Năm 1996, bộ phim Tể tướng Lưu gù dưới sự thể hiện của Lý Bảo Điền, Trương Quốc Lập và Vương Cương đã gây được tiếng vang lớn. Nội dung của bộ phim nói về câu chuyện đầu đời nhà Thanh có chàng thanh niên ở Sơn Đông tên là Lưu Thạch Am, lên kinh thành ứng thí. Chàng trai bé nhỏ với hình hài kỳ dị chính là Lưu Dung, tuy mang tấm lưng gù, nhưng bên trong là một tấm lòng trong sáng và trí tuệ hơn người. Yêu nước, thương dân, thanh liêm lại có tài văn chương thơ phú nên dần dần Lưu Dung được thăng đến chức tể tướng. Trái ngược với ông là đại gian thần Hòa Thân luôn tìm cách vơ vét cho mình và lấy lòng Hoàng thượng. Cuộc đối đầu giữa Lưu Dung và Hòa Thân đã làm nảy sinh nhiều tình huống cười ra nước mắt... đồng thời cũng đưa biệt danh “Lưu gù” của vị quan họ Lưu này trở nên nổi tiếng.
Giống như trong phim Lưu Dung ngoài đời là một học giả lớn, học rộng, uyên thâm. Sống qua 4 đời vua Khang Hi, Ung Chính, Càn Long, và Gia Khánh. Nhưng theo dân gian, chi tiết Lưu Dung gù, không phải là bị tật từ nhỏ mà đến năm 40 tuổi ông mới bị gù. Và chính Kỷ Hiểu Lam đã đặt cho ông biệt hiệu là Lưu la oa tử nghĩa Lưu lưng gù. Gần đây các nhà sử học cũng đã đưa ra bằng chứng cho thấy Lưu Dung không phải là người gù bẩm sinh.
Nhà sử học Khương Vĩ Đường trong tác phẩm “Biệt hiệu Lưu gù” từng đưa ra lời khẳng định: Kỳ thực Lưu Dung không phải là người gù bẩm sinh!
Khảo cứu những tư liệu lịch sử liên quan đến thi cử của Thanh triều, Khương Vĩ Đường đưa ra luận cứ: Thời nhà Thanh có tiêu chuẩn tuyển chọn quan lại dựa trên “Thân, ngôn, thư, pháp.”
Theo đó, người muốn tiến quan không phải cứ thi đỗ là được, mà còn phải trải qua một cuộc sát hạch được đề ra theo bốn tiêu chí này.
Căn cứ vào các tiêu chuẩn trên, ta có thể thấy yếu tố “thân” được đưa lên hàng đầu. Người muốn làm quan phải có mặt mũi dễ nhìn, dáng vẻ khí khái. Tể tướng Lưu Dung năm xưa từng thuận lợi tiến vào chốn quan trường, ắt không thể là một người gù bẩm sinh.
Một số học giả khác còn khẳng định: việc Lưu Dung vượt qua được kỳ “đại khiêu” cũng đủ để chứng minh ông là người có dáng vóc bình thường.
Chỉ những người có ngoại hình đạt chuẩn (yếu tố “thân”), lời lẽ biết phân biệt phải trái (yếu tố “ngôn”), chữ viết đẹp, rắn rỏi (yếu tố “thư”), lời văn phải đúng quy cách, vượt trội, ưu tú (yếu tố “phán”) thì mới có cơ hội bước vào đường quan lộ.
Sau kỳ thi Hội, bộ Lại sẽ đích thân tổ chức thêm một phần thi có tên là “đại khiêu”. Phần thi này lấy tướng mạo làm đầu, nếu như thân thể có nửa điểm bất thường, hay như việc hai vai không bằng nhau, thí sinh sẽ dễ dàng bị đánh trượt.
Do vậy, có thể khẳng định dù Lưu Dung có tướng mạo không thuộc hàng xuất chúng, nhưng cũng không đến mức thân thể bị tật gù lưng như nhiều người đồn đại.
Cũng phải nối thêm rằng, biệt hiệu “Lưu gù” của ông không phải tự nhiên mà có. Sử sách ghi lại: Gia Khánh Hoàng đế là người khởi xướng cho biệt danh “Lưu gù” của Lưu Dung.
Khi Gia Khánh lên ngôi, vị quan họ Lưu này tuổi đã ngoài 80, lưng khó tránh khỏi bị còng. Do đó, hai chữ “Lưu gù” chỉ thích hợp hình dung về một Lưu Dung lớn tuổi, chứ không thể coi là từ ngữ chính xác để xây dựng hình tượng khái quát về vị quan này.
Một số nguồn tư liệu khác còn khẳng định: Lưu Dung sinh thời vốn không phải là người thấp lùn, thậm chí còn sở hữu vóc dáng cao lớn, nhưng vì ham đọc sách đến nỗi lưng còng, nên mọi người mới gọi vui là “Lưu gù”.
Nữ sĩ Lưu Cẩm – con cháu của gia tộc họ Lưu từng cho biết: vào năm 1958, mộ của Lưu Dung và cha là Lưu Thống Huân vô tình bị khai quật.
Người dân địa phương khi ấy tận mắt nhìn thấy di cốt của ông đều khẳng định: “Xương chân đặc biệt dài, dựa vào khung xương có thể áng chừng chiều cao của Lưu Dung lên tới…1m90!”.
Bấy lâu nay, nhắc tới “Lưu gù”, hình tượng một người bị gù lưng luôn hiện lên trong tâm trí mọi người và ai cũng mặc nhiên cho rằng dung mạo ông vốn như thế. Và nay cuối cùng sự thật cũng được phơi bày, "nỗi oan ngàn thu" của ông đã được giải.
Lưu Dung (1719-1805), tự là Sùng Như,hiệu là Thạch quê ở thôn Bàng Qua Trang, trấn Chú Câu (nay là thị xã Cao Mật), Như Thành, Sơn Đông, Trung Quốc. Ông là con trai của Đại học sĩ Lưu Thống Huân. Ông đỗ Tiến sĩ năm 32 tuổi. Sau khi đỗ Tiến sĩ thì làm quan địa phương ở nhiều tỉnh, và sau này giữ chức quan cao nhất là Đại học sĩ Thể Nhân các, Thái tử Thái bảo. Ông không những là nhà chính trị nổi tiếng, mà còn là nhà thư pháp và nhà thơ, thư pháp của ông đường nét rắn khỏe, nét bút có hồn đẹp mắt và độc đáo, trở thành phong cách rất riêng của mình và nổi tiếng thiên hạ.
Video: Tể tướng Lưu gù đánh cờ tranh vợ với vua Càn Long.
Quốc Tiệp (tổng hợp)