Càng tiếp xúc nhiều, chúng tôi nhận ra sự thực ở họ có những bản lĩnh hơn người...
Động lực giúp PV song hành cùng sự thật
Chị Hoàng Thị Nguyệt, chị Phan Thị Nam Đông, chị Khuất Thị Định là ba người phụ nữ đã dũng cảm đứng đơn tố cáo những sai phạm tại khoa Xét nghiệm bệnh viện đa khoa Hoài Đức. Đến giờ, khi vụ việc đang được cơ quan chức năng tiến hành điều tra, cả ba chị đã nhận được bằng khen từ sở Y tế Hà Nội nhưng hình ảnh về cuộc gặp gỡ đầu tiên với ba người phụ nữ này vẫn ám ảnh mãi trong tâm trí của chúng tôi. Chị Nguyệt, chị Định, chị Đông với bộ dạng đáng thương, khuôn mặt hốc hác, ánh mắt đượm buồn chia sẻ về những sai phạm tại khoa Xét nghiệm một cách xét nét và đầy lo âu.
Chị Hoàng Thị Nguyệt đã nhận được phần thưởng của sở Y tế Hà Nội sau hành động đứng lên tố cáo tiêu cực vụ “nhân bản” xét nghiệm.
Cái cảnh héo mòn đó đã ám ảnh và xoáy sâu vào tâm trí của chúng tôi. Chúng tôi hiểu được rằng, những gì các chị đã trải qua trước đây vô cùng khó khăn, những giọt mồ hôi cơ cực và pha lẫn với giọt nước mắt mặn đắng. Cuộc gặp gỡ đầu tiên đó đã giúp chúng tôi nhận ra một điều, ba chị là người có thiên lương trong sáng hiếm có, trên khuôn mặt của họ toát lên vẻ trung hậu chỉ có ở những người mang trong mình thiên lương trong sáng hết mình vì bệnh nhân.
Chính sự khổ tâm của những người trung thực, dám nói lên sự thật, gây cảm xúc lớn cho PV. Ngay khi nhận được đơn thư và những bằng chứng xác thực, chúng tôi đã vào cuộc đồng hành với ba chị trong cuộc đấu tranh, phanh phui ra những khuất tất sai phạm tại khoa Xét nghiệm của bệnh viện tuyến huyện này.
Cuộc đối đầu nghẹt thở
Để có được trên tay bằng chứng chứng minh việc “nhân bản” phiếu xét nghiệm huyết học, chị Nguyệt và những đồng chí của mình đã đưa sổ theo dõi kết quả xét nghiệm đi phô tô sau đó đặt nó vào vị trí cũ. Chị Nguyệt tâm sự với PV: "Tôi rất lo vì chỉ cần một sơ suất nhỏ, hành động của tôi sẽ bị phát hiện. Khi chưa đủ chứng cứ cáo buộc sai phạm tôi chỉ có một con đường duy nhất rời khỏi bệnh viện đa khoa Hoài Đức".
Hình ảnh chị Nguyệt khi vụ việc vẫn chưa được báo chí đăng tải, từng mất ngủ nhiều ngày liền kiên trì đấu tranh với cái ác.
Ngồi nghe chị Nguyệt kể về quá trình thu thập chứng cứ, chúng tôi cũng thấy thót tim vì hồi hộp. Bởi, chị Nguyệt từ lâu đã lọt vào “tầm ngắm” của các "cú mèo" do Giám đốc Liêm "cài cắm" khắp bệnh viện. Để có trong tay bằng chứng thuyết phục, người phụ nữ kiên cường này đã trở thành một thám tử bất đắc dĩ.
Ngồi nghe chị Nguyệt kể về quá trình thu thập tài liệu của mình, chúng tôi thấy, đây là một câu chuyện trinh thám, kiểu “điệp viên hai mang”. Mà nhân vật chính là chị Nguyệt với đầy đủ kỹ năng qua mặt toàn bộ “hệ thống bảo mật” với tầng tầng lớp lớp những con mắt để ý. Khi chúng tôi phỏng vấn, chị không sợ hành động trả thù và hiểu cái giá của đấu tranh chống tiêu cực rất đắt. Chị Nguyệt chia sẻ: “Tôi ý thức rằng, công việc của tôi rất mạo hiểm, mỗi hành động của mình nếu bị lộ đồng nghĩa sai phạm tại khoa Xét nghiệm sẽ không thể phanh phui, cùng với hệ quả mà tôi nhận chắc mọi người cũng sẽ biết".
Cầm trên tay tập hồ sơ dày cộm, với những bản lưu hồ sơ cùng với đĩa quay lén do chị Nguyệt cung cấp, chúng tôi vô cùng cảm phục. Bởi, với những phóng viên chuyên viết điều tra, chúng tôi thừa hiểu, để có một bằng chứng thuyết phục điều đó rất khó khăn, với một kỹ thuật viên xét nghiệm trong vai thám tử bất đắc dĩ càng khó khăn bộn bề. Tôi lường hết trước những gì mình phải trải qua, nhưng khi tiến hành thu thập bằng chứng và tố cáo, tôi mới hiểu được rằng khó khăn đó còn lớn hơn nhiều. Thậm chí nhiều người đã nản chí và bỏ cuộc giữa chừng càng làm cho tâm trạng của chúng tôi ở một số thời điểm không thể định hình được.
Được biết, số người ký đơn lúc đầu là năm, nhưng vì bị "khủng bố" bằng nhiều hình thức khác nhau, cuối cùng hai người buộc phải rút đơn và chỉ còn lại ba chị tiếp tục theo đuổi vụ việc. Theo chị Nguyệt, vận động anh em ký để nộp đơn, chỉ sau đó một ngày thông tin bị lộ. Giám đốc Liêm ngay lập tức cho họp cơ quan, Đảng uỷ, cử người thân tín đến gặp từng người ký trong đơn để vận động rút đơn. Gặp ở cơ quan không được, họ về nhà vận động người thân tác động. Có người sau khi ký đơn trốn về quê, cũng bị ông Liêm chỉ đạo người đi hàng chục cây số đến tận nơi vận động.
Song hành với chính sách "vận động mềm mỏng", ông Liêm và người thân sẵn sàng dùng "biện pháp mạnh" để "dằn mặt". Được biết, trong năm người ký tên lúc đầu, một chị có con gái làm việc tại trung tâm Y tế dự phòng huyện Hoài Đức (nơi vợ ông Liêm là giám đốc). Để buộc chị này rút đơn, bà Giám đốc này bênh chồng bằng cách đày ải con của chị này. Trong điều kiện mang bầu, mà liên tục bị giám đốc gọi lên, sai việc, ngày không biết bao nhiêu là cuộc chạy ngược chạy xuôi từ tầng 1 lên tầng 3. Sợ bị sẩy thai, con gái về nhà khóc lóc với mẹ xin hãy rút đơn. Cuối cùng vì thương con, người phụ nữ này đã chấp nhận rút đơn, chị Định chia sẻ.
Chị Oanh, người rút đơn tố cáo “chuyện động trời” giờ đã bị đình chỉ vì hành vi cố ý làm trái.
Nỗi lòng người trong cuộc
Những khó khăn mà những người dám đứng lên tố cáo phải trải qua rất lớn. Đưa sự việc ra ánh sáng, có công của cả năm người đứng đơn lúc đầu. Tuy nhiên, do hoàn cảnh và sự chùn bước trước khó khăn, giờ đây một trong năm người này đã gánh chịu hậu quả. Đó là trường hợp của chị Phan Thị Oanh, kỹ thuật viên trưởng tại khoa Xét nghiệm. Theo lời của chị Định và chị Nguyệt, thì chị Oanh một trong những người đầu tiên phản đối việc làm sai trái của ông Liêm tại khoa Xét nghiệm.
Ngay từ đầu, chị Oanh đã đứng lên tố cáo và một trong những thành viên tích cực nhất. Tuy nhiên, sau khi đơn khiếu kiện bị lộ, ông Liêm đã biết chị có tên trong đó nên tìm đủ phương thức để buộc chị phải rút đơn. Được biết, Giám đốc Liêm cho người về nhà chị Oanh, hăm doạ người thân và chồng chị Oanh nếu không rút đơn thì sẽ bị đuổi việc. Chồng chị Oanh vốn công việc không ổn định, nghe thông tin chị Oanh có nguy cơ bị đuổi việc vì dám kiện sếp nên tỏ ra rất bực bội. Anh chồng đã khuyên can, buộc chị Oanh rút đơn, tuy nhiên chị Oanh không chịu.
Kết cục sự cứng đầu của chị Oanh gánh hậu quả bị một trận đòn nhừ tử. Giận chồng bỏ về nhà em trai ở, nhưng chị cũng không ngờ người em trai và bên ngoại phản đối. Đồng minh duy nhất của chị Oanh trong gia đình là mẹ chồng. Tuy nhiên, vì áp lực của người thân, sự đánh đập của chồng khiến chị nản chí và quyết định rút đơn. Hệ quả, chị Oanh vốn được mọi người trong viện xem là trung thực, thẳng thắn giờ trở thành đồng phạm. Chị bị đình chỉ công tác vì có liên quan đến sai phạm "nhân bản" kết quả xét nghiệm. Chị Định, chị Nguyệt, chị Đông nhiều lần gặp gỡ chúng tôi đều trăn trở về trường hợp của chị Oanh. Chúng tôi sợ rằng, Oanh sẽ bị đuổi việc và như thế chúng tôi rất tiếc cho trường hợp của Oanh.
Nước mắt của người trung thực Trong suốt quá trình theo đuổi vụ việc, PV báo Nguoiduatin.vn nhiều lần tận mắt nhìn thấy những giọt nước mắt lăn dài trên gò má của ba người dũng cảm này. Lúc đầu, giọt nước mắt có phần hoảng hốt vì sợ báo chí không ủng hộ mình. Giọt nước mắt khi nhận được nhận quyết định khen thưởng nhưng lòng trĩu nặng khi nghĩ tới những người đồng nghiệp của mình rồi sẽ ra sao. Và, còn đó những giọt nước mắt tủi hổ hằn sâu trên con đường dài đi khiếu kiện khi cơ quan chức năng chưa vào cuộc... |
Trinh Phúc - Văn Chương