"Ma miếu"trừng phạt người dân?
Theo các cụ cao niên kể lại, nguồn gốc ngôi miếu đến nay vẫn là điều bí ẩn. Trước kia có cụ Tùng Sâu là người hay nhang khói cho khu miếu, thế nhưng cụ đã mất cách đây khá lâu, những bí mật về ngôi miếu thiêng đã theo cụ về bên kia thế giới. Chính vì thế những lời đồn đoán về sự linh ứng của ngôi miếu càng được người dân tin.
Cụ Trương Văn Vinh chia sẻ thông tin cho PV.
Theo thông tin chúng tôi thu thập được, vì không biết gốc tích của ngôi miếu nên không người dân nào đứng ra nhang khói, dần dà ngôi miếu hư hại và trở thành phế tích. Theo các cụ cao niên truyền lại, nguyên nhân dẫn đến việc người dân thờ ơ với việc nhang khói là do chưa xác định ngôi miếu thờ ai. Nếu ai đó tự thờ cúng sẽ bị cho là phạm vào tổ tiên nhà mình, bởi lẽ ngôi miếu đó có thể là thờ ông tổ hoặc một vị tổ của dòng họ nào đó. Nếu thờ cúng mà không phải là tổ tiên nhà mình thì sẽ bị các vị tổ tiên oán trách vì con cháu không biết đến nguồn gốc sinh thành. "Chính vì không được chăm non nhang khói trong thời gian dài nên ngôi miếu đã hư hại và giờ chỉ còn là phế tích. Thần Miếu không có chỗ đi về nên đã quay ra quấy nhiễu người dân trong làng", bà Tống Thị Hồng - xóm Khuôn 2 chia sẻ.
Ông Đoàn Ngọc Hải - trưởng xóm Khuôn 2 cho biết, trong vài năm trở lại đây, tại xóm Khuôn 2 đã có 13 người phụ nữ góa chồng, đặc biệt có nhiều đàn ông chết trẻ, họ đều là những trụ cột trong gia đình, có độ tuổi từ 28 đến 40.
Để tìm hiểu thêm thông tin, chúng tôi đã gặp cụ Trương Văn Vinh (84 tuổi), nguyên bí thư Đảng ủy xã Phục Linh. Cụ Vinh cho biết, trước kia nghe các cụ cao niên trong họ kể lại, có một người trong dòng họ làm thầy cúng và nhang khói ở ngôi đình và miếu ở chân núi Đình. Tuy nhiên do chiến tranh loạn lạc, đến nay ngôi đình và miếu chỉ còn nền đất và một vài đồ vật dùng để thờ cúng như bát hương, cốc chén.
Nhắc đến sự "linh thiêng" của ngôi miếu, cụ Vinh cho biết cách đây vài tháng, anh Nguyễn Văn T. (SN 1981) đi xe máy chở vợ và con nhỏ đi trên đoạn đường làng. Đến cổng nhà anh Chiến, mặc dù đã tránh hết đường nhưng anh T. đã bị xe máy của người tên Thanh, vừa đi uống rượu cưới về tông vào khiến anh T. tử vong, may mắn vợ và con anh T. chỉ bị bắn vào lề đường và thoát nạn. "Sau này khi gia đình thằng T. có đi xem thầy ở một số nơi thì được biết anh này chết do bị trừng phạt vì đã phạm vào khu miếu, bị thánh bắt tội. Còn có rất nhiều trường hợp khác chết khó hiểu lắm", cụ Vinh cho biết.
Cũng theo cụ Vinh, cách đây 3 năm, con trai cả của cụ đi nhặt than trên bãi thải làng Cẩm. Đúng ngọ, anh đi qua ngôi miếu, đến chỗ đó hơi dốc anh rồ ga mạnh thì ngay sau đó bị ngã vật ra đường, về đến nhà cứ ngơ ngơ, tinh thần hoảng loạn. "Sau đó, bà nhà tôi có đi xem thầy và làm lễ giải hạn tại khu miếu hoang thì nó mới bình thường trở lại. Trước khi thằng con tôi bị ngã, có một số đứa nhỏ ở trong xóm Trại đi qua miếu, thấy có những bông hoa đẹp nên hái về nhưng nửa đêm ngủ thì gặp ác mộng như có người bóp cổ đến nghẹt thở. Ngày hôm sau gia đình họ phải mang lễ đến khu miếu để tạ thì mới khỏi. Trường hợp của ông Nga người cùng xóm tôi đi vào đó thấy cành si đẹp định chặt về để trồng nhưng sau đó cũng bị chết", cụ Vinh nói.
Bà Tống Thị Hồng, (vợ ông Hải- trưởng xóm) cũng rơm rớm nước mắt khi kể về nỗi đau của gia đình khi mất đi 2 người con trai và một người con rể. Bà kể, người con thứ hai của bà tên Đoàn Ngọc Hiền (SN 1977), lấy vợ năm 2000, đến năm 2004 trong một lần đi trên đường cũng bị ngã chết để lại đứa con nhỏ 3 tuổi. Đến năm 2007, anh Đoàn Ngọc Hà (SN 1972) con trai cả của bà Hồng đang đứng ở cửa sổ thì bỗng nhiên nói "Mẹ ơi! Có ai gọi con đấy, con phải đi ngay". Sau câu nói anh chạy xuống cầu thang bị trượt chân ngã và chết, lúc đó anh Hà có vợ và 2 con. Còn anh con rể của bà Hồng tên Lương Văn Mạnh cũng ra đi ở tuổi 28. "Sau khi sự việc xảy ra, gia đình cũng đi xem thầy. Thầy phán, cái chết của các con có liên quan đến việc "bố làm con chịu" vì ông Hải làm trưởng xóm nhưng không vận động được bà con nhân dân xây dựng lại khu miếu để "Thần Miếu" có nơi đi về, không phải lang thang hại người vô tội", bà Hồng cho biết.
Phế tích Miếu thần xóm Khuôn 2.
Hay chỉ là những lời đồn thổi
Cũng có nhiều người gặp phải vận rủi, hay ốm đau bệnh tật khi biết đã "mắc tội" với thần Miếu chỉ cần sắm lễ mang tới "xin" sẽ được tha?. Chính vì những sự việc chưa được giải thích rõ ràng nên người dân càng khiếp sợ sự linh thiêng của ngôi miếu hoang. Tất cả những câu chuyện gì liên quan đến ngôi miếu người dân đều không dám nói vì sợ liên lụy đến mình. Họ cho rằng khi trong nhà có người nói chuyện liên quan đến ngôi miếu hoang thì lập tức thời gian sau đó là bị trừng phạt. Trong suốt cuộc trò chuyện với những người dân nơi đây cho dù họ rất nhiệt tình khi kể lại những câu chuyện về ngôi miếu, chúng tôi cũng chỉ được đứng ở ngoài cổng, đã vào nhà ngồi thì không được nhắc đến những chuyện liên quan đến ngôi miếu.
Lý giải về những cái chết đầy bất thường trên địa bàn, ông Đoàn Ngọc Hải, trưởng xóm Khuôn 2 cho biết, trong những năm gần đây trong xóm có một số cái chết bất thường với nhiều lý do, người dân cũng bàn tán xôn xao là liên quan đến ngôi miếu, ngôi đình bị bỏ hoang, nhưng thực tế không phải là như vậy. Những cái chết của người dân trong xóm đều có nguyên nhân cụ thể.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Trần Văn Linh, Phó chủ tịch UBND xã Phục Linh cho biết, trước những cái chết bất thường của người dân nơi đây, chúng tôi cũng đã tìm hiểu nguyên nhân, và đa phần đều có nguyên nhân rõ ràng. Trong đó có những cái chết do tai nạn giao thông, do bất cẩn trong lao động sản xuất hay nghiện ngập ma túy. Một số khác chết do bệnh tật, nhưng việc những người chết trên địa bàn ở tuổi đời còn trẻ là đúng sự thật.
Chính quyền xã Phục Linh cũng nắm bắt được thông tin căn bản về khu Đình và Miếu thuộc xóm Khuôn 2 và đang có chủ trương khôi phục tôn tạo để người dân có chỗ nhang khói ngày lễ ngày tết. "Tới đây chúng tôi sẽ tổ chức họp bàn với người dân trong xóm Khuôn 2 để tìm ra phương án hợp lý nhất. Việc tôn tạo những di tích lịch sử là góp phần bảo vệ những nét văn hóa có từ xa xưa", ông Linh cho biết thêm.
Ngôi miếu giữa bìa rừng Nhắc đến ngôi miếu nằm dưới chân núi Đình hướng mắt ra cánh đồng Ba Giăng người dân nơi đây vô cùng kinh hãi bởi những đồn đoán về cách trừng phạt thẳng thừng đối với những kẻ phạm vào miếu. Nhiều cụ cao niên trong làng kể lại, không ai biết đích xác ngôi "Miếu thần" hình dáng ra sao, các cụ chỉ được truyền tai rằng tại khu vực chân núi Đình có một ngôi miếu rất thiêng, và hiện chỉ còn là phế tích. Hiện tại khu vực được cho là nền miếu cũ chỉ còn một phiến đá hình chữ nhật nằm sát đất, bên cạnh là cây sộp cổ thụ có hình dáng giống con rắn hổ mang bạnh đầu, tán rễ của cây cổ thụ trùm lên phiến đá. Ngoài ra còn có mấy tảng đá, một vài bát hương và một cây duối cổ thụ. |
Quang Sơn