Diễn biến phức tạp
Trong một vài năm gần đây, tình trạng rừng đặc dụng Phong Quang bị lâm tặc xẻ thịt nóng hơn bao giờ hết bởi ở đây còn rất nhiều cây gỗ nghiến cổ thụ. Gỗ nghiến được đốn hạ bằng cưa xăng, rồi được cắt thành khúc nhỏ, vận chuyển qua biên giới cho các đầu nậu bằng người dân bản địa.
Là một người có trách nhiệm chính trong việc bảo vệ rừng đặc dụng Phong Quang, ông Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc BQL rừng đặc dụng Phong Quang trần tình: “Địa bàn được quản lý của BQL rừng đặc dụng Phong Quang có 7,2 km đường biên giới giáp với Trung Quốc, có rất nhiều đường biên nhỏ do người dân tự mở, do vậy rất khó để tuần tra, kiểm soát.
Bên cạnh đó, địa bàn hiểm trở, chủ yếu là đá tai mèo rất khó đi lại, đầu nậu thu mua gỗ chủ yếu từ bên kia biên giới nên vô cùng khó khăn trong công tác kiểm soát, bảo vệ rừng”.
Thậm chí trong câu chuyện phá rừng đặc dụng này, một sự thật cũng được ông Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc BQL rừng đặc dụng Phong Quang cho hay, chính những người dân bản địa cũng là những người chuyên đi đốn hạ gỗ nghiến một cách trái phép. Nói cách khác, họ cũng chính là lâm tặc.
Đây là một sự thật đau lòng mà vị Giám đốc BQL rừng đặc dụng Phong Quang phải thừa nhận. Cũng vì vậy, công tác xử lý và ngăn chặn phá rừng đặc dụng của lực lượng quản lý rừng vô cùng khó khăn.
Ông Hưng chia sẻ: “Trên thực tế, những người dân bản địa sống trong khu vực lõi của rừng đặc dụng Phong Quang không có đất để trồng trọt, nên buộc họ phải gùi mấy cái thớt gỗ bán sang Trung Quốc để kiếm sống, chưa kể chính họ cũng là những người chặt cây gỗ nghiến để xẻ thịt. Nên khi bị kiểm lâm bắt giữ vì vận chuyển gỗ lậu, việc xử lý họ cũng có nhiều khó khăn”.
Được biết, hồi đầu năm 2016, tại xã Minh Tân, lực lượng chức năng đã phát hiện 3 đối tượng đang khai thác trái phép gỗ nghiến tại khu vực rừng đặc dụng Tân Sơn.
Điều đáng chú ý, một trong ba đối tượng này là trưởng thôn của xã Minh Tân, đó Sùng Ngọc Chung (sinh năm 1984, trưởng thôn Tả Lèng, xã Minh Tân).
Hai đối tượng còn lại là Vàng Mí Lềnh (sinh năm 1991, trú tại thôn Pao Mã Phìn, xã Tả Ván, huyện Quản Bạ) và Giàng Seo Lử (sinh năm 1986, trú tại thôn Tả Lèng, xã Minh Tân) bỏ chạy, sau đó được cơ quan chức năng triệu tập và đã thừa nhận hành vi khai thác lâm sản trái phép cùng với Sùng Ngọc Chung.
Việc lâm tặc cũng có khi chính là người dân bản địa đã phần nào lý giải vì sao công tác bảo vệ rừng được tăng cường, nhưng gỗ nghiến của Phong Quang vẫn bị đốn hạ, máu rừng vẫn chảy một cách ngang nhiên và lâm tặc đi lại trong rừng đặc dụng như vào chỗ không người.
Ông Nguyễn Việt Hưng cũng cho biết, trước đây những kẻ lâm tặc còn sử dụng pháo sáng và vũ khí nóng để nổ nhằm đe dọa lực lượng kiểm lâm. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng này hầu như không còn.
Bên cạnh đó, một số thông tin cho rằng Công an huyện Vị Xuyên từ chối tiếp nhận hồ sơ khởi tố vụ việc phá rừng đặc dụng Phong Quang, nhưng ông Hưng phản bác điều này. Theo ông Hưng, hiện nay, công an huyện Vị Xuyên đã tích cực hợp tác cùng các lực lượng chức năng khác nhằm thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng đặc dụng.
Mặc dù đã có những bước tiến mới trong quá trình thực hiện bảo vệ rừng đặc dụng, ngăn chặn lâm tặc khai thác lâm sản trái phép, nhưng sự thật thì cây gỗ nghiến ở rừng đặc dụng Phong Quang vẫn luôn trong tình trạng đe dọa sẽ bị đốn hạ bất cứ lúc nào. Máu rừng vẫn chảy, rừng vẫn bị lâm tặc lộng hành, đó là những thực tế đau lòng.
Tương lai nào cho rừng đặc dụng?
Câu chuyện khai thác, buôn lậu gỗ trái phép ở rừng đặc dụng Phong Quang không còn mới, nhưng cho đến nay vấn đề này vẫn không được giải quyết một cách triệt để.
Chính quyền huyện Vị Xuyên cho rằng khó khăn trong công tác quản lý cưa xăng, sự bất hợp tác của chính quyền nước bạn Trung Quốc để triệt phá các đầu nậu gỗ cùng với nhận thức thấp kém của người dân bản địa chính là những nguyên nhân khiến rừng đặc dụng Phong Quang luôn trong tình trạng bị khai thác trái phép. Mặc dù nhìn nhận được những khó khăn, thế nhưng chính quyền huyện Vị Xuyên chưa đưa ra được những giải pháp tích cực để giải quyết các vấn đề còn khúc mắc.
Trao đổi về các hướng giải quyết thực trạng trên, ông Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc BQL rừng đặc dụng Phong Quang cho biết, hiện nay ban quản lý rừng đặc dụng Phong Quang cùng chính quyền địa phương đã báo cáo chi cục kiểm lâm tỉnh Hà Giang, đề nghị thành lập tổ liên ngành bao gồm kiểm lâm và biên phòng để cùng tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn việc phá rừng. Việc tuần tra, kiểm tra thường xuyên cả ngày lẫn đêm sẽ là biện pháp trước mắt nhằm đẩy lùi việc khai thác trái phép cây gỗ nghiến.
Bên cạnh đó, phương án lâu dài là đưa các dự án nông lâm nghiệp kết hợp, tạo việc làm, tạo thu nhập cho người dân bản địa để họ không phá rừng. Tỉnh Hà Giang cũng đang bố trí cấp kinh phí, xây dựng đề án khoán quản lý rừng cho người dân, để những người dân phá rừng, họ quay lại bảo vệ rừng.
Nói về điều này, ông Hưng cho rằng người dân bản địa sống trong khu vực rừng đặc dụng Phong Quang không có đất để trồng trọt, nên phải chặt cây, xẻ gỗ và gùi thớt gỗ bán sang Trung Quốc để kiếm sống, nên khi bị kiểm lâm bắt giữ vì vận chuyển gỗ lậu, việc xử lý họ cũng có nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc đề ra dự án, tạo công ăn, việc làm cho người dân theo ông Hưng, chính là một trong những biện pháp lâu dài cần thực hiện.
Khi được hỏi về tương lai của rừng đặc dụng Phong Quang, liệu sẽ còn những cây gỗ nghiến cổ thụ nữa hay không, ông Hưng không trả lời. Có thể vị Giám đốc ban quản lý rừng đặc dụng này đã nhìn thấy tương lai trước mắt, nhưng để có niềm tin vào việc rừng đặc dụng Phong Quang sẽ không còn cảnh lâm tặc khai thác trái phép, dường như chỉ là một niềm tin mơ hồ.
Phạm Dương