Hòa Thân (1750-1799) tự Trí Trai, hiệu Gia Nhạc Đường, là người tộc Nữu Hỗ Lộc thuộc Chính Hồng kỳ Mãn Châu. Xuất thân là một công tử Mãn Châu (Trung Quốc), Gia thế nhà Hòa Thân tuy không hiển hách song cũng là gia tộc quân công. Ông tổ 5 đời Ni Nha Cáp Nạp Ba Đồ Lỗ đã lập chiến công khi nhà Thanh tiến vào Trung Nguyên và được phong Tam đẳng Khinh xa đô úy.
Năm lên 3 tuổi, mẹ ruột của ông qua đời sau khi sinh hạ em trai Hòa Lâm. 6 năm sau, Hòa Thân lại phải chịu cảnh mồ côi cha. Thuở nhỏ, do quan hệ bất hòa với mẹ kế nên phải chịu nhiều vất vả. May mắn khi đó ông được một người hầu lâu năm trong gia đình nuôi dưỡng.
Hòa Thân được theo học tại Hàm An cung. Khi còn đi học, Hòa Thân đã bộc lộ sự vượt trội hơn hẳn so với các bạn học cùng xuất thân Bát kỳ khác. Năm lên 10 tuổi, ông đã bắt đầu học cách bắt chước kiểu chữ của Càn Long để sau này khi viết tấu chương có thể lấy được thiện cảm từ Hoàng đế.
Nhờ tinh thông bốn thứ tiếng là Mãn, Hán, Mông Cổ, Tây Tạng, lại nằm lòng Tứ thư, Ngũ kinh, nên ông được hai thầy giáo là Ngô Tỉnh Khâm và Ngô Tỉnh Lang rất mực yêu mến.
Vào năm Càn Long thứ 33 (năm 1768), Hòa Thân lấy con gái của Tổng đốc Phùng Anh Liêm làm vợ khi mới 18 tuổi. Năm 1769, ông tham dự kỳ thi khoa cử nhưng không đỗ. Sau đó, Hòa Thân cùng bạn đồng học làm người khênh kiệu cho phủ Đô úy.
Nỗ lực phục vụ nhân dân, trừng trị tham ô
Khi mới gia nhập triều đình, năm 22 tuổi, Hòa Thân giữ chức vị Thị vệ. Tuy còn trẻ nhưng Hòa Thân đã sớm có năng lực làm việc cũng như các đóng góp cho triều đình. Nhờ học thuộc Luận Ngữ, Hòa Thân đã trở thành thị vệ duy nhất có thể đàm đạo cùng Càn Long.
Có lần, nhà vua thuận miệng dẫn một câu trong Luận Ngữ để biểu đạt ý trách cứ với quần thần. Khi đó, một thị vệ tuấn tú đã tiếp lời ông. Không chỉ hiểu ý Càn Long, thị vệ kia còn đưa ra một câu trả lời khiến Hoàng đế vô cùng hài lòng. Đó không ai khác chính là Hòa Thân. Từ đó về sau, Càn Long đã bắt đầu để mắt và thích đàm đạo cùng người thị vệ họ Hòa này.
Một lần, Càn Long ngồi ở Viên Minh Viên xem chú giải của Chu Hi về "Mạnh Tử". Nhưng vì chữ quá nhỏ nên Hoàng đế cảm thấy khó nhìn. Ngay lúc ấy, Hòa Thân đã nhanh chí học thuộc toàn bộ chú giải và đọc lại cho Hoàng đế nghe. Nhờ vậy, Hoàng đế khen ngợi ông có tài học, ban chỉ phong cho chức tước. Kể từ đó, Hòa Thân chính thức bắt đầu con đường quan lộ của mình.
Ban đầu, Hòa Thân vô cùng hăng hái và nhiệt huyết, một lòng muốn làm một vị quan tốt, thậm chí là một vị quan thanh liêm, chính tích xuất sắc. Tháng giêng năm 1776, Hòa Thân nhậm chức Thị lang Bộ Hộ. Tới tháng 3 năm đó, ông lại được bổ nhiệm làm Quân cơ đại thần, một tháng sau được phong làm đại thần Tổng quản phủ Nội vụ. Khi cảm nhận được sự vững chắc của địa vị cũng là lúc Hòa Thân thấu hiểu chân lý “gần vua như gần cọp”. Ông lo lắng nếu một ngày bị bãi quan sẽ không thể sống nổi nếu chỉ dựa vào tích cóp bổng lộc ít ỏi của triều đình.
Vào năm Càn Long thứ 45 (năm 1780), Đại học sỹ kiêm Tổng đốc Vân Quý là Lý Thị Nghiêu bị tố giác tham nhũng. Càn Long liền hạ lệnh cho Thị lang Bộ Hình là Khách Ninh và Hòa Thân điều tra vụ việc. Trong vụ việc này, Hòa Thân quên ăn quên ngủ, trải qua một thời gian dài ngầm điều tra, tìm được chứng cứ tham ô của Lý và đưa ông ta ra công đường. Sau chiến tích đó, Hòa Thân được thăng chức lên Thượng thư Bộ Hộ.
Quá trình thoái hóa và tham ô
Sau năm 1784, Hòa Thân nhận rất nhiều chức vụ khác nhau và đều là quan nhất phẩm chánh hoặc nhất phẩm tòng. Đến tháng 7 năm đó còn được phong Nam tước nhất đẳng, năm 1788 là Bá tước trung tương, năm 1795 được vua phong là công tước. Thời đó tước vị chia 5 bậc theo thứ tự từ cao xuống thấp là: công, hầu, bá, tử, nam. Thêm vào đó công tướng, hầu tước đều cao hơn quan nhất phẩm. Càn Long lại càng trọng dụng ông. Hòa Thân lúc này lại thêm say mê tiền tài, quyền lực.
Được bảo đảm bởi sự ưu ái của Càn Long, Hòa Thân đã làm loạn chốn quan trường. Trong những năm tháng làm quan, Hòa Thân đã vơ vét và thao túng, ăn hối lộ, tham nhũng của cải của nhà nước.
Nhiều sử sách nhắc đến việc, khi bắt đầu sự nghiệp làm quan, Hòa Thân đề cao sự thanh bạch, liêm minh. Thậm chí, ông còn đích thân vạch trần nhiều tham quan. Tuy nhiên, khi địa vị ngày được củng cố, bên cạnh đó là sự yêu chiều của vua, ông không còn kiểm soát được bản thân.
Hòa Thân không ngại công khai việc bản thân nhận hối lộ, tống tiền các viên quan nhỏ. Không chỉ vậy, ông cùng các tay sai còn ra sức vơ vét của cải, dù cho đó là tiền cứu đói, hay quốc khố quân sự, dù thời kỳ ấy, nhà Thanh liên tục bị các thế lực nổi loạn tấn công.
Sở Văn lục đời sau viết: "Đời Thanh Cao Tông Càn Long, Hòa Thân làm quan, quyền thế khuynh đảo thiên hạ, kết bè kết đảng, đi lệch chính đạo mà kẻ sĩ trong triều chẳng dám ngăn trở".
Sau khi Càn Long mất, Hòa Thân cũng diệt vong
Sau hàng loạt những lần tham nhũng, Càn Long vẫn một lòng bảo vệ Hòa Thân. Thậm chí, ngay cả khi tay sai của Hòa Thân bị kết tội tham ô và bị xử tội chết, ông vẫn “hiên ngang” nắm quyền lực. Dân gian truyền miệng nhau, miễn là Càn Long còn ngồi trên ngai vàng, Hòa Thân chắc chắn sẽ được an toàn.
Tuy nhiên, không ai có thể sống mãi với nhiều tội danh như vậy. Ngày 7/2/1799, Càn Long băng hà, Gia Khánh lên ngôi. Chỉ một tuần sau đó, ông ra lệnh bắt giữ và điều tra Hòa Thân. Ngày 19/2, Hoàng đế kết án Hòa Thân với 20 tội danh và xét xử bằng hình thức lăng trì (xẻo hàng ngàn miếng thịt trên người).
Tuy nhiên nhờ sự can thiệp kịp thời của em gái Hoàng đế, cũng là con dâu Hòa Thân, ông may mắn thoát án tử hình ghê rợn, thay vào đó bị ép treo cổ tự vẫn.
Kiểm kê tài sản tại phủ của Hòa Thân, ai nấy cũng phải kinh ngạc trước tổng số tiền ông từng tham ô, lên tới 11 tỷ lạng bạc, tương đương với tổng thu nhập tài chính trong 15 năm của triều Thanh. Ngoài ra, trong nhà Lưu Quân, tổng quản phủ Hòa Thân, một số lượng lớn châu báu nữa bao gồm 240.000 lạng bạc cũng bị tịch thu.
Chính vì sau khi Hòa Thân chết, toàn bộ tài sản của ông đều bị tịch thu, sung công. Nhờ chuyện này mà quốc khố nhà Thanh trở nên giàu có. Dân gian bởi thế mới có câu: “Hòa Thân ngã ngựa, Gia Khánh ăn no”.
Video: Lưu Dung mượn tay Hòa Thân trị quan tham.
Quốc Tiệp