Sự thật đớn đau sau vụ người đàn bà bị tạt axít

Sự thật đớn đau sau vụ người đàn bà bị tạt axít

Thứ 5, 25/07/2013 11:23

Bị tạt axit đúng vào thời điểm những tranh cãi giữa nhóm người dân trú tại phố Trịnh Nguyễn, phường Châu Khê (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) và chính quyền sở tại về một dự án xây dựng đang trong quá trình căng thẳng nhất, bà Đỗ Thị Thiêm (53 tuổi, trú tại địa chỉ trên) không phải không có lý khi nghi ngờ bà chính là nạn nhân của một cuộc trả đũa có tính toán...

Kẻ thủ ác lên kế hoạch chi tiết?

Ngày 21/7, đúng nửa tháng sau thời điểm gặp nạn, bà Đỗ Thị Thiêm (53 tuổi, trú phố Trịnh Nguyễn, phường Châu Khê) vẫn phải nằm điều trị trong khoa Bỏng, bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội. Bà Thiêm bị bỏng nặng từ cằm xuống ngực, hai tay đều bị tróc hết da, người loang lổ, không thể mặc áo vì người lúc nào cũng nóng rát, đau đớn. Phía bên ngoài, lực lượng công an cắt cử người thay phiên túc trực, đề phòng bất trắc. Theo các y bác sỹ trực tiếp chữa trị, so với thời điểm mới được đưa vào viện, sức khỏe của bà Thiêm đang tiến triển tốt. Tuy nhiên, vì vết bỏng axit luôn chứa đựng những hiểm họa tiềm ẩn nên phía bệnh viện vẫn chưa thể định được ngày ra viện cho bà.

Pháp luật - Sự thật đớn đau sau vụ người đàn bà bị tạt axít

Mỗi ngày, hàng trăm người bỏ hết công việc gia đình, sản xuất để ra đồng phản đối chủ đầu tư với nguyện vọng nhà máy nước thải cách xa khu dân cư hơn. (Ảnh do người dân cung cấp)

Theo lời kể của nạn nhân, trước thời điểm xảy ra sự việc (ngày 4/7 - PV), bà Thiêm liên tiếp nhận được điện thoại từ một phụ nữ lạ, nói muốn giúp đỡ gia đình, xin cho con trai bà vào trung tâm Dạy nghề Nhân đạo và Tạo việc làm cho Trẻ em khuyết tật, thuộc hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Thấy người lạ có ý tốt, bà Thiêm rất phấn khởi và mủi lòng nhưng cũng rất thắc mắc vì không hiểu động cơ thực sự của người này là gì.

"Người đó gọi tôi, nói biết hoàn cảnh gia đình, nên muốn xin cho con trai tôi vào trường dành cho người tàn tật. Họ hẹn tôi đến trụ sở hội Chữ thập đỏ Việt Nam để làm thủ tục. Tôi bảo bận đi làm nên không đến được, nếu cháu có thiện chí thì đến nhà cô. Tuy nhiên, cô gái bên đường dây bên kia bảo, thấy nhà cô hay có công an, bộ đội nên không dám đến. Sau đó, tôi bảo nếu cháu là người tốt thì cháu cứ về, còn người xấu, sợ công an thì thôi", bà Thiêm kể.

Sáng 3/7, bà Thiêm đi làm bên khu đô thị Việt Hưng (Hà Nội), để quên điện thoại ở nhà. Cô gái lạ mặt tiếp tục gọi điện, lúc này cậu con trai bị tật nguyền của bà Thiêm nghe máy, do không hiểu sự tình đã vội vã đồng ý với lời mời gọi của cô gái. Ngay lập tức, một người đàn ông với dáng vẻ bặm trợn đã đánh ô tô đến tận nhà, đón con trai bà Thiêm, lừa đi xin vào trường khuyết tật.

Sau đó, người đàn ông lạ mặt kia gọi điện cho bà Thiêm, hỏi làm việc ở đâu để đến đón. Người này còn đọc một tờ đơn cho thấy có người ủng hộ bà Thiêm 3 triệu đồng. Bà Thiêm bảo, đang đi làm xa không về được. Đến chiều tối cùng ngày, người này tiếp tục gọi điện đến muốn gặp bà. Bà Thiêm cho biết, mai sẽ làm việc ở gần số 88 đường Yên Phụ (quận Tây Hồ, Hà Nội) nên hẹn gặp luôn ở đó.

Đến 9h30' ngày 4/7, khi đến nhà người thân tại 88 đường Yên Phụ, bà Thiêm được người lạ kia hẹn ra gần một cây xăng gần đó. Vừa ra tới nơi, đang ngó nghiêng chưa thấy người kia đâu, lập tức một thanh niên chạy tới tạt axit vào mặt bà Thiêm. Bà chỉ kịp giơ tay lên che mặt, axit dính từ phần cổ xuống ngực. Bị bỏng rát, bà vừa kêu cứu, vừa xé áo chạy vội vào ngõ, nhảy vào bể nước của một gia đình. Sau đó, nhiều người đưa bà đi bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu.

Pháp luật - Sự thật đớn đau sau vụ người đàn bà bị tạt axít (Hình 2).

Bà Thiêm đang được chữa trị tại bệnh viên Xanh - Pôn.

Vì đấu tranh nên bị trả đũa?

Theo bà Thiêm, đối tượng tạt axit khoảng 25 tuổi, cao khoảng 1,6m, mặc quần bò, áo phông đỏ, đi giày thể thao. Sau khi tạt axit, đối tượng này lập tức chạy lên xe máy của một thanh niên chờ sẵn gần đó, biến mất. Bà Thiêm nhận định, bà bị tấn công liên quan đến việc cùng nhân dân khu phố Trịnh Nguyễn đấu tranh không đồng ý vị trí xây dựng nhà máy Xử lý nước thải gần khu dân cư, đề nghị chuyển vị trí xây dựng đến cuối cánh đồng Lỗ Vó.

Theo lời kể, bà Thiêm đã rất hăng hái và quyết liệt trong cuộc đấu tranh. Ngoài việc đấu tranh cho chính quyền lợi của mình, bà Thiêm còn  hướng dẫn mọi người viết đơn gửi các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, bà vẫn chưa nhận được phản hồi từ cơ quan chức năng. Chính vì việc này, thời gian gần đây bà nhận được nhiều lời đe dọa rằng "sẽ trả giá nếu không hợp tác".

Về nội tình mâu thuẫn, theo tìm hiểu của PV, năm 2009, Chính phủ đã đồng ý cho chính quyền thị xã Từ Sơn xây dựng nhà máy Xử lý nước thải Từ Sơn. Đây là một công trình phúc lợi xã hội nhằm góp phần cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thị xã Từ Sơn và khu vực phụ cận nên ban đầu rất được người dân địa phương ủng hộ.

Theo quy hoạch, nhà máy Xử lý nước thải Từ Sơn được xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp tại xứ đồng Lỗ Vó - Dạ Cá thuộc khu phố Trịnh Nguyễn, phường Châu Khê - thị xã Từ Sơn. Để thực hiện dự án, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có quyết định thu hồi 21.988,2m2 đất. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án gặp phải sự phản đối của 23/62 hộ dân tại khu phố. Sự việc kéo dài khiến dự án phúc lợi xã hội sau 4 năm vẫn phải đắp chiếu. Lý do để các hộ dân phản đối dự án là bởi người dân cho rằng vị trí đặt nhà máy chưa hợp lý, quá gần với khu dân cư. Tuy nhiên, theo các tài liệu khoa học, khoảng cách 150m từ nhà máy xử lý đến khu dân cư gần nhất là vượt mức an toàn gấp 5 lần tiêu chuẩn, hoàn toàn phù hợp và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Mặc dù đã vận động giải thích nhiều lần, nhưng các hộ dân trên vẫn kiên quyết không giao đất lại cho dự án. Trong suốt thời kỳ căng thẳng nhất vừa qua (tháng 6 - 7/2013), dưới sự hướng dẫn của một số người dân hăng hái đấu tranh, trong đó có bà Thiêm, nhiều người dân thậm chí còn ra ăn nằm trên cánh đồng để "giữ đất". Cá nhân bà Thiêm đã có nhiều lần tiếp xúc với các lãnh đạo của chính quyền để bàn bạc, thống nhất về việc giải phóng đền bù nhưng bà đều từ chối không hợp tác.

Liên quan đến vụ việc này, một cán bộ điều tra phòng Cảnh sát hình sự PC45 (công an Hà Nội) cho biết, đã bắt được hai đối tượng tạt axit vào bà Thiêm. Tuy nhiên, do vụ việc liên quan đến nhiều vấn đề phức tạp nên hiện chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí.              

Nạn nhân đang làm thuê nuôi cả nhà

Mặc dù thương tích khá nghiêm trọng, song về cơ bản, bà Thiêm vẫn hết sức tỉnh táo tâm sự với PV về những biến cố vừa xảy đến với bà và gia đình. Theo đó, gia đình bà Thiêm chủ yếu làm nông nghiệp, đến thời điểm hiện tại gia đình bà chủ yếu sống dựa vào nguồn thu nhập từ việc làm thuê làm mướn của bà hằng ngày. "Tôi có 4 người con, 3 đứa lớn đã lập gia đình và ra ở riêng, nhà chỉ còn vợ chồng tôi và cậu con út năm nay 30 tuổi. Ông nhà tôi nghỉ mất sức không làm lụng được gì, cậu út lại tật nguyền nên hằng ngày tôi vẫn sang Hà Nội để làm thuê về nuôi sống cả gia đình", bà Thiêm cho biết.

Muốn nhà máy cách xa khu dân cư hơn nữa

Theo tìm hiểu của PV, lý do chính để một số người dân phố Trịnh Nguyễn không muốn dự án được triển khai vì họ muốn nhà máy Xử lý nước lùi xuống Đồng Khô, cách vị trí dự định ở Lỗ Vó khoảng 400m. "Về cơ bản, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc xây dựng nhà máy Xử lý nước thải. Điều đó là tốt, nhưng chỉ muốn nhà máy cách xa khu dân cư hơn nữa", ông Đỗ Văn Hào một công dân địa phương cho biết.

Đồng thời, người đàn ông này cũng dõng dạc nêu 5 lí do không nên xây dựng ở Lỗ Vó: Gần khu đông dân cư; Vị trí xây nhà máy ở đầu cánh đồng tưới tiêu của gần 100 mẫu ruộng; Nhà máy đặt đúng đầu hướng gió thổi về khu Trịnh Nguyễn; Gần trạm bơm tưới tiêu cho 5 huyện có nhiều chất ô nhiễm môi trường; Cuối cùng cánh đồng Lỗ Vó là bờ xôi ruộng mật đã giao cho 42 hộ gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách. Như vậy, theo ông Hào, nếu xây dựng nhà máy Xử lý nước thải ở Lỗ Vó thì gần 100 mẫu ruộng mất nguồn nước, tức là mất nguồn sinh sống bằng nghề nông của nhiều hộ gia đình, trước mắt là 42 hộ gia đình chính sách.

Long Nguyễn - Văn Định

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.