Theo sử sách ghi lại, nguyên nhân mà đàn ông Mãn Thanh để kiểu tóc trên xuất phát từ lý do tín ngưỡng. Tổ tiên của tộc Mãn Châu là người Nữ Chân. Những người dân của bộ tộc này quan niệm, đầu và tóc là những bộ phận vô cùng quan trọng. Nếu đàn ông trong tộc không may bỏ mạng, hài cốt có thể chôn ở bất cứ đâu, nhưng phần tóc đuôi sam phải được mang về tận nhà để an táng.
Bên cạnh đó, kiểu tóc này còn được yêu thích bởi nhiều công dụng trong đời sống. Khi xưa người Nữ Chân sinh sống chủ yếu bằng việc đi săn. Do đó họ buộc phải cạo đi phân nửa phần tóc và tết gọn phần tóc còn lại để tránh bị che khuất tầm nhìn cũng như vướng phải chướng ngại vật. Hơn nữa, khi làm việc họ có thể cuốn gọn phần tóc tết vào cổ hoặc đỉnh đầu, đến khi đi ngủ cũng dễ dàng tháo ra để làm gối.
Liên quan tới kiểu tóc này, dân gian còn lưu truyền một câu chuyện khác. Theo đó, Thúc Cơ Năng là một vị anh hùng được người dân bộ tộc Nữ Chân hết lòng tôn trọng và sùng kính. Người này có một đặc điểm là ở phần trước trán và hai bên tóc mai đều không có tóc. Do vậy, sau khi thống nhất các bộ tộc Nữ Chân, Nỗ Nhi Cáp Xích đã ra lệnh cho đàn ông trong tộc để kiểu tóc giống như người anh hùng Thúc Cơ Năng để tưởng nhớ công lao cũng như củng cố niềm tin và sự đoàn kết của bộ tộc.
Vào giai đoạn triều đình nhà Thanh nắm quyền thống trị, kiểu tóc này đã được áp đặt lên toàn bộ nam giới. Theo đó, Hoàng đế nhà Thanh là Thuận Trị hạ lệnh tất cả đàn ông trên lãnh thổ Đại Thanh phải cạo nửa đầu và để đuôi sam giống như Mãn tộc, ai không tuân theo sẽ bị chém. "Cắt tóc còn đầu, để tóc mất đầu" là câu nói phản ánh chân thực nhất về độ man rợ và hà khắc của điều luật này. Đây chính là nguồn cơn gây ra hai sự kiện thảm sát đẫm máu chấn động lịch sử Trung Quốc là "Dương Châu thập nhật" và "Gia Định tam đồ".
Trước kỷ luật thép của giai cấp thống trị, kiểu tóc này đã dần trở nên phổ biến trong dân chúng. Tuy nhiên, đằng sau nó còn là những sự thật man rợ, thiếu tính nhân văn. Đối với những người phạm tội, phần tóc tết phía sau có thể được dùng như sợi dây trói khiến họ khó lòng trốn thoát. Ngoài ra, kiểu tóc này còn được cho là rất thuận tiện trong việc xử chém cũng như thu thập thi thể của phạm nhân.
Ngoài sự thật rùng rợn trên, việc chăm sóc tóc của đàn ông Thanh triều cũng thu hút sự tò mò của không ít người. Để giữ kiểu tóc này người ta thường xuyên phải cạo sạch phần tóc ở nửa đầu phía trước. Việc này được đàn ông nhà Thanh thực hiện với tần suất 10 ngày 1 lần, còn cách 5 ngày thì họ tiến hành tết lại tóc.
Thế nhưng lịch gội đầu thì đặc biệt hơn một chút. Nếu là dân thường, việc này thường được thực hiện trong khoảng thời gian mùa xuân và mùa hè. Bởi thời tiết mùa đông quá khắc nghiệt, việc làm sạch mái tóc dài đương nhiên sẽ bị hạn chế.
Tuy nhiên, mùa xuân, hè lại là khoảng thời gian người dân bận rộn vụ mùa. Do vậy các nhà sử học phỏng đoán, họ thường gội đầu khoảng 1 tháng 1 lần. Ngoài tần suất kể trên, người xưa còn có thể gội đầu vào những dịp quan trọng như trước ngày kết hôn hoặc đón khách quý ở xa tới nhà. Với tầng lớp quan lại, hoàng tộc, số lần gội đầu có thể nhiều hơn thường dân nhưng cũng không nhiều như người hiện đại.
Thậm chí, những người thuộc tầng lớp này còn phải tuân theo quy định nghiêm ngặt về chuyện gội đầu trong trong một số dịp đặc biệt. Ví dụ, khi hoàng thất có người qua đời quan viên và quý tộc không được phép gội đầu trong khoảng thời gian cử hành quốc tang, này mà phải đợi tới hơn 100 ngày sau.
Với cổ nhân, việc ít gội đầu được coi là một chuyện hết sức bình thường nhưng có lẽ với thế hệ chúng ta đây quả thực là một thói quen khó tiếp nhận.
Minh Hoa (t/h)