Sự thật quanh kho báu chứa cả tấn vàng trong hang đá ở Hòa Bình

Sự thật quanh kho báu chứa cả tấn vàng trong hang đá ở Hòa Bình

Trương Ngân Hà

Trương Ngân Hà

Chủ nhật, 22/04/2018 10:10

Nghe theo truyền thuyết về kho báu của người xưa còn lưu truyền trong dân gian, không ít cuộc truy lùng đã diễn ra, làm hao tổn tiền bạc, công sức và xương máu của bao người. Theo lời kể của các vị cao niên, dù tìm được kho báu, số người đổi đời chỉ đếm trên đầu ngón tay còn số kẻ lụn bại lại xếp hàng dài; nhưng mỗi khi thông tin về một kho báu nào đó phát lộ, người ta vẫn rồng rắn lùng sục tìm giấc mơ vàng. Mới đây, dư luận lại xôn xao về chuyện kho báu chứa 1 tấn vàng bị khai thác trộm tại mỏ đá thuộc xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Có người công bố tìm được 4 thùng vàng

Câu chuyện về kho báu 1 tấn vàng xuất phát từ lời kể của ông Lương Gia Long (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ông Long cho biết trước đó, ông đã về Trung Sơn giúp ông Cao Đình Ngời (xã Trung Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình) xem phong thuỷ tại một mỏ đá thuộc xóm Nam Phương.

Trong lúc trao đổi, ông được gia chủ tiết lộ về kho vàng ẩn giấu trong mỏ đá gần nhà rồi nhờ tìm kiếm. Với sự giúp đỡ của ông Long, gia đình ông Cao Đình Ngời tìm thấy khoảng 1 tấn vàng gồm 4 thùng vàng, với 1 thùng lớn và 3 thùng nhỏ ở một hang đá.

Theo ông Long, sau khi phát hiện kho báu, ông đã yêu cầu gia đình ông Ngời báo chính quyền địa phương. Tuy nhiên, ông Ngời đã cố tình, âm thầm khai quật số vàng mang dấu tích từ thời nhà Mạc mà không trình báo chính quyền địa phương.

Đến khi ông Long vào bên trong hang, thì những thùng vàng đã được mang đi, hiện trường bị xới tung. Lo lắng số kho báu bị khai quật trái phép khi mình bị cách ly khỏi hiện trường, ông Long ngay lập tức đăng tải thông tin lên trang Facebook cá nhân.

Sự thật quanh kho báu chứa cả tấn vàng trong hang đá ở Hòa Bình

 Kho báu chứa 1 tấn vàng được cho là tìm thấy trong hang đá tại xã Trung Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình). Ảnh: Báo Hoà Bình.

 

Trong khi đó, ông Cao Đình Ngời, chủ nhân của mỏ đá hoàn toàn phủ nhận về sự tồn tại của kho báu hay cụ thể là vàng và cổ vật tại hang đá được ông Long “chỉ điểm”.  

Sự việc cụ thể, gia đình cũng đã làm việc và báo cáo với chính quyền địa phương, cơ quan công an. Chia sẻ trên nhiều tờ báo, ông Ngời cho biết bản thân liên tục bị nhiều người hỏi về thực hư kho báu chôn trong mỏ đá.

Thậm chí có người còn khẳng định gia đình ông đã ỉm số vàng trên, không trình báo. Trả lời Vietnamnet, ông Ngời phân trần: "Do gia đình tôi làm nghề khai thác mỏ đá, muốn làm ăn yên ổn nên đã mời ông Long về xem, tư vấn giúp. Xem xong, ông Long cho biết tại mỏ đá có kho vàng, bảo tôi cho máy xúc đào xới, nhưng sau khi đào xới trên diện tích khoảng 4-5 sào thì không tìm thấy gì giá trị". Dù chưa rõ thực hư song câu chuyện này nhanh chóng được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội và gây xôn xao dư luận địa phương.

“Kho báu” xuất hiện vì… mâu thuẫn tiền công

Trao đổi với báo chí xung quanh sự việc này, ông Bùi Văn Ban, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho biết ngay sau khi nắm được thông tin, Công an huyện đã phối hợp với chính quyền xã xuống nơi được xem là có kho báu "1 tấn vàng" kiểm tra, nắm tình hình.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, khu vực được cho là nơi phát hiện kho báu là một hang nước có cửa hang rộng khoảng 3m, bên trong có khe nước nhỏ thuộc một công ty khai thác vật liệu xây dựng.

Song sau quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng xác định, không có bất cứ dấu hiệu nào của kho báu như thông tin ông Long đưa ra; từ đó khẳng định câu chuyện về kho báu 1 tấn vàng trong mỏ đá của ông Cao Đình Ngời ở xóm Nam Phương là thông tin bịa đặt không có thật.

Sự thật quanh kho báu chứa cả tấn vàng trong hang đá ở Hòa Bình (Hình 2).

Kho báu bị đào xới tan nát. Ảnh: NLĐ.

Cơ quan chức năng cũng cho biết thêm, trong quá trình tổ chức khai thác mỏ đá, ông Cao Đình Ngời có mời ông Lương Gia Long là thầy phong thuỷ về thực hiện các nghi lễ tâm linh.

Tuy nhiên trong quá trình thỏa thuận về tiền công giữa hai bên có một số mâu thuẫn nên ông Long đã phát tán thông tin không chính xác liên quan đến chuyện tìm thấy kho báu lên mạng xã hội.

Khu vực huyện Lương Sơn, theo nhận định của một chuyên gia về lĩnh vực quặng, mỏ trên tờ Người lao động, vốn là khu vực có diện tích mỏ, quặng tự nhiên rất lớn.

“Xưa nay đã có nhiều công ty đến kinh doanh khai thác. Việc phát hiện vàng ở khu vực này không có gì lạ nhưng theo câu chuyện này thì chưa có cơ sở khẳng định điều gì cả. Việc này phải có cơ quan chức năng thẩm định, xác minh thì mới có cơ sở chắc chắn được”, vị này chia sẻ.             

N.H (tổng hợp)

Xới tung di chỉ tổ tiên để tìm kho báu

Còn nhớ năm 2014, thông tin một người đi làm đồng vớ được cả túi vàng khiến cả thị trấn Óc Eo (huyện Thoại Sơn, An Giang) rúng động.

Tin vào kho báu vàng từ thời vương quốc Phù Nam nằm ẩn dưới nền di chỉ cổ, nhiều người dân trong vùng quên ruộng, bỏ cày, ngày đêm đỏ mắt ôm mộng tìm vàng. Thời gian cao điểm, cả ngàn người, đủ mọi lứa tuổi hăng hái tay cuốc tay đào.

Có người, từ chỗ tìm được một tráp và vài chiếc đĩa có màu vàng, chưa kịp mừng vì sắp thoát khỏi cảnh nghèo triền miên đã hoá điên vì làm rơi mất “của báu”.

Trao đổi với báo giới khi đó, ông Trần Hữu Phước, nguyên Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn cho biết những thông tin dồn dập về kho báu vương quốc cổ Phù Nam, bao gồm cả việc người dân lượm được đồ giá trị (trang sức, vàng nén thỏi,…) khi cày ruộng từ 70 năm trước và cả phát hiện về những cổ vật cùng hạt lúa cổ của đoàn khảo cứu trong nước năm 1976 đã khiến các tay bòn vàng mở rộng tìm kho báu.

Chính vì vậy, nhiều người dân nơi đây đã bị lôi kéo vào “cuộc tìm kiếm kho báu tưởng tượng” ấy.  Trước đó, năm 2013, tại An Giang đã xuất hiện thông tin đồn thổi về kho báu cả ngàn tấn vàng cùng kim cương nằm vùi dưới thành cổ ở vùng Bảy Núi, chính quyền địa phương đã lên tiếng khẳng định đó chỉ là tin đồn thất thiệt.

Đến năm 2015, gia đình ông Trương Văn Cồ (ấp Núi Nước, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) cũng lao đao, khốn khổ khi những người mê tìm kho báu liên tục “thăm hỏi”.

Cụ thể, từ tin đồn về “một kho báu có niên đại hàng trăm năm của vua Gia Long (1762-1820), trong đó gồm nhiều vàng và đồ cổ đang nằm dưới nền nhà của một gia đình ở thị trấn Ba Chúc”, nhiều người chủ động mang máy móc tới nhà ông Cồ để rà vàng, tìm kho báu cổ.

Lần này, đại diện chính quyền địa phương cũng khẳng định thông tin có kho báu của vua Gia Long tại Ba Chúc chỉ là lời đồn đoán, truyền miệng trong dân chúng.

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.