Tận mắt chứng kiến hố bom thiên thạch
Từ thành phố Magnhitogorsk (Liên bang Nga) thuộc tỉnh Chelyabinsk, với bản tính tò mò khi nghe một vụ nổ thiên thạch lớn ở thành phố Chelyabinsk tôi cũng giống như nhiều người khác tìm đến hiện trường. Tôi đến thành phố này không phải tìm vận may tìm thiên thạch, hay mua một mảnh nhỏ mà chỉ mong một lần chứng kiến sự hoành tráng của thiên nhiên, vũ trụ, nơi mà trí tưởng tượng của con người, hay khoa học dù hiện đại đến đâu cũng không thể tìm ra một đáp án chính xác. Tôi thật sự bất ngờ, dù trong giá lạnh, tuyết rơi dày đặc nhưng quang cảnh thành phố Chelyabinsk ở miền Nam nước Nga bỗng trở nên nhộn nhịp.
Tìm thiên thạch rơi ở Chelyabinsk.
Chelyabinsk vốn là thành phố công nghiệp của Nga, nó đi vào trí nhớ của nhân loại trong vụ nổ lò phản ứng hạt nhân, và lần này là thiên thạch 10.000 tấn với đường kính 16,7m đã bốc cháy và phát nổ tạo sức công phá khổng lồ mạnh hơn 20 lần quả bom nguyên tử đã san phẳng Hiroshima. Người dân Chelyabinsk cũng thật sự may măn khi khối thiên thạch này phát nổ cách mặt đất 20km, vì thế mà hậu quả của nó đã giảm nhẹ đi rất nhiều. Những ngôi nhà bị vỡ kính, đang được nhà chức trách cho sửa sang, cảnh người bị thương hoảng loạn ở nơi đây không còn được nhắc đến nhiều. Thay vào đó, khi thông báo độ nhiễm xạ đã về mức an toàn, người dân địa phương đã trở về nhà. Trong số họ, không ít người đã tìm đến những hố bom, nơi mảnh thiên thạch rơi xuống để tìm những mảnh vụn của "vàng đen", mong tìm thấy vận may để đổi đời trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn này.
Mặc dù nhà chức trách đã quây những hố bom, nhưng vẫn có những người dân đến tìm những mảnh vỡ của thiên thạch. Thậm chí, sau gần 1 tuần, những nhà khoa học công bố không còn những mảnh vỡ thiên thạch thì vẫn có người dân địa phương âm thầm, lặng lẽ bới tìm trong tuyết mong tìm thấy một mảnh "vàng đen" cho dù rất nhỏ. Có cuộc tìm kiếm này của người dân địa phương là do giá trị và sự đồn thổi về khả năng đặc biệt của thiên thạch mà cả thế giới đều biết đến. Người ta mua 1gram thiên thạch với giá 2.200 USD (tương đương 44 triệu đồng) đắt gấp 40 lần vàng 9,999. Vì lẽ đó, ai cũng mong tìm cho mình dù một mảnh nhỏ, trong cơ hội trời cho hiếm hoi, hơn 100 năm mới xảy ra trên thành phố này.
Khi đến Chelyabinsk, tôi cảm nhận được một không khí nhộn nhịp trái hẳn với sự trầm lắng vốn thấy của thành phố công nghiệp lạnh giá. Sau vụ nổ thành phố bỗng trở nên nhộn nhịp với hơn 20.000 tình nguyện viên cùng giúp khắc phục hậu quả, giúp đỡ người bị thương, dọn dẹp đống đổ nát và xây lại nhà cửa. Chính quyền thành phố ước tính thiệt hại từ vụ nổ hy hữu này là hơn 32 triệu USD (640 tỷ đồng). Hoà lẫn vào không khí khẩn trương ấy, cũng đã xuất hiện những người đào đá, và lẫn khuất đâu đấy trong thành phố là những người ôm sẵn túi tiền chờ cơ hội mua thiên thạch bán kiếm lời. Một thành viên hội Thiên văn học Nga cho biết: "Vụ nổ thiên thạch tại thành phố Chelyabinsk đã thu hút đông đảo người tìm kiếm đá, mặc dù chính quyền địa phương đã khoanh vùng những hố bom. Bản thân những nhà khoa học cũng mong muốn tìm được vài mảnh thiên thạch để phục vụ công tác nghiên cứu. Bởi tính chất đặc biệt hiếm có của nó, đã từng có những mẩu đá thiên thạch được đấu giá gần 2.200 USD một gram (44 triệu đồng), đắt gấp 40 lần vàng, nên ngay sau vụ nổ, bất chấp nguy hiểm, mức độ phóng xạ chưa an toàn đã có người đến nơi vụ nổ xảy ra để tìm thiên thạch".
Khi tôi lướt trên một số trang mua bán của Nga đã bắt đầu xuất hiện những quảng cáo đầu tiên của những người tự nhận mình nhặt được thiên thạch muốn bán. Có người chào bán mức đấu giá khởi điểm khiêm tốn 1000 rúp (700.000 đồng) cho 18 mảnh đá to bằng một chiếc đồng hồ đeo tay. Một người khác mạnh tay hơn và đưa ra giá 300 nghìn rúp (200 triệu đồng) cho một mẩu đá to hơn. Tuy nhiên, mức độ thật giả của thiên thạch thì chỉ có những người mua và bán sau khi kiểm tra mới rõ. Cũng có những lời cảnh báo, có thể từ vụ nổ này, nhiều người lợi dụng đó để chào bán thiên thạch giả. Những mảnh đá thu giữ được bởi chính quyền sẽ được lưu giữ và phục vụ cho nghiên cứu khoa học. Vì vậy, những mảnh hiếm hoi lọt vào tay người đào đá được đem rao bán sẽ càng trở nên đắt giá hơn và những kẻ giả mạo cũng nhờ thế mà thu được lợi nhuận.
Thiên thạch được bán với giá 200 triệu đồng.
Thiên thạch ẩn chứa bí mật siêu nhiên?
Là một nhà nghiên cứu về đá, nhà cảm xạ học Dư Quang Châu luôn quan niệm trong đá có sự vận động. Đá quý được xác nhận về độ hiếm, bền, đẹp và đương nhiên loại đá đến từ vũ trụ phải có cơ may mới sở hữu được thì thiên thạch mới được xếp vào hàng đá quý. Ẩn sau những viên đá màu đen xù xì ấy là những câu chuyện huyền bí mà con người tự gắn vào cho đá. Ông Châu cho biết: Giá trị màu nhiệm đặc biệt của thiên thạch chính là nguồn gốc ngoài trái đất và hấp thu năng lượng ngoài trái đất của nó. Thổ dân châu Úc gọi đá thiên thạch là hộ phù của trời, giúp tạo lập mối liên hệ với quá khứ, có ích lợi cho cuộc hành trình bằng ý nghĩ theo thời gian vào vũ trụ. Còn những thầy lang địa phương Thái Lan thường dùng thiên thạch để chữa bệnh, giúp loại trừ mọi hậu quả những tổn thương về tình cảm, tăng cường năng lượng trao đổi chất trong cơ thể. Tùy thuộc vào tuổi, cung mạng và mục đích, thiên thạch được các Trạch Gia sử dụng trong việc chấn trạch cầu bình an và tài lộc cho gia chủ.
Trong vài năm gần đây phong trào chơi đá cảnh, đá phong thuỷ, đá quý rộ lên mạnh mẽ ở nhiều tỉnh thành trên cả nước và thiên thạch (tektite) là một trong số các loại đá được giới chơi đá quý tích cực săn lùng. Cái tên tektite xuất phát từ tiếng Hi Lạp cổ tektos nghĩa là nóng chảy, ngụ ý nói về vai trò của nhiệt lượng từ thiên thạch trong nguồn gốc phát sinh tektite. Tại Việt Nam có nhiều cách gọi loại đá này như: Thiên thạch, tektite, cứt sao, ngọc thiên thạch. Và không biết, loại đá ấy có đến từ vũ trụ hay được tạo ra trong quá trình phụ trào núi lửa nhưng cứ loại đá có cấu trúc lý hoá tương tự đều được những tay "chơi đá" săn lùng và sẵn sàng bỏ cả núi tiền ra mua.
Theo 2 cuốn Tất cả về khoáng vật chữa bệnh màu nhiệm và cuốn Tất cả về đá quý của Jasper Stone, thì thiên thạch được hình thành do sự va đập của mảnh vỡ các tiểu hành tinh lên bề mặt trái đất. Sự va đập này tạo nên một vụ nổ lớn, những mảnh vỡ của tiểu hành tinh và những mảnh vật chất của trái đất bị nóng chảy, bị bắn lên không trung, lại bị nóng chảy một lần nữa do ma sát với tầng khí quyển khi rơi xuống, xoay tròn trong không khí tạo nên vô vàn hình thù đặc biệt. Còn theo tiến sỹ Trịnh Sơn, một chuyên gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, người có nhiều công trình nghiên cứu về thiên thạch và đã bảo vệ luận văn tiến sỹ về đề tài này tại nước ngoài thì thiên thạch thường có nguồn gốc từ trái đất hơn là từ các mảnh vỡ của các tiểu hành tinh.
Cẩn trọng kẻo "chết vì… đá" Ông Dư Quang Châu cho rằng, trước đây Việt Nam cũng có lượng thiên thạch nhưng có một công ty thu mua rất nhiều nên những viên có khối lượng 400gr hầu như không còn. Tuy nhiên, gần đây trên thị trường xuất hiện nhiều viên thiên thạch có trọng lượng lên đến vài chục kg không rõ xuất xứ được bán với giá trên trời. Người mua cần thận trọng với những loại này, có thể nó được làm giả với mục đích lừa đảo. Do thiên thạch bị nóng chảy 2 lần trong vụ va chạm giữa thiên thạch và trái đất nên nó không dễ gì bị đốt cháy. Hãy lấy một mảnh thiên thạch nhỏ đốt dưới ngọn lửa bếp ga, nếu nó cháy và có mùi khét là đá giả thiên thạch. "Thiên thạch cũng như các loại đá khác đều có phóng xạ. Do vậy, người chơi đá cũng nên thận trọng, tránh trường hợp tuổi, mệnh không hợp mà…chết vì đá", ông Châu khuyến cáo. |
Minh Khánh- Việt Anh