“Muốn tự nguyện hiến tạng, 17 triệu đồng nộp ra”?
Thông tin từ trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho hay, thời gian gần đây, phía Trung tâm thường xuyên nhận được các cuộc gọi hỏi về việc đăng ký hiến tạng có mất phí hay không? Trước những câu hỏi đó, phía Trung tâm thông tin:
Thứ nhất, việc đăng ký hiến: Người đăng ký chỉ cần điền theo mẫu đơn có sẵn, ký vào đơn, kèm bản photo chứng minh nhân dân, 1 ảnh thẻ… và nhận thẻ đăng ký hiến. Hoạt động này hoàn miễn phí.
Thứ hai, việc hiến tạng, trong đó, hiến mô/tạng/xác khi chết và chết não thì toàn bộ các chi phí xét nghiệm trước lúc lấy tạng đều do cơ sở y tế chịu trách nhiệm. Thông tư 104 của bộ Tài chính về vấn đề này cũng đã quy định người hiến sẽ được chi trả tiền mai táng sau đó.
Với việc hiến tạng khi đang sống, đây là việc ngành Y tế không khuyến khích và chính là mấu chốt dẫn tới những hiểu lầm liên quan đến câu chuyện phải đóng 17 triệu tiền xét nghiệm dù tình nguyện hiến.
"Câu chuyện trả tiền xét nghiệm chỉ xảy ra khi việc hiến tạng là của một người đang còn sống cho người khác. Ngành Y tế không khuyến khích việc hiến tạng từ người sống. Trên thực tế, việc hiến tặng 1 quả thận, 1 phần gan, 1 phần phổi… của 1 người khi còn sống thường là dành cho người ruột thịt trong gia đình. Chúng tôi chưa gặp một trường hợp nào là cha, mẹ hay con cái cho người ruột thịt của mình 1 phần tạng mà lại kêu ca phàn nàn là “vì sao tôi lại phải bỏ tiền ra xét nghiệm cho mình để cứu mẹ tôi, bố tôi, con tôi…”, đại diện Trung tâm nói.
"Tất nhiên, trên thực tế, sẽ vẫn có những trường hợp tình nguyện hiến tặng thận cho người ngoài. Theo quy định của pháp luật hiện hành, những người hiến sẽ phải tự bỏ tiền ra làm các xét nghiệm. Vì sao có quy định này? Vì khi làm luật, những người xây dựng luật cũng dự đoán về các tình huống và đề cập tới việc hạn chế thấp nhất việc trục lợi sự nhân văn của chính sách.
Rất có thể, có người sẽ đăng ký hiến để được làm các xét nghiệm sức khỏe chuyên sâu và sau đó thay đổi không hiến tạng nữa. Nhưng chúng tôi vẫn cho rằng, đây là một điểm chưa thực sự ổn của luật Bảo hiểm y tế liên quan đến vấn đề này", đại diện trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người thông tin.
Theo đó, trong 5 năm qua, Trung tâm đã tiến hành điều phối cho 5 trường hợp tự nguyện hiến tặng thận cho người ngoài. Với những trường hợp này, nếu theo đúng quy định, họ sẽ phải bỏ tiền ra làm hàng loạt các xét nghiệm chuyên sâu rồi mới hiến được thận.
Các thành viên của Trung tâm rất e ngại và đã tìm mọi cách để có nguồn chi trả cho họ. Như vậy, số tiền 17 triệu đồng chúng ta đang nói tới liên quan chính đến nhóm đối tượng này – một con số rất nhỏ nhưng theo quan điểm của Trung tâm, vẫn là nhóm đối tượng cần bàn đến.
Vấn đề đang bị "vướng"
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho hay, phía Trung tâm cũng đã đưa ra nhiều tranh luận về việc đề nghị sửa đổi các chính sách liên quan. Một phương án có vẻ tối ưu nhất được đưa ra để tránh việc trục lợi chính sách đó là, BHYT cần hoàn lại tiền xét nghiệm cho người hiến tạng khi còn sống sau khi đã có chứng nhận hiến tạng hoặc xác nhận của cơ sở y tế rằng, người đó không đủ điều kiện để hiến tạng khi còn sống.
"Tuy nhiên, ý kiến này cũng có người cho rằng sẽ là thiếu “tế nhị” đối với người thực sự có tâm nguyện muốn hiến tặng vô danh, không vụ lợi cho bất kỳ ai, bởi như vậy cũng sẽ vẫn bắt họ phải chi một khoản tiền rồi sau khi hiến mới nhận lại được. Đây thực sự đang là vấn đề chúng tôi thấy “vướng”. Chúng tôi cũng mong chờ những ý kiến đa chiều hơn về vấn đề này để có những đề xuất chính thức đối với phía BHYT và các đơn vị hữu quan.
Tất nhiên, phải nói rõ là, theo luật hiện hành và đặc biệt Thông tư 104 của bộ Tài chính cũng đã nêu rõ, người hiến tạng khi còn sống sẽ được nhận thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trọn đời, được nhận Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”, được khám sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn chuyên môn, nếu nhà ở xa sẽ được hỗ trợ tiền đi lại, tiền ăn, tiền khách sạn… khi đi khám sức khỏe định kỳ", ông Phúc nói.
Nguyễn Huệ