Bến Thượng Hải (tiếng Anh: The Bund) là loạt phim truyền hình được đài TVB Hong Kong phát sóng năm 1980 và được phát lại hàng nghìn lần trên sóng của các đài truyền hình Hoa ngữ ở khắp mọi nơi, chưa kể được phát hành dưới dạng băng, đĩa tại các quốc gia châu Á như Malaysia, Singapore, Việt Nam, Nhật Bản, Thái Lan… Đến nay, hơn 30 năm trôi qua, có nhiều phiên bản của Bến Thượng Hải được thực hiện, nhưng Bến Thượng Hải bản 1980 vẫn luôn được khán giả nhớ đến. Đây được coi là tác phẩm truyền hình kinh điển của đài TVB về đề tài xã hội đen và là bộ phim đưa Châu Nhuận Phát lên vị trí ngôi sao của truyền hình, và sau đó là điện ảnh Hong Kong. Bài hát chủ đề Bến Thượng Hải do nữ ca sĩ Diệp Lệ Nghi trình bày cũng được coi là một bài hát xuất sắc của dòng Cantopop.
Trong khi đó Tân Bến Thượng Hải sản xuất năm 2007, do Huỳnh Hiểu Minh thủ vai chính cũng gây tiếng vang lớn và tạo thành cơn sốt khắp châu Á trong một thời gian dài, đồng thời đưa tên tuổi của Huỳnh Hiểu Minh trở thành một ngôi sao sáng của điện ảnh Hoa ngữ.
Bộ phim lấy bối cảnh của thành phố Thượng Hải những năm 30 của thế kỷ 20, với tất cả những xung đột, mâu thuẫn của xã hội: sự phồn hoa, giàu có, những băng đảng xã hội đen một tay thống trị, đối lập với những tầng lớp dân nghèo cùng cực, những trí thức trẻ bị chà đạp.
Bến Thượng Hải cũng đề cập đến mối tình tay ba đầy đau khổ, trái ngang giữa ba người Hứa Văn Cường, Đinh Lực và Phùng Trình Trình.
Hứa Văn Cường là một thanh niên có học thức và tinh thần cách mạng, từng tham gia Ngũ tứ vận động trong thời cuộc biến loạn bị bắt bỏ tù. Sau khi ra tù, Cường tham gia vào giới xã hội đen Thượng Hải và trở thành một trong những tay xã hội đen hàng đầu tại đây.
Tuy nhiên, Hứa Văn Cường không giống như các trùm xã hội đen khác, biến chất vì đồng tiền. Anh vẫn có lòng yêu nước và chống quân phiệt Nhật Bản. Cũng vì điều này, anh đã đắc tội và bị sự truy sát của Phùng Kính Nghiêu, một đại tư bản ở Thượng Hải thời điểm bấy giờ. Trước đó anh từng hứa hôn và chuẩn bị đám cưới với con gái Phùng Kính Nghiêu là Phùng Trình Trình.
Trái ngang thay người anh em thân cận của Hứa Văn Cường là Đinh Lực cũng đem lòng yêu Phùng Trình Trình và trở thành cánh tay đắc lực của Phùng Kính Nghiêu. Sau này chính Đinh Lực là người đã bắn chết Hứa Văn Cường khi Phùng Kính Nghiêu bị Hứa Văn Cường giết chết ngay trong đám cưới của con gái mình.
Bến Thượng Hải bản 1980 có tiết tấu nhanh, mạnh và ngắn gọn, chỉ trong vòng 25 tập (ngắn nhất trong các phiên bản truyền hình Bến Thượng Hải được thực hiện), nhưng những sóng gió, biến động của xã hội, chủ nghĩa anh hùng, những tư thù cá nhân, lòng yêu nước, sự phản bội, tình yêu, tình bạn, tình anh em… tất cả được lồng ghép trong Bến Thượng Hải, đưa tác phẩm này trở thành bộ phim tiêu biểu nhất trong các tác phẩm thể hiện một Thượng Hải phồn hoa và đen tối trong lịch sử của thành phố nổi tiếng này.
Hứa Văn Cường - Đinh Lực trong Bến Thượng Hải là nhân vật hư cấu
Bến Thượng Hải không chỉ khắc họa chân thực hình ảnh xã hội lúc bấy giờ, mà mối tình oan trái của Hứa Văn Cường và Phùng Trình Trình cũng lấy đi của khán giả khá nhiều nước mắt.
Kể từ khi phát sóng năm 1980, những cái tên Hứa Văn Cường, Phùng Kính Nghiêu, Đinh Lực trong bộ phim Bến Thượng Hải trở thành biểu tượng của thế giới ngầm Thượng Hải hồi nửa đầu thế kỷ 20. Thậm chí, hình ảnh tay du đãng “trí thức” họ Hứa còn được xem như “đặc sản” của Bến Thượng Hải. Thế nhưng, cả 3 nhân vật trên gần như chỉ là sản phẩm hư cấu của điện ảnh. “Bố già” Đỗ Nguyệt Sinh, một số tài liệu dịch là Đỗ Nguyệt Thăng, mới từng là ông trùm thực sự của thế giới ngầm ở Bến Thượng Hải, ảnh hưởng sâu sắc đến cả nền kinh tế của thành phố phồn hoa này. Vị đại ca giang hồ này còn là đề tài chính của một tập trong loạt phim tài liệu mang tên Stories of the Bund (tạm dịch: Những câu chuyện của Bến Thượng Hải), được phát trên kênh CCTV9, kể về Thượng Hải từ đầu thế kỷ 20 đến trước ngày 1/10/1949, khi ông Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Video: Hứa Văn Cường tập cuối đầy bản lĩnh.
Quốc Tiệp (tổng hợp)