Chứng minh tài chính dễ như trở bàn tay
Theo quy định của hầu hết các quốc gia, khi đi du lịch, thăm thân nhân, du học hay công tác..., cá nhân đều phải có hồ sơ để chứng minh thu nhập, tài chính và các thủ tục khác. Điển hình như đi du lịch Đài Loan, ngoài có hộ chiếu còn thời hạn 6 tháng trở lên thì khách du lịch phải chứng minh nghề nghiệp của mình như: Hợp đồng lao động, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, đơn xin nghỉ phép... Nếu là Giám đốc thì phải mang theo giấy đăng ký kinh doanh.
Việc chứng minh tài chính được thực hiện qua sổ tiết kiệm. Tất cả phải có bản gốc để đối chiếu nộp kèm với bản photo. Ngoài ra, còn hàng loạt các loại giấy tờ khác như vé máy bay, khách sạn, hành trình du lịch Đài Loan... Nhiều người đã không đáp ứng đủ điều kiện để xin visa – tấm thẻ bài quan trọng trong bất cứ chuyến xuất ngoại nào.
Biết nhiều người không thể hoàn tất các thủ tục nêu trên, đặc biệt là mở sổ tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng, các đối tượng nhận làm dịch vụ này luôn “nổ” có thể làm trong vài ngày. Người tên Hùng ở quận Gò Vấp (TP.HCM) rao: “Bên tôi sẽ cung ứng dịch vụ chứng minh tài chính được các ngân hàng lớn trên địa bàn TP.HCM bảo lãnh. Khi hồ sơ xong xuôi, anh sẽ làm việc trực tiếp với ngân hàng. Còn chuyện tiền bạc, anh khỏi lo, sau khi hoàn tất thủ tục, mới phải đóng phí. Ngoài bảng phí đã niêm yết và thông báo thì anh không phải đóng thêm bất cứ một khoản phát sinh nào khác”.
Trong khi đó, người tên Phú giới thiệu làm việc tại công ty Cổ phần Banker Việt Nam cho biết: “Sổ tiết kiệm và giấy xác nhận là số dư thật 100%, tiền thật. Sổ thật có đóng dấu của ngân hàng”. Theo đó sổ tiết kiệm với hạn mức 30 đến 50 triệu đồng, kỳ hạn 12 tháng có phí duy trì là 500.000 đồng/tháng. Còn sổ 500 triệu đồng thì có phí duy trì là 1 triệu đồng/tháng, kỳ hạn 12 tháng. Còn 1 tỷ đồng mức phí sẽ là 1,9 triệu đồng/tháng cho kỳ hạn 12 tháng. Riêng từ 100 tỷ đến 900 tỷ đồng thì có phí là 0,6% tháng.
Người tên Hùng, công ty Tư vấn Quốc tế Bảo Tín cũng tư vấn cho PV: “Nếu mở sổ tiết kiệm 100 triệu kỳ hạn sổ 12 tháng, phí duy trì 1 tháng sẽ là 700.000 đồng/tháng. Còn nếu sổ 500 triệu đồng, kỳ hạn sổ 12 tháng, phí duy trì là 1,1 triệu đồng/tháng. Nếu mở sổ 1 tỷ đồng, sẽ có phí duy trì là 2 triệu đồng/tháng. Còn 2 tỷ thì sẽ có phí duy trì là 3,9 triệu đồng/tháng”.
“Việc mở sổ tiết kiệm là chuyện quá dễ dàng. Chỉ cần anh cung cấp thẻ căn cước (chụp 2 mặt) cùng sổ hộ khẩu, nếu hôm nay đưa thì ngày mai có sổ. Hạn mức bao nhiêu cũng được, tuỳ anh chọn”, Hùng cho biết.
Mở... tất cả sổ tiết kiệm lùi ngày?
Ngoài việc làm sổ tiết kiệm, nhiều “cò” còn nhận mở sổ tiết kiệm lùi ngày. Mục đích của việc này có thể đáp ứng cho việc xin visa đi du học, thăm thân, công tác hoặc vay vốn từ các tổ chức tín dụng.
“Cò” Tú ở quận Gò Vấp (TP.HCM) cho biết: “Hợp đồng lao động vay vốn tín chấp thì có thể làm lùi thời hạn 3 - 5 năm hay bao nhiêu năm cũng được. Đồng thời, phải có bảng lương 3 tháng gần nhất, xác nhận công tác và xác nhận lương. Hiện bên tôi đang làm và hoàn thành từ 1 đến 2 ngày là có, anh không cần đặt trước. Làm xong hồ sơ, kiểm tra lại thông tin, nếu đồng ý thì thanh toán tiền. Giá trọn bộ hợp đồng lao động là 1,8 triệu đồng”.
Qua tìm hiểu, PV được biết công ty tài chính Nguyễn Lê có nhận mở sổ tiết kiệm lùi ngày với mức phí khá cao. Nhân viên tên Phúc ở công ty này báo giá: “Sổ tiết kiệm 100 triệu đồng có phí duy trì là 2 triệu đồng/tháng, còn sổ 500 triệu đồng thì phí sẽ là 3 triệu đồng/tháng. 1 tỷ là 5 triệu đồng/tháng. Sổ lui ngày từ 3 tháng đến 1 năm”. Tuy nhiên, không được mượn sổ gốc, chỉ có bản phô-tô. Nếu muốn sổ gốc (nếu cần đi phỏng vấn) thì phải trả thêm phí”.
“Đặc biệt khi đi du lịch các nước như Hàn Quốc, NewZealand, Canada... anh bắt buộc phải chứng minh có một sổ tiết kiệm gửi tại ngân hàng trước thời điểm xin visa từ 1 đến 6 tháng. Việc này tôi sẽ giúp. Hiện có nhiều ngân hàng để anh có thể chọn. Ngân hàng nào cũng được, nhưng tốt nhất là để tôi lo. Lúc đó, ngân hàng sẽ cấp cho anh 1 cuốn sổ”, Phúc cho biết.
Tuy nhiên, để có sổ lùi ngày, theo những đối tượng này phải dùng “chiêu” mới thực hiện được. Thái, nhân viên công ty Banker Việt Nam cho biết: “Ngân hàng sẽ cho phép khách hàng chuyển nhượng sổ tiết kiệm bằng việc cấp lại sổ mới cho người được chuyển nhượng. Sổ tiết kiệm mới được cấp lại vẫn giữ nguyên ngày phát hành và ngày đáo hạn của khách hàng. Sổ tiết kiệm sau khi đã chuyển nhượng sẽ không thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho rằng, đây là sổ đã được chuyển nhượng từ một người khác”.
“Công ty sẽ tìm kiếm những khách hàng gửi tiết kiệm có số tiền đúng với mệnh giá và kỳ hạn mà anh yêu cầu mở sổ lùi ngày. Toàn bộ giấy tờ gốc của anh như sổ gốc, giấy xác nhận số dư sẽ được bên tôi lưu trữ cho đến khi anh xin được visa. Còn sổ chuyển nhượng là sổ thật 100%, tiền thật 100%. Vì vậy, anh có thể mượn sổ tiết kiệm đi đối chiếu khi Đại sứ quán yêu cầu và có thể mượn trong 30 ngày làm việc”, Thái, một đối tượng tư vấn cho biết thêm.
“Cách làm này hoàn toàn nhanh chóng, giúp anh không cần phải chờ đợi từ 3 đến 6 tháng hoặc hơn một năm mới nộp được hồ sơ”, Thái bồi thêm. Ngoài ra, “công ty Nguyễn Lê còn có thể giúp cho anh hay bất cứ ai có nhu cầu giải quyết được các yêu cầu muốn mở sổ lùi ngày. Bao nhiêu ngày cũng được và sẽ có sổ tiết kiệm sau 2 ngày khi giao hồ sơ (gửi thẻ căn cước và sổ hộ khẩu). Khách hàng sẽ nhận được 2 giấy xác nhận số dư, sổ tiết kiệm được dịch thuật song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, 2 bản sao sổ tiết kiệm có đóng dấu đối chiếu bản chính của ngân hàng”, Phúc nói.
Khi PV cung cấp thẻ căn cước và đề nghị làm sổ tiết kiệm 500 triệu đồng, Phúc nhận lời ngay nhưng đề nghị chuyển khoản phí qua trước rồi mới làm. Thực chất đây chỉ là chiêu trò lừa đảo, nhằm chiếm đoạt tài sản. Mỗi ngày, các đối tượng thu lợi bất chính không ít.
Thực tế, bên cạnh những đối tượng chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì việc làm “sổ tiết kiệm thật”, “tiền ảo” vẫn có thể làm được. Chiêu thức này cũng đã được một số đối tượng cấu kết với nhân viên ngân hàng ma mãnh sử dụng trong thời gian qua. Cách đây chưa lâu, Bùi Thị Anh Thư (37 tuổi, ngụ phường 2, TP.Đà Lạt) cấu kết với Đàm Văn Chung (ngụ Hà Nội, thời điểm đó đang làm việc cho một ngân hàng chi nhánh Tây Hồ) đã làm sổ tiết kiệm ngân hàng, ghi số tiền là 30 tỷ đồng, đứng tên Bùi Thị Anh Thư.
Sổ này là thật, có chữ ký và số tiền nhưng chưa duyệt trên hệ thống hay quen gọi là “sổ lỗi” hay “sổ hư hỏng”. Sau đó, Thư dùng sổ tiết kiệm này để thanh toán tiền đã mua ngôi nhà của bà Ngô Phương Anh (ở đường Hùng Vương, TP.Đà Lạt với giá 36 tỷ đồng, còn nợ lại 6 tỷ đồng. Sang tên nhà và đất xong, Thư đem giấy tờ nhà đất thế chấp ở một ngân hàng tại TP.HCM lấy 28 tỷ đồng. Đến kỳ hạn 3 tháng, sợ bà Anh phát hiện sổ tiết kiệm không có tiền, Thư tiếp tục kêu Chung làm sổ tiết kiệm ghi số tiền 32 tỷ đồng, đứng tên bà Anh.
Làm sổ và giao cho bà Anh xong, Chung lập tức rút toàn bộ số tiền trên. Đến khi bà Anh cầm sổ tiết kiệm tới ngân hàng rút 32 tỷ đồng thì mới tá hoả là tiền không có thật. Sau đó, bà đã tố cáo hành vi của Thư và Chung cùng một số người có liên quan. Cuối năm 2017, khoảng 500 tỷ đồng của 24 khách hàng gửi tiết kiệm vào Oceanbank, chi nhánh Hải Phòng cũng được xác định “bị lỗi”, không có trên hệ thống kiểm soát của ngân hàng này.
Xem kỳ 1: Vạch trần "thủ thuật" giúp vay tiền ngân hàng bằng hồ sơ ma
Đón đọc kỳ 3: Chiêu thức hoạt động của tổ chức "ma" và hậu quả khôn lường khi mua bán hồ sơ giả
Chí Thanh