Sự thật đằng sau nghịch lý người Việt mê cười, lười đọc

Sự thật đằng sau nghịch lý người Việt mê cười, lười đọc

Thứ 3, 03/01/2017 15:55

Trước khi các chương trình hài bùng nổ thì người Việt vẫn ít đọc sách. Thế nên, đây không phải là một liên tưởng hệ quả, vì mải xem hài mà quên đọc sách.

Sự bùng nổ các chương trình hài từ truyền hình, băng đĩa cho tới sân khấu … đối lập hẳn với thực trạng không mấy sáng sủa của văn hóa đọc. Tuy chưa có thống kê người Việt một năm xem bao nhiêu chương trình hài kịch nhưng số liệu người Việt đọc chưa tới 3 cuốn sách/năm lại khiến nhiều người ngậm ngùi. Vậy chúng ta thấy gì từ bức tranh tương phản nêu trên?

Theo số liệu thống kê của Cục Xuất bản (bộ Thông tin và Truyền thông) vào năm 2015, người Việt đọc trung bình 2,8 cuốn sách và 7 tờ báo/năm. Con số thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như: Singapore (14 cuốn/năm), Malaysia (10 cuốn/năm) … Cũng trong năm này, Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) đưa ra con số gây chú ý: Tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách ở nước ta chiếm tới 26%, tỷ lệ người thỉnh thoảng mới cầm sách là 44%.

Trong khi đó, vài năm trở lại đây những chương trình hài lại gặt hái thành công vang dội. Nhiều ngôi sao hài như: Hoài Linh, Việt Hương, Trấn Thành, Trường Giang … giờ đây thực sự trở thành ngôi sao đầy quyền lực trong làng giải trí. Từ những dữ liệu nêu trên có thể thấy, người Việt có mê cười, lười đọc? Và chúng ta thấy gì sau hiện tượng này?

Văn hoá - Sự thật đằng sau nghịch lý người Việt mê cười, lười đọc

 Người Việt có mê cười, lười đọc?

PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Long, Phó giám đốc Nhà sách Long Minh về vấn đề này.

Có mải xem hài mà quên đọc sách?

Thưa ông, ông nghĩ gì khi nhìn vào con số người Việt đọc chưa tới 3 cuốn sách/ năm và sự bùng nổ các chương trình hài hiện nay?

Số liệu này cũng không thật sự nói lên được nhiều điều bởi chúng ta đâu biết cách thức các nhà thống kê thực hiện để có được con số đó. Hình như người ta lấy thống kê số sách xuất bản năm qua rồi chia cho số dân để nói rằng người đọc chỉ đọc từng ấy cuốn sách. Nhưng người ta đâu chỉ đọc sách mới xuất bản trong năm đó. Người ta còn đọc sách xuất bản trước đó nữa, và mỗi cuốn sách xuất bản sẽ có thể có nhiều hơn 1 người đọc. Do đó số sách được đọc thường sẽ cao hơn phép chia trên.

Còn đối với sự lên ngôi của những chương trình giải trí hài, tôi thấy cũng là điều dễ hiểu. Trong xã hội công nghiệp hiện nay, con người bận bịu kiếm sống, kiếm tiền nên khi về nhà, họ cần những chương trình giải trí, xả stress.

Vậy có sự liên hệ nào giữa việc lên ngôi của các chương trình hài với tình trạng lẹt đẹt của văn hóa đọc hiện nay, thưa ông?

Nói văn hóa đọc thì chúng ta cần phân biệt đọc sách để giải trí, xả stress (nhu cầu này tương tự như nhu cầu xem hài, nghe nhạc …) và sách để tự nâng cao kỹ năng sống, kiến thức cho bản thân, cao hơn nữa là những vấn đề vĩ mô, góp sức đưa đất nước phát triển. Chúng ta nói người Việt không coi trọng đọc sách nhưng phải hiểu sách đấy là sách gì? Sách giải trí hay sách nâng cao tri thức?

Hơn nữa trước khi các chương trình hài phát triển bùng nổ thì người Việt vẫn ít đọc sách. Thế nên đây không phải là một liên tưởng hệ quả (vì mải xem hài mà quên đọc sách).

Nói vậy nghĩa là nghịch lý trên chỉ củng cố thêm một chân lý là người Việt ít đọc sách?

Đúng vậy. Người Việt ít quan tâm đến mảng sách tri thức vì ngay bản thân họ đi học cũng không vì kiến thức mà chỉ cốt lấy điểm, lấy bằng (để có một địa vị, lợi ích). Hơn nữa muốn tạo nên một xã hội đọc sách từ phải rèn thói quen đó cho trẻ em từ nhỏ. Nhưng giờ trẻ em chịu quá nhiều áp lực học tập nên không có thời gian đọc sách. Chưa kể đến việc trẻ em nông thôn thiếu sách và thiếu tiền mua sách. Xem tivi dĩ nhiên sẽ là cách thức khỏa lấp khoảng trống thiếu hụt đó. Yếu tố quan trọng nhất là xã hội hiện chưa coi trọng kiến thức thực sự, làm việc dựa vào mối quan hệ thân quen, tiền bạc … Cộng với việc nhiều nhà xuất bản làm theo kiểu dễ làm khó bỏ nên dẫn tới người Việt ít đọc sách.

Văn hoá - Sự thật đằng sau nghịch lý người Việt mê cười, lười đọc (Hình 2).

 Ông Nguyễn Việt Long

Khi sách không còn là nhân tố tất yếu để mưu sinh?

Nhưng sự việc bùng nổ của các gameshow truyền hình, cộng với tâm lý lười đọc sách, liệu giới trẻ sẽ càng lười tư duy?

Tôi không chắc vì không có điều tra xã hội. Nhưng rõ ràng tỷ lệ đầu sách như: sách phi hư cấu nhiều hơn, đa dạng hơn, có những sách trước đây có thể bị coi là nhạy cảm, giờ được đón đọc … Như vậy mà nói giới trẻ lười tư duy liệu có đúng không? Nhưng quả là xã hội bây giờ nhiều thông tin quá dẫn đến quá tải thông tin. Người không quen phân tích chọn lọc sẽ bị lạc hướng trong đó.

Nếu vậy ông có lo ngại sự lép vế của văn hóa đọc với những loại hình giải trí khác?

Có thể văn hóa đọc bị lép vế nhưng nó vẫn phát triển nếu so sánh với giai đoạn trước đây. Tuy số lượng in của từng đầu sách hiện nay ít đi nhưng số đầu sách hằng năm tăng lên nhiều. Tôi nghĩ chúng ta cần những hướng dẫn người đọc để họ biết đọc thế nào cho đúng để có kiến thức phù hợp. Tất nhiên sách báo giải trí thì nên tùy sở thích và chúng ta nên chấp nhận sự đa dạng.

Xin cảm ơn ông!

Nhà nghiên cứu văn học Vương Trí Nhàn từng có nhận xét rất hay về thực tế người Việt lười đọc sách như sau: “Tốn công tốn của để đọc mà thu nhập chả hơn là bao so với người không đọc, thì cha bảo con - vợ bảo chồng từ giã sách vở, ngồi xem tivi cho nhẹ thân. Sách không còn là nhân tố tất yếu trên đường mưu sinh. Và việc đọc sách thường ngả sang một thứ trò chơi và lý tưởng làm người có vì vậy mà có vẻ bị hạ thấp, thì người ta cũng chẳng lấy làm hối tiếc”.

Phạm Thiệu

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.