Người đàn bà nuôi chí lớn
Người dân thôn Cao Lãm vẫn truyền nhau câu chuyện về "họ Hoàng lập ấp, Tây Nguyễn khai khoa" để khái quát về lịch sử khoa bảng vẻ vang của quê hương mình. Mặc dù số lượng người đỗ đại khoa (đỗ tiến sỹ) không nhiều bằng một số làng vốn nổi tiếng về khoa bảng trong lịch sử như làng Mộ Trạch (ở Hải Dương), làng Vĩnh Kiều (ở Bắc Ninh), làng Thổ Hoàng (ở Hưng Yên)... nhưng người dân nơi đây vẫn tự hào về thành tích có 99 vị khoa bảng chỉ trong thời nhà Lê trị vì. Cụ Mai Xuân Chức (hậu duệ của hai tiến sỹ Mai Danh Tông, Mai Chính Nghĩa) cho biết: "Thôn Cao Lãm vốn là một ngôi làng cổ, có tên tục là Kẻ Xốm, xuất hiện từ thời Tiền Lê và định hình rõ nét vào thời nhà Lý.
Theo lời các cụ truyền lại, thì làng khi xưa là một vùng đất lau sậy mọc rậm rạp. Phía trước làng là những đầm, ao, hồ rộng mênh mông nối tiếp nhau bao bọc lấy làng. Bên trong cây cối mọc um tùm, chim chóc kéo nhau về làm tổ đông đúc. Lúc bấy giờ có hai vợ chồng ông cụ họ Hoàng vốn là người làng Tri Chỉ, huyện Phú Xuyên bấy giờ, đến đây sinh sống. Dần dần người khắp nơi cũng kéo về lập nghiệp mà hình thành nên ngôi làng đông đúc. Các cụ kể lại rằng, do được sông hồ bao bọc theo thế Long Trì - Phượng Các nên làng sau này sẽ phát đường khoa bảng công danh. Tuy nhiên đến trước thế kỷ XV, dân làng vẫn sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh cá và canh cửi thuần túy".
Cụ Mai Xuân Chức, hậu duệ của hai tiến sỹ Mai Danh Tông và Mai Chính Nghĩa.
Theo lời cụ Mai Xuân Chức thì làng Cao Lãm bắt đầu phát đường khoa cử từ khi cụ Nguyễn Duy Đôn thuộc dòng họ Tây Nguyễn khai khoa thi đỗ Hoàng Giáp năm 1712 đời vua Lê Dụ Tông. Tuy nhiên, trước đó, cần phải kể tới công lao của người phụ nữ tên là Huệ Lâm (là bà nội của Hoàng giáp Nguyễn Duy Đôn). Theo các tài liệu ghi chép của làng còn giữ được đến ngày nay thì bà người họ Mai lấy chồng người họ Tây Nguyễn, làm nghề dệt lụa và thường đem lụa đi bán ở chợ Vân. Trong một lần đi chợ, bà thấy một vị đại quan dáng vẻ trí sỹ với tàn quạt, võng lọng rực rỡ rất uy nghi, đằng trước thì dân chúng đón rước rất long trọng. Điều này làm bà suy nghĩ và trong đầu chợt nảy ra ý muốn cho người con trai theo học vị đại quan này.
Phiên chợ Vân sau, bà bèn sắm trầu, cau làm lễ rồi vào yết kiến vị đại quan. Khi được gặp, bà trình thưa: "Kính thưa tướng công, chẳng hay tướng công là người thế nào mà được vinh hiển đến thế?". Vị đại quan thấy vậy liền trả lời: "Ta xưa kia vốn nhà nghèo. Nhưng vì chăm học mà giỏi, đi thi được đỗ cao, nên có vinh hiển như vậy". Vị đại quan cũng đoán được ý của bà nên hỏi han thêm. Khi biết bà có con trai bèn nói: "Nếu vậy bà cứ cho con bà đi học, gắng công sau này nhất định sẽ được như tôi". Về nhà, bà quyết tâm cho con đi học, thậm chí còn thuê người sắm võng, lọng sẵn để khuyến khích người con trai gắng học.
Thế nhưng người con trai là Nguyễn Duy Tuấn phần vì mỏng học, phần vì thương mẹ vất vả, nên thường xuyên trốn thầy về nhà với mẹ. Lúc bấy giờ làng Cao Lãm cũng ít người đi học, đa phần làm nông nghiệp nên chuyện một người ngày ngày ăn rồi cắp sách đi học là chuyện rất lạ thường. Lời ra tiếng vào khiến cho người con Nguyễn Duy Tuấn cũng cảm thấy không yên lòng. Sau nhiều lần đi thi, người con này cũng chỉ đỗ tiểu khoa (đỗ tú tài) mà thôi.
Thế nhưng bà Huệ Lâm vẫn không từ bỏ ý định cho con cháu theo nghiệp khoa cử, bà tiếp tục đầu tư cho người cháu đích tôn là Nguyễn Duy Đôn theo học thầy giỏi với hy vọng sau này sẽ đỗ đạt, làm quan. Quả nhiên, không phụ lòng mong mỏi của người bà, năm 1712 Nguyễn Duy Đôn đỗ Hoàng Giáp. Sau khi ông mất được phong tước hầu, nhận chức Thượng thư bộ Công. Cũng từ đây, làng Cao Lãm bắt đầu phát triển mạnh về con đường văn học.
Đình Cao Lãm là nơi đặt tấm bia ghi tên 99 vị khoa bảng của xã Cao Lãm hiện nay.
Kỳ lạ con số 99 người đỗ đạt
Cụ Mai Xuân Hội đã cung cấp cho PV báo ĐS&PL danh tính một vị tiến sỹ nữa là tiến sỹ Trần Di. Theo tài liệu đó thì ông này đỗ tiến sỹ năm 1490 dưới đời vua Lê Thánh Tông. Ông làm quan tới chức Công bộ Hữu thị lang. Tuy nhiên theo tra cứu của chúng tôi (dựa vào cuốn Các nhà khoa bảng Việt Nam do tác giả Ngô Đức Thọ chủ biên) thì hiện chưa tìm ra ai tên Trần Di đỗ tiến sỹ năm 1490. |
Bà Huệ Lâm ngoài người cháu đích tôn là Nguyễn Duy Đôn còn có người cháu gái (là chị ruột Nguyễn Duy Đôn) lấy chồng người họ Mai. Sau, người cháu gái này sinh được hai người con trai là Mai Danh Tông và Mai Nghĩa Chính (sau đổi tên là Mai Trọng Tương). Hai người này cũng đỗ đại khoa và điều thú vị là cả ba cậu cháu cùng làm quan dưới triều Lê. Người làng thường gọi ba người này là "tam tiến sỹ đồng triều" để vinh danh thành tích không phải ai cũng làm được này.
Mai Danh Tông từ nhỏ vốn nổi tiếng thông minh, chăm học lại được người cậu ruột là Hoàng giáp Nguyễn Duy Đôn dạy dỗ nên việc học ngày càng tiến bộ. Ông đỗ tiến sỹ năm 1731 khi mới 26 tuổi, làm quan tới chức Giám sát ngự sử. Cuối đời ông làm ở viện Hàn lâm, làm tới chức Hiệu thư, tước bá. Người em Mai Chính Nghĩa (hay còn gọi là Mai Trọng Tương) đỗ tiến sỹ năm 1736, làm quan tới chức Hàn lâm Hiệu lý. Hiện nay, ở thôn Cao Lãm còn lưu giữ nhà thờ hai vị tiến sỹ họ Mai và nhà thờ cụ Nguyễn Duy Đôn. Trong mỗi nhà thờ, còn đầy đủ hoành phi câu đối cổ. Riêng nhà thờ tiến sỹ Mai Chính Nghĩa còn giữ được tấm bảng vinh quy từ thời vua Lê Ý Tông với chữ đại tự sơn son thiếp vàng: "Tam giáp Tiến sỹ". Họ Mai còn lưu giữ được đạo sắc phong từ thời Lê, phong tặng cho cha mẹ hai vị tiến sỹ này vì đã có công nuôi dạy hai con trở thành "Lưỡng tử đăng khoa đệ tiến sỹ" (nghĩa là hai người con cùng đỗ tiến sỹ). Chỉ tiếc rằng người phụ nữ có tên Huệ Lâm lại không được nhắc đến trong sử sách cũng như những bảng sắc phong. Bà chỉ xuất hiện trong gia phả họ Tây Nguyễn và những câu chuyện truyền lại của dân làng mà thôi. Tuy nhiên như phân tích ở trên, vai trò của người phụ nữ này rất quan trọng trong việc phát triển hệ thống giáo dục khoa cử ở thôn Cao Lãm sau này.
Cụ Mai Xuân Hội (hậu duệ của hai tiến sỹ Mai Danh Tông, Mai Chính Nghĩa) cho biết thêm: "Thời đó làng Cao Lãm dân cư không nhiều, số dân chỉ khoảng vài trăm người. Thế nhưng chỉ trong vòng hơn 200 năm, làng đã có gần 100 người đỗ đạt từ đại khoa, trung khoa cho tới tiểu khoa. Đó là chưa kể những người đỗ sinh đồ, ấm tử... chưa hợp cách xuất chính nên ở làng dạy học hoặc lo việc làng. Đối với ngôi làng nhỏ như thế này thì đây có thể coi là một thành tích không phải làng nào cũng làm được". Hiện nay danh sách những vị đỗ khoa bảng của làng đều được ghi chép trên tấm bia lớn đặt trong khuôn viên đình Cao Lãm. Tấm bia này do bà Lợi Quyền, một người giàu có trong làng thuê người sưu tầm danh sách 99 vị đỗ khoa bảng và khắc tên từng người một lên đó. Tấm bia được khắc những năm đầu thế kỷ XX và hiện đã được thay bằng một tấm bia khác. Theo danh sách ghi trên tấm bia đó thì làng Cao Lãm có 3 tiến sỹ, 89 cử nhân và 7 tú tài. Tổng cộng là 99 người. Việc tạm thống kê được 99 vị khoa bảng khiến nhiều người coi là khá kỳ lạ. Tuy nhiên theo tài liệu của làng để lại thì danh sách này chỉ tính từ đời Lê Trung Hưng đến đời vua Quang Trung mà thôi. Do tinh thần bất hợp tác với nhà Nguyễn sau này nên đa phần người làng không ra làm quan, hiện tại chưa xác định được số người đỗ đạt dưới triều đại này. Các tài liệu của làng còn lại đến ngày nay cũng không ghi lại cụ thể.
Phạm Thiệu