“Kiến trúc lạ” là một sứ quán
Thấy chúng tôi vòng qua vòng lại ngôi nhà 300 phố Kim Mã, bà Nguyễn Thị Lành - người bán nước ngay cổng trái của khu nhà - đã đoán ngay ý: “Định tìm ma hả? Mà có đâu mà tìm, chỉ tại một số kẻ tò mò quá mức rồi đồn thổi nên giờ ngôi nhà mới mang tiếng”.
“Tôi bán nước ở đây hai chục năm nay nên tôi biết, đây là sứ quán nước ngoài đã chuyển đi, khu đất đang chờ chuyển mục đích sử dụng, chứ đâu phải vì ma cọp nào”.
> Kỳ 1: Những 'ngôi nhà ma' giữa lòng Hà Nội
Tòa nhà 300 Kim Mã bỏ hoang, nên trở thành tụ điểm của tệ nạn. Trong ảnh là một bơm kim tiêm bị vứt lại.
Chúng tôi thắc mắc: “Vậy sao có người từng nhìn thấy bóng trắng, rồi cả những tiếng kêu lạ về sáng. Rồi chuyện chiếc bàn tự xoay thì sao hả cụ?”. Nghe chuyện, người đàn ông chạy xe ôm gần đó thêm vào: “Do ít người lui tới, nên bọn mèo hoang kéo tới kiếm ăn rồi đánh nhau kêu ngao ngao, chứ tiếng la hét gì. Còn chiếc ghế xoay, cứ hỏi ông bảo vệ thì rõ”.
Dứt lời, ông chỉ tay về phía người đàn ông đang đi lại trong khuôn viên và chỉ tôi ra hỏi. Tôi đến thì được người bảo vệ cho hay, ông tên là Nguyễn Văn Trung. Ông cho biết: “Ngôi nhà này trước đây là trụ sở của Đại sứ quán Bulgaria, nhưng nay họ đã chuyển đến số 5 phố Vạn Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội), nên bỏ không từ đó đến nay.
Vì đây là đất của Bộ Ngoại giao nên mọi hoạt động ra vào tòa nhà đều kiểm soát chặt chẽ, ít người lui tới. Có lẽ vì nhìn tòa nhà cũ kỹ như nhà hoang, nên người ta mới đồn thổi như thế. Có chăng thì chỉ có bọn ma nghiện ngập đến dùng thuốc rồi bỏ lại cả kim tiêm ở đây thôi”.
Vừa nói, ông Trung vừa chỉ tay về phía những bơm kim tiêm còn mới nguyên “đậu” gần song cửa.
> Kỳ 2: Những 'ngôi nhà ma' giữa lòng Hà Nội
Bà Nguyễn Thị Lành - chủ hàng nước - bức xúc khi người ta đồn đại ngôi nhà 300 Kim Mã có ma. |
Ông Nguyễn Thành Công - phó chủ tịch UBND phường Kim Mã, phụ trách về địa chính trong khu vực - cũng khẳng định: Nhà 300 Kim Mã là trụ sở Đại sứ quán của Bulgaria, được xây từ năm 1982 trên khu đất rộng 3.200m2. Nhưng đến năm 1991, sứ quán này chuyển đi nơi khác và khu nhà không được sử dụng từ đó đến nay.
Không có lời nguyền như tin đồn
Những lời đồn đoán chỉ để thỏa mãn trí tò mò hay vì mục đích trục lợi, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những “sóng gió” cho ngôi nhà 138 Hàng Trống khi bị gắn một “lời nguyền” khó giải suốt gần chục năm qua. Xin được nói thêm, những diễn biến của ngôi nhà cùng những sự vật hiện hữu tại đó trước khi bị phá dỡ là hết sức bình thường. Tuy nhiên, do ngôi nhà đã được bán, đã sang tay nhiều chủ và cuối cùng thì thuộc về ông chủ kinh doanh khách sạn như hiện nay.
Còn về tin đồn “do lời nguyền nên ngôi nhà sau khi phá dỡ phải sau 6 năm sau mới được xây dựng” chỉ bởi do tình hình bất động sản xuống giá, chứ không hề do ma ám hay oan hồn (?!).
Ông Nguyễn Văn Ba - một người bán hàng trên phố Hàng Trống - bức xúc khi chúng tôi nói có thông tin “ngôi nhà 138 bị ma ám?”. “Toàn đồn đại linh tinh, làm ảnh hưởng đời sống của người dân chúng tôi. Làm gì có tiếng hờ khóc nào chứ, toàn tiếng mèo động dục chứ ma gì.
Tôi nhớ mấy năm trước, nhà có con mèo to. Một tối gọi không thấy nó đâu, tôi sục đi tìm thì nghe nó gầm gừ, ra là nó rình ăn và đánh nhau với một con khác ngay trên nóc số nhà 138. Sáng ra thì đã thấy mấy người la cà quán nước đồn thổi là có tiếng rên của ma. Thật là vô lý”.
Còn tiếp
Theo Lao động