Không nên làm từ thiện kiểu phong trào
Trong đợt lũ lịch sử này, cả nước đều chung tay hướng về dải đất miền Trung. Khắp nơi là lời kêu gọi ủng hộ bà con từ đồ ăn, nước uống, tiền bạc cho tới áo quần. Tinh thần tương thân tương ái của người dân sôi sục cao hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, ngày 25/10, trên mạng xã hội xuất hiện những hình ảnh quần áo cứu trợ vứt ngổn ngang thành đống bên đường và không được người dân sử dụng. Những bức ảnh này nhanh chóng nhận về 1,3 nghìn lượt bình luận, 1,2 nghìn lượt chia sẻ. PV Người Đưa Tin Pháp luật đã liên hệ với tài khoản đăng tải những bức ảnh trên để hiểu hơn về sự việc. Chị Nguyễn Thị Xuân (SN 1987, Ninh Bình) cho hay: “Tôi là người đứng lên kêu gọi và đi thực tế. Đoàn tôi nhận được thông tin của một cô giáo mầm non ở Hưng Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình cho hay nơi đó bị ngập sâu nên bị thiếu nhu yếu phẩm, tư trang vật dụng nên rất mong các đoàn thiện nguyện giúp đỡ.”.
Anh Nguyễn Tăng Cường - Trợ lý đoàn từ thiện, người chụp những bức ảnh gây xôn xao dân mạng cho hay: “Khi đến Lệ Thủy, đoàn tôi thấy nước rút và cuộc sống của bà con ven QL1 ổn hơn so với các vùng khác. Vì thế, chúng tôi đến khu vực xã An Thủy, Mỹ Thủy nhận thấy nơi đó khó khăn, nước ngập lụt đến tận nóc nhà. Nhìn thấy cảnh đó, tôi rất thương bà con, chuyển đồ cứu trợ xuống cho bà con. Lúc mang hàng cứu trợ xuống, tôi chứng kiến cảnh rất nhiều đoàn khác đến cho bánh chưng, bánh tét… nhưng bà con ở đó không dùng đến, quần áo cũng vậy. Bà con nói họ cần lương thực chứ không phải quần áo, chăn màn. Thế nên khi nhìn những cái quần, cái áo mà khuyên góp được của mọi người từ các tỉnh thành rồi về phân loại mùa đông, mùa hè, giặt giũ, phơi khô gửi cho bà con vùng lũ mà bà còn không cần đến, tôi thấy xót lắm”.
Theo anh Cường chia sẻ thêm, đoàn từ thiện của anh gồm 3 xe con, 2 xe tải đi đêm 23/10, rạng sáng 24 có mặt ở Hưng Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình và đồ cứu trợ thường là quần áo, sữa, nước lọc, mỳ tôm.
Sau những bức ảnh mà chị Xuân chia sẻ, nhiều người cho rằng, câu chuyện dẫn đến tình trạng như vậy là do nhiều đoàn cứu trợ chỉ mới qua thông tin báo chí và mạng xã hội đã ùn ùn kéo đến những vùng bị ngập sâu trong lũ mà không biết ở đó đã có nhiều đoàn tới cứu trợ. Có nơi, mỗi gia đình hiện có cả 100 thùng mì tôm chất đống trong nhà".
Tài khoản Nguyệt Minh bình luận: “Tôi là con dân của vùng lũ lụt hơn ai hết tôi hiểu được những điều bạn và những tấm lòng hảo tâm từ mọi miền đất nước. Dân vùng lụt họ thiếu đủ điều từ quần áo, nhu yếu phẩm đến cả tiền, cái gì cũng quý. Mình nghĩ nếu là nhu yếu phẩm chắc chắn họ không từ chối còn quần áo đoàn nào cũng đưa tới mà ở tất cả mọi nơi đổ về thì nó lại quá nhiều. Người cần họ sẽ lấy còn người đủ rồi họ cũng không ham”.
Cần hiểu bà con cần gì
Bình luận về hình ảnh quần áo bỏ lại ở rìa đường, một tài khoản viết: “Đâu đó có những chiếc bánh chưng để quên, những chiếc quần, áo cũ bị bỏ lại... Có thể rằng, chúng ta đã chưa đưa đến nơi cần thiết, khi bà con vùng đó không bị ngập nặng mà đồ cứu trợ quá nhiều nên mọi người không dùng hết. Còn những người thực sự cần thì họ ở vùng sâu, vùng xa... Do nước lớn, nhiều đoàn cứu trợ chưa kịp tiếp cận tới. Vì lẽ đó, xin đừng nặng lời với bà con vùng lũ, trước tiên hãy suy xét lại mình một cách thấu đáo. Có tấm lòng hướng về miền Trung là tốt, là đáng trân quý nhưng còn phải đúng nơi, đúng người nữa".
Tài khoản Diễm Kiều đưa ra bình luận: “Tôi nghĩ các đoàn thiện nguyện nên liên hệ với các đoàn thanh niên tình nguyện của địa phương để họ dẫn mình đi đến đúng những địa điểm bà con họ cần”.
Anh Nguyễn Ngọc Tuấn (SN 1990) - Chủ nhiệm CLB thiện tâm Bắc Ninh chia sẻ về câu chuyện đi từ thiện thời gian gần đây: "Đa số mọi người hay chạy theo phong trào, chạy theo những thông tin đang hot trên báo mạng, tivi hay một nguồn thông tin nào đó mà không đi trực tiếp tìm hiểu nơi mình đang định cứu trợ dẫn đến tình trạng hàng loạt CLB, nhóm từ thiện đổ xô về một nơi còn nhưng nơi khác dù đang rất thiếu nhưng lại không ai để ý tới. Vấn đề đi từ thiện chỗ thừa chỗ thiếu luôn là điều đáng lưu tâm đối với các CLB, hội nhóm từ trước đến nay.
Để việc cứu trợ được hợp lý, ngoài việc các CLB nên trực tiếp liên hệ với cán bộ địa phương tìm hiểu tình hình vùng lũ thì cũng nên cử người về tìm hiểu trực tiếp thực tế vùng định cứu trợ hay liên kết với các hội nhóm khác để tham khảo tình hình vùng đó trước khi phát động kêu gọi, thực hiện chương trình cứu trợ".
Chia sẻ về hình ảnh quần áo vứt ngổn ngang dưới đất gây xôn xao mạng xã hội, anh Tuấn nói: "Hình ảnh quần áo cứu trợ vứt bừa ở đường hiện đang có rất nhiều tranh cãi từ nhiều phía. Với riêng tôi, chuyện các CLB chuyển quần áo rách, hỏng đến người dân vùng lũ ít có thể xảy ra vì đa số các CLB thường tổ chức cho lọc lại quần áo trước khi chuyển đi cứu trợ. Việc quần áo vứt bừa lãng phí có thể do phần lớn quần áo trên chưa được phù hợp với lứa tuổi ở vùng cứu trợ. ".
Phong Linh