Việc tập trung xây dựng đơn vị lưu động UMDC, Tỉnh trưởng Một On, một lần nữa chứng minh chủ trương nâng cấp hệ thống đao phủ, bộ máy giết chóc để khủng bố nhân dân một cách phổ biến hơn, công khai hơn. Và điển hình là vụ thảm sát hơn 286 người tại ấp Cầu Hòa, xã Phong Nẫm.
Sự thật đằng sau đội lưu động bảo vệ công giáo
Cách mạng tháng 8/1945 thành công thúc đẩy phong trào nổi dậy giành tự do dân tộc bùng phát mạnh mẽ khắp ba miền, trong đó, phong trào Nam kỳ là sôi sục nhất. Chính điều này làm cho giặc Pháp điên cuồng tìm cách đàn áp. Để đè bẹp phong trào đấu tranh của nhân dân, chúng dùng những tướng tá người Việt thông thuộc địa bàn các tỉnh Nam kỳ len lỏi, lùng sục, đánh hơi Việt Minh được nhân dân đùm bọc.
Với bề dày tội ác với nhân dân Bến Tre, Leon Leroy được thực dân Pháp tin tưởng giao cho nhiều nhiệm vụ và chức vụ đủ lớn nhằm dập tắt mối liên hệ, nuôi giấu của người dân với Việt Minh. Sau khi giữ chức Tỉnh trưởng Bến Tre, Leon Leroy nhanh chóng huấn luyện một đội quân để săn lùng Việt Minh đang trà trộn trong những bưng biền của xứ dừa. Nhận thấy, cần phải nhanh chóng tăng cường thêm những đơn vị quân sự chuyên biệt làm vũ khí hữu hiệu trong việc đè bẹp ý chí chiến đấu của người dân Nam Bộ, đội lưu động UMDC tiếp tục được chú ý phát triển mạnh về quân số.
Thông tin về đội quân đặc biệt trên, ông Phạm Hoàng Em, Quản lý khu di tích Cầu Hòa, xã Phong Nẫm cho biết: "Lúc đó tôi còn nhỏ nên cũng không biết, không hiểu sự thành lập và chức năng về đội quân này. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn được người lớn nói về sự ác ôn của nó. Vì sự dã man, tàn bạo của nó nên thời trước, người dân nơi đây không gọi chúng là UMDC mà gọi là đội quân Uống máu dân chúng".
Ghi nhận trong nhiều tài liệu lịch sử địa phương, UMDC là một lực lượng quân sự do chính Leon Leroy tuyển mộ, xây dựng với tên gọi Đội lưu động bảo vệ Công giáo (UMDC: Viết tắt từ Umté Mobile Defense Chrétien).
Với danh nghĩa bảo vệ Công giáo, các đơn vị UMDC hoạt động cơ động, rộng khắp theo hình thức của những đơn vị cảnh sát, công an bây giờ. Nhận thấy đây là thứ vũ khí gần gũi và dễ dàng sử dụng nên chỉ tính đến tháng 6/1947, Một On đã tổ chức được 6 đại đội quân UMDC và đến năm 1949, hắn đã có trong tay 3 tiểu đoàn. Sau khi lên nắm quyền Tỉnh trưởng kiêm Chỉ huy trưởng Tiểu khu Bến Tre, Leon Leroy cũng đưa các tiểu đoàn UMDC về làm lực lượng cơ động cho tiểu khu.
Bia Căm thù ghi dấu vụ thảm sát tại ấp Cầu Hòa, xã Phong Nẫm.
Với tên gọi đầy nhân văn nhưng trên thực tế, UMDC không khác nhiều so với Hắc y đảng trước đó, mục đích của chúng vẫn là tiêu diệt cán bộ Việt Minh, các phong trào đấu tranh, cơ sở cách mạng. Với khả năng cơ động, được trang bị hỏa lực, UMDC tiến hành những cuộc càn quét, khủng bố bắn giết bất kỳ những người nào chúng nghi là Việt Minh.
Sự tàn nhẫn, dã man của đội quân Uống máu dân chúng đã thật sự trút bỏ bức màn bí mật được che đậy bằng bóng đêm của Hắc y đảng. Theo tin của bọn tay sai, gián điệp, UMDC có thể được huy động với lực lượng lớn, hỏa lực mạnh tấn công vào làng ấp, tàn sát nhân dân. Khủng khiếp hơn, sau khi tàn sát chúng thực hiện chiến lược "Đốt sạch, giết sạch, phá sạch" với âm mưu triệt tiêu đường sống của những người may mắn thoát nạn.
Hơn thế, sự lớn mạnh của những tiểu đoàn UMDC về quân số trong một thời gian ngắn như trên, Leroy đã thực hiện những chính sách vơ vét triệt để mồ hôi nước mắt thậm chí xương máu của nhân dân Bến Tre. Tỉnh trưởng Leroy tích cực đặt những thứ thuế mới, ra sức bóc lột dân cày, tiểu thương một cách khốc liệt. Tài liệu xưa, cũng như nhiều bậc cao niên nơi đây khẳng định: Mỗi lần thu thuế, Một On đều dẫn đám Uống máu dân chúng đến thu, chúng vơ vét hết thóc gạo và đánh đập dân cày như nô lệ.
Kinh hoàng vụ thảm sát 286 mạng người
Để có vị trí, chỗ đứng cho đời binh nghiệp, Leon Leroy liên tục đánh đổi bằng máu của nhân dân Nam Bộ, đặc biệt là nhân dân Bến Tre. Những tội ác chất chồng từ chính sách, chủ trương ác ôn hóa chiến tranh của hắn đã đi vào lịch sử với một loạt các sự kiện kinh hoàng.
Thông tin về những tội ác của tên Tây lai Leroy, ông Nguyễn Hùng, Phó Trưởng ban Quản lý di tích tỉnh Bến Tre nhận định: "Tội ác của Một On đã chất chồng trong những tài liệu lịch sử của địa phương. Sự ác ôn, tàn bạo của hắn nhiều đến nỗi, khi biên soạn và đưa vào các tài liệu lịch sử, chúng tôi cũng chỉ lựa chọn những tội ác điển hình nhất...". Theo ông, những tội ác điển hình của Leon bao gồm những vụ thảm sát nhân dân Bến Tre, Mỹ Tho, Gò Công, Tân An, Vĩnh Long... Tuy nhiên, điển hình hơn cả, kinh khiếp hơn cả là vụ thảm sát 286 người tại ấp Cầu Hòa.
Ghi nhận trong những tài liệu lịch sử địa phương, chỉ trong khoảng hai năm, từ năm 1946 đến năm 1947, Leon đã tổ chức hơn năm cuộc giết chóc kinh hoàng, trong đó có vụ thảm sát Cầu Hòa. Đầu tiên, sau khi nắm chút binh quyền và được Pháp tin tưởng giao nhiệm vụ tiêu diệt, chia cắt cán bộ Việt Minh, Leon thực hiện buổi giết chóc tại cù lao Lá (Phú Long) vào ngày 9/1946, với hàng chục người dân bị giết, thiêu rụi nhiều nhà cửa, ruộng đồng.
Ngày 6/1/1947, Một On tiếp tục vây bắt 62 người dân vô tội thuộc ấp Bình Thạnh nay thuộc xã Thạnh Trị và cho quân dẫn ra vàm Bà Khoai bắn rồi vứt toàn bộ xác xuống sông. Trong lần thảm sát này, chỉ có hai người may mắn chạy thoát. Nửa tháng sau, hơn 14 người dân ấp Bình Huề lại bị chặt đầu, bỏ vào giỏ cần xé đem treo trên cột cờ chợ Bình Đại. Ngày 5/5/1947, chúng tiếp tục ruồng bố Giuồng Kiến giết hơn 23 người và đốt trụi 150 ngôi nhà, cướp toàn bộ tài sản trong ấp.
Tuy nhiên, những con số trên sẽ trở nên vô cùng bé nhỏ khi đem so với cuộc thảm sát kinh hoàng diễn ra vào ngày 10/1/1947. Theo bảng thông tin của Khu di tích thảm sát Cầu Hòa, đã có 286 người thiệt mạng với những cái chết thương tâm nhất. Đây được nhận định là cuộc thảm sát có quy mô lớn nhất và độc ác nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở miền Nam.
Theo lời kể của những nhân chứng cũng như ban quản lý Khu di tích, ngày 10/1/1947, Leon Leroy trực tiếp chỉ huy hai trung đội lính lê dương theo An Hóa xuôi dòng Chẹt Sậy bất ngờ đổ ập lên ấp Cầu Hòa, ấp Nhì nay thuộc xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm với mục đích tìm diệt Việt Minh. Chúng đổ quân tại Vàm Hàm rồi chia làm hai cánh thọc sâu vào ấp Cầu Hòa và ấp Kinh. Tại đây, sau khi tiến sâu vào ấp, hung tàn, manh động lùng sục mọi ngõ ngách, mọi gốc dừa vẫn không phát hiện một mống Việt Minh chúng đã tàn nhẫn thực hiện chủ trương giết sạch, đốt sạch, phá sạch, phủ màu chết chóc khắp làng ấp.
Tại đây, Leon Leroy lệnh thảm sát tất cả những ai chúng tìm thấy, bất kể dân thường hay Việt Minh. Lệnh ban xuống, đã nghe lẫn trong tiếng lá dừa reo những thanh âm chát chúa của súng đạn, lưỡi lê. Rồi tiếng thét, tiếng kêu la kinh hãi, hốt hoảng, tiếng kêu cứu, tiếng khóc và cả tiếng vật nuôi giãy chết, vang dậy khắp một góc trời. Chẳng mấy chốc, người ta thấy thây người chất lên nhau dày đặc dưới mặt đất, gốc dừa, bờ ruộng, trước ngõ, ngoài sân, trong nhà. Cuối cùng, khi tiếng thét, tiếng kêu hãi hùng hòa cùng tiếng súng im bặt, người ta lại thấy lửa bùng lên, phừng phừng thiêu rụi nhà cửa, dậy mùi khét của thịt người cháy...
Ký ức đau thương
Sau cùng, khi lũ hung tàn rời đi, dân Phong Nẫm thấy một vài em nhỏ lấm khói bụi, mặt tím tái vì khiếp hãi. Đâu đó những người cha, người mẹ, ông bà, anh chị ngồi rũ, thất thần bên những cái xác còn đang loang máu đỏ. Và người ta đếm được hơn 286 cái xác, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Những cái xác nát như bươm vì đạn rỉa, rách toạc ngực, bụng vì lưỡi lê, đầu dập nát vì báng súng, xác trẻ em bị xé toạc làm hai, cháy xém khét lẹt. Xác vật nuôi chết la liệt, vương vãi lẫn trong xác người.
Mùi máu tanh, mùi thịt người cháy sém gây gây dậy khắp một vùng lẫn trong khung cảnh tiêu điều chết chóc, hoang tàn. Khi ấy, nỗi khiếp đảm, hãi hùng bất ngờ trước sự tàn độc dã man của địch như nhát búa bổ vào trí não, tinh thần những người may mắn sống sót. Họ không thể hiểu, không dám tin và không biết chuyện gì đã xảy ra nhưng những ký ức kinh hoàng đó đã theo họ suốt kiếp như một vết thương mãi không thể kéo da non. Và giờ đây nhớ lại, họ vẫn khóc, khóc vì khiếp hãi, thương tâm và đau đớn bởi cho một ngày phải chôn hàng loạt người thân trong những ngôi mộ chung khổng lồ.
Hà Nguyễn - Ngọc Lài