với số lượng nhiều và dung lượng càng lớn, lượng khí carbon bị thải ra sẽ càng nhiều.
“Chỉ cần giảm đi 10 phần trăm lượng thư điện tử được gửi đi, chúng ta đã có tương đương một tấn khí CO2, bằng với một chuyến bay hai chiều từ Paris tới New York.”
Hai mạng xã hội Facebook và Twitter cho biết rằng họ đang cố gắng giữ cho lượng carbon bị thải ra thấp nhất có thể.
Facebook đang xây dựng một trung tâm dự liệu khổng lồ (trung tâm thứ ba trên thế giới và đầu tiên tại Châu Âu) ở Lulea, Thụy Điển.
Khí hậu lạnh giá ở đây sẽ làm lạnh các máy chủ thay vì phải sử dụng máy điều hòa, trong khi thị trấn này sẽ được hưởng năng lượng sạch từ khí hydro.
Tổ chức môi trường Greepeace đã kêu gọi thu thập 700.000 chữ kí vì một Facebook “xanh hơn” trong chiến dịch có tên gọi Unfriend Coal.
Trong khi đó, Raffi Krikorian – giám đốc cơ sở hạ tầng của Twitter, từng tuyên bố trên mạng năm ngoái rằng công ty của anh đóng góp khoảng 0.02 gram khí CO2 cho mỗi dòng tweet 140 từ được đăng.
“Tuy nhiên với tầm 50 triệu tweet được gửi, con số đó là một tấn khí CO2 mỗi ngày,” anh ước lượng. “Chúng tôi có thể làm tốt hơn như thế này. Hiện giờ Twitter đang cố gắng làm mọi thứ vận động hiệu quả hơn, để làm giảm lượng khí CO2 xuống.”
Tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất ở Sydney, Australia năm 2011 (Nguồn: AFP)
Vậy liệu mạng Internet đang ảnh hưởng thế nào tới khí hậu?
Theo một báo cáo vào năm 2007 thực hiện bởi công ty tư vấn toàn cầu Garner Inc., lượng khí carbon tăng lên do mạng Internet là điều rõ ràng, song công nghệ thông tin chỉ đóng góp vào khoảng hai phần trăm lượng khí thải toàn cầu.
Con số trên chỉ bằng một phần sáu lượng CO2 được tạo ra bởi các phương tiện vận chuyển, các thiết bị công và nông nghiệp.
Andy Ridley, trưởng ban tổ chức Giờ Trái Đất, cho biết rằng tổ chức này đã đầu tư vào những dự án làm giảm thiểu khí carbon để bù lại việc làm ô nhiễm môi trường do sử dụng năng lượng trên.
Dự án đó là một loại Internet nội mạng có tên Yammer dùng để giảm đi lượng thư điện tử gửi đi.
“Yammer đã làm một cuộc cách mạng trong cách chúng tôi liên lạc với nhau và giảm đi đáng kể lượng năng lượng tiêu thụ,” Ridley trả lời hãng AFP.
“Nhìn chung, chúng tôi cho rằng việc xây dựng nên một chiến dịch trên mạng và có thể liên lạc được với mọi người trên toàn cầu mà không cần đi lại quả thực là một điều kì diệu của công nghệ.”/.
Theo Vietnam+