Từng là cung điện lớn nhất thế giới?
Sử sách ghi cung A Phòng, hay còn gọi là cung A Bàng là một cung điện do Tần Thủy Hoàng xây làm nơi nghỉ mát mùa hè, thuộc địa phận thành Tây An, bên bờ sông Vi, cách trung tâm thành phố Tây An (tỉnh Thiểm Tây) ngày nay khoảng 13km về phía Tây.
Cung A Phòng được xây dựng vào năm Thủy Hoàng thứ 35, tức năm 212 sau Công Nguyên tại khu lâm uyển (khu rừng dành riêng cho vua chúa đi săn) nằm ở bờ nam sông Vị Hà. Vị trí của cung A Phòng, theo phỏng đoán, nằm ở vị trí cách trung tâm thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc 30km về phía tây, đối diện với kinh đô Hàm Dương của nhà Tần qua sông Vị Hà.
Công trình cung A Phòng vô cùng quy mô, khi Tần Thủy Hoàng còn sống chỉ xây xong một tòa tiền điện (phần cung điện phía trước). Sách “Sử ký” phần “Tần Thủy Hoàng bản kỷ” có chép, chỉ riêng phần tiền điện này của cung A Phòng đã có diện tích vô cùng lớn: “Chiều từ đông sang tây của phần điện phía trước cung A Phòng dài 500 bộ (hơn 800 mét), chiều nam bắc dài 50 trượng (hơn 150 mét), phía trên có thể ngồi được hàng chục ngàn người, phía dưới có thể dựng được cột cờ 5 trượng”.
Tính theo các đơn vị đo lường ngày nay thì diện tích của cung A Phòng vào khoảng 80 ngàn mét vuông, có thể chứa hàng chục ngàn người. Ngoài ra, theo những mô tả khác thì cung A Phòng có tới hơn 70 cung thất lớn nhỏ khác nhau, trong một ngày mà thời tiết ở các cung thất, điện đài không nơi nào giống với nơi nào.
Hiện tại, ở thị trấn Tam Kiều, ngoại ô phía Tây thành Tây An vẫn còn lưu giữ di chỉ cung A Phòng với diện tích lên tới 60 ngàn mét vuông. Điều đó đủ chứng minh rằng cung A Phòng được Tần Thủy Hoàng thiết kế và xây dựng có quy mô lớn tới mức nào. Nếu theo mô tả này thì cung A Phòng từng là cung điện lớn nhất trong lịch sử kiến trúc thế giới. Tuy nhiên, tòa cung điện nguy nga tráng lệ này sau đó đã bị thiêu rụi.
Nỗi oan của Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ
Lâu nay, từ chính sử cho tới dã sử, người ta đều nói rằng người đã ra lệnh đốt tòa cung điện nguy nga bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc này không ai khác chính là Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ. Chuyện kể rằng, trong khi Hạng Vũ kịch chiến với Chương Hàm - tướng của nhà Tần - thì Lưu Bang theo đường thẳng tiến về phía Tây, không đụng độ với cánh quân nào đáng kể của Tần, vì thế đã tiến vào Quan Trung trước.
Vua Tần là Tử Anh ra hàng. Lưu Bang vào được Quan Trung, chiếm Hàm Dương trước nhưng chưa dám làm gì. Khi đó, Hạng Vũ có 40 vạn quân, từ Tân An đi, muốn đánh chiếm đất Quan Trung nhưng cửa Hàm Dương có binh giữ cửa ải nên không vào đuợc. Nghe tin Lưu Bang đã vào Hàm Dương trước, Hạng Vũ nổi giận, sai Anh Bố đánh cửa ải. Quân Lưu Bang không chống nổi, phải rút lui. Hạng Vũ bèn vào đến phía Tây sông Hí Thủy.
Hôm sau, Hạng Vũ bày yến mời Lưu Bang ở Hồng Môn, theo mưu kế của mưu sĩ Phạm Tăng, định lợi dụng để giết Lưu Bang, trừ hậu hoạ về sau. Trên bữa tiệc, Phạm Tăng đã mấy lần định giết Lưu Bang nhưng do Hạng Vũ thấy thái độ của Lưu Bang quá khép nép, tin rằng Lưu Bang không có ý tranh giành với mình nên không quyết. Cuối cùng, Hạng Vũ đã tha cho quân của Lưu Bang rút khỏi Hàm Dương về Bái Thượng. Người ta thường nói đây là một trong những sai lầm lớn nhất của Hạng Vũ dẫn tới thất bại thê thảm của ông sau này. Tuy nhiên, đó là một câu chuyện khác.
Sau khi quân của Lưu Bang rút lui, Hạng Vũ dẫn 40 vạn quân ồ ạt tiến vào Hàm Dương, làm cỏ toàn bộ kinh đô của nước Tần. Không hề ôn hòa như Lưu Bang, Hạng Vũ dường như muốn chứng minh sự bạo liệt của mình không hề kém gì Tần Thủy Hoàng khi xưa. Ông ra lệnh xử tử vua Tử Anh của Tần vốn đã đầu hàng, ra lệnh cho quân lính vơ vét toàn bộ vàng bạc, châu báu cũng như mỹ nữ trong cung nhà Tần, đóng xe chuẩn bị chở về Giang Đông. Tiếp đó, Hạng Vũ ra lệnh châm lửa đốt toàn bộ cung điện, lăng tẩm của nhà Tần, bao gồm cả cung A Phòng.
Sử chép, lửa cháy suốt ba tháng ròng rã mà vẫn chưa thôi. Ngoài ra, cũng có người nói rằng sở dĩ Hạng Vũ ra lệnh đốt sạch cung điện nhà Tần là vì khi đó, ông nghe tin người thiếp yêu của mình là nàng Ngu Cơ bị bắt. Trong lúc đang ở nơi chiến tuyến xa xôi lại nhận được tin dữ, Hạng Vũ đã vô cùng tức giận nên mới ra lệnh đốt sạch cung điện nhà Tần để “hạ hỏa”.
“Sử ký” của Tư Mã Thiên chép về sự kiện này như sau: “Hạng Vũ dẫn quân về phía Tây, thảm sát thành Hàm Dương, giết chết Tử Anh đã đầu hàng, đốt toàn bộ cung thất nhà Tần, lửa cháy ba tháng không tắt”.
Tuy nhiên, những ghi chép từ sử sách cũng như những phát hiện mới được công bố lại chứng minh rằng, từ trước tới sau, Sở Bá Vương Hạng Vũ không hề động tới cung A Phòng chứ đừng nói là thiêu rụi tòa cung điện nguy nga, tráng lệ này.
Cung A Phòng xây dựng chưa xong
Sử ký (Tư Mã Thiên) chép rằng vào năm thứ 35 triều Tần, Thủy Hoàng cho xây tiền điện cung A Phòng, nhưng hai năm sau đó ông đã mất, tất cả thợ làm cung bị điều đi xây lăng mộ.
Tháng 4/209 trước Công nguyên, vua kế nghiệp Tần Nhị Thế lệnh tiếp tục xây công trình bỏ dở. Tháng 7 năm ấy, nông dân khởi nghĩa, xã hội ngày càng rối loạn. Cuối năm sau (208 trước Công nguyên), các đại thần trụ cột kiến nghị đình chỉ xây cung A Phòng, bị vua tức giận hạ ngục. Nhưng rồi chỉ một năm sau, Tần Nhị Thế đã tự sát. Công trình quy mô lớn mới chỉ xây dựng trong năm năm, chắc chắn là dang dở, thậm chí còn có thể là chưa xong phần nền, móng. Sách Hán thư (Ban Cố) xác nhận: Tần Nhị Thế ‘xây tiếp cung A Phòng, chưa xong thì nhà Tần diệt vong”.
Từ tháng 10/2002 đến tháng 12/2003, các nhà khảo cổ học đến địa điểm xác định là nhà Tần chọn xây cung A Phòng, đào nhiều hố thám sát trên mặt bằng tới 200.000m2, trong đó hố khai quật chính rộng tới 1.000m2. Đào tới tận tầng sinh thổ , chỉ tìm thấy một khối lượng không nhiều những mảnh vỡ hiện vật gỗ, đồng thuộc thời Hán, không thấy tầng văn hóa thuộc đời Tần. Tài liệu khảo cổ chứng tỏ cung A Phòng quả thật mới chỉ xây dựng bước đầu.
Các nhà khảo cổ cũng tuyệt nhiên không phát hiện dấu vết gì khả dĩ nghĩ đến cung A Phòng từng có lửa cháy. Trong khi đó, khi khai quật cung Hàm Dương ở kinh đô nhà Tần xưa, thấy rõ dấu vết hiện vật, nền đất từng bị cháy vào hai nghìn năm trước. Bằng chứng này phù hợp các tài liệu thư tịch.
Thực tế, nếu như đọc kỹ “Sử ký” sẽ thấy rằng Tư Mã Thiên không hề nói rằng Hạng Vũ đã đốt cung A Phòng. Trong tác phẩm kinh điển của mình, Tư Mã Thiên chỉ nói, Hạng Vũ sau khi vào thành Hàm Dương giết chết Tử Anh, đã “đốt cung điện nhà Tần, lửa cháy ba tháng mới tắt”. Như vậy, chính những ghi chép trong “Sử ký” lại trở thành một chứng cứ minh chứng cho kết luận của các nhà khảo cổ. Bởi vì, “Sử ký” chỉ nói, Hạng Vũ vào Hàm Dương và đốt cung thất, kiến trúc của triều Tần, nghĩa là đốt các cung điện ở Hàm Dương.
Trong khi đó, cung A Phòng như đã nói được xây dựng ở bờ phía Bắc sông Vị, nằm bên ngoài thành Hàm Dương. Nói cách khác, nếu như Hạng Vũ có đốt thì chính là đốt cung điện, kiến trúc của nhà Tần ở Hàm Dương chứ không phải đốt cung A Phòng. Sau này, khi cung A Phòng đã mất, người đời sau căn cứ vào ghi chép của “Sử ký” nói rằng Hạng Vũ đốt cung điện nhà Tần nên cho rằng, cung A Phòng cũng là do Hạng Vũ đốt.
Tới nay, chưa tìm thấy bất cứ tài liệu nào nhắc đến việc cung A Phòng bị cháy. Hóa ra câu chuyện cung A Phòng một thời nguy nga, sau bị lửa đốt cháy rực trời, rốt cuộc chỉ là lời đồn đại dân gian.
Video: Hạng Vũ đánh Lưu Bang.
Quốc Tiệp