Đâu có ai biết rằng, “đại gia Cầu Vàng” chẳng thương yêu, thân thiết gì với Tiền Giang nên mang cuộc thi HHTG về cù lao sông nước, mà thực chất của việc này là sau khi bị dư luận phản đối dự án "Ngàn sao" tại thành phố Nha Trang, đại gia Hoàng Kiều đã “đùng đùng nổi trận lôi đình” và tuyên bố mang cuộc thi HHTG về tổ chức tại cù lao Thới Sơn cho đã hả cơn giận trong bụng và để Khánh Hòa, Nha Trang “biết thế nào là lễ độ”, bất chấp chuyện cù lao Thới Sơn và cả thành phố Mỹ Tho chẳng có cơ sở vật chất nào để có thể đảm bảo cho cuộc thi tầm cỡ thế giới và sông Tiền thì sóng nước đục ngầu, đầy rác rến nổi lều bều.
Khi đại gia Hoàng Kiều, với sự cho phép nhiệt tình của các cơ quan hữu trách tỉnh Tiền Giang, cho trương lên tấm băng-rôn bằng tiếng Anh mà dịch ra tiếng Việt có nghĩa là "Chào mừng Hoa hậu Thế giới 2010", đời sống của người dân cù lao Thới Sơn bắt đầu chao đảo.
Việc đầu tiên mà đại gia “Cầu Vàng” làm là…phá giá đất đai. Những cán bộ của UBND xã Thới Sơn cho biết, trước khi có thông tin thi Hoa hậu thế giới, giá bán 1 ha đất cù lao ở những vị trí đẹp nhất chưa đến 1 tỉ đồng. Nhưng khi đại gia Hoàng Kiều tuyên bố đất của UBND tỉnh Tiền Giang cấp không thể đủ để xây dựng các công trình phục vụ cuộc thi sắc đẹp tầm cỡ thế giới nên phải bỏ tiền túi mua thêm, giá đất tăng vọt lên 2-3 tỉ đồng/ha.
Nhưng hình như vị đại gia này thấy giá đất như vậy vẫn còn quá hẹp cho người dân, nên đã tự ý tăng giá mua đất lên 9- 10 lần so với giá thị trường, tạo nên một cơn sốt giá giả tạo, khiến người nông dân cù lao Thới Sơn suốt một thời gian dài như sống trên mây vì cứ ngỡ mình sắp thành đại tỉ phú đến nơi.
Tháng 6/2009, đại gia Hoàng Kiều thông qua Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang (nơi gia đình ông Hoàng Kiều đã mua hết cổ phần) đã mua 2,3ha đất của bà Tư Đoàn với cái giá 30 tỉ đồng, gây chấn động cả tỉnh.
Bà Tư Đoàn cho biết, khi đại gia Hoàng Kiều và các quan chức của Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang đi xe hơi đời mới tìm đến hỏi mua đất, bà dự định trong bụng sẽ kêu bán 2 tỉ đồng/ha, nếu họ trả 1 tỉ đồng/ha thì cũng phước đức ông bà để lại. Nhưng bà Tư chưa kịp nói giá thì ông đại gia Hoàng Kiều này đã mạnh miệng ra luôn giá mua.
“Lúc ông đại gia nói muốn mua miếng đất của tui với giá 30 tỉ đồng, tui nghe như đất sụp dưới chân, mặt tái mét không còn giọt máu, người lâng lâng muốn xỉu, đứng không vững phải vin vào cây cột nhà. Từ hồi cha sanh mẹ đẻ tới giờ, tui chưa cầm trong tay tới một tỉ đồng, bây giờ tự nhiên có 30 tỉ đồng, run thiệt là run. Khỏi cần suy nghĩ, tui gật đầu đồng ý bán ngay tức khắc”, bà Tư nhớ lại.
Sau khi bà Tư đồng ý bán đất, đại gia Hoàng Kiều hào phóng đưa trước cho gia đình bà Tư Đoàn 13 tỉ đồng tiền mặt, coi như đó là món tiền đặt cọc.
Sau khi làm giấy tờ sang tên, chuyển quyền sử dụng đất xong, ông Hoàng Kiều hứa là sẽ trả 17 tỉ còn lại trong vòng 5 tháng. Với uy tín của một đại gia có thể điều khiển cả một cuộc thi hoa hậu tầm cỡ thế giới và đang được các quan chức của tỉnh "ưng cái bụng", bà Tư Đoàn không hề nghi ngờ gì về lời hứa này, cho nên dù tiền mua đất trả chưa xong nhưng bà Tư Đoàn vẫn vui vẻ chạy khắp nơi làm thủ tục giấy tờ chuyển nhượng đất cho đại gia Hoàng Kiều và đồng ý để đại gia này đưa nhân công đến xây dựng những công trình phục vụ cuộc thi Hoa hậu Thế giới.
Song song với việc mua đất của bà Tư Đoàn, đại gia Hoàng Kiều còn mua thêm hơn 17 ha đất tại ấp Thới Thuận, xã Thới Sơn (TP Mỹ Tho) để xây dựng khu du lịch sinh thái phục vụ cuộc thi hoa hậu thế giới với giá trên trời, khiến dân cù lao lên cơn sốt tranh nhau bán đất để trở thành đại tỉ phú.
Theo một quan chức Sở VH-TT&DL Tiền Giang, sở dĩ đại gia Hoàng Kiều mạnh tay mua đất với giá trên trời do UBND tỉnh đã phê duyệt dự án “Khu du lịch sinh thái Thới Sơn” do Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang làm chủ đầu tư, nhằm mục đích tổ chức vòng chung kết cuộc thi hoa hậu thế giới vào cuối năm 2010.
Trong lúc đại gia Hoàng Kiều bận rộn với những dự án mua đất xây dựng 500 nhà nghỉ dạng bungalow theo kiến trúc dân dã Nam Bộ nhưng đầy đủ tiện nghi phục vụ thí sinh dự thi và quan khách; nhà hàng gần 1.000 chỗ ngồi cho thực khách và sân khấu lớn phục vụ thi HHTG rộng 5.000 chỗ ngồi; khu mua sắm, triển lãm, spa... thì Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang đã thống nhất xin đăng cai vòng chung kết cuộc thi HHTG theo đề nghị của ông Hoàng Kiều.
UBND tỉnh và đại gia Hoàng Kiều gửi văn bản đề nghị Chính phủ cho tổ chức cuộc thi HHTG tại Tiền Giang, cụ thể là tại khu du lịch sinh thái Thới Sơn, thay vì tổ chức tại tỉnh Khánh Hòa như dự kiến trước đây.
Đến lúc này thì người dân Tiền Giang và ĐBSCL chắc mẩm trong bụng là sẽ được tha hồ chiêm ngưỡng dung nhan và thân hình bốc lửa của những người đẹp chân dài khắp nơi trên thế giới tụ hội về cái cù lao bé bỏng giữa sông Tiền.
Pano quảng cáo dự án bây giờ được dân quây những căn nhà xây dở dang
Khi thấy đại gia Hoàng Kiều cho trồng các loại cây ăn trái đặc sản ĐBSCL, di dời những bè nuôi cá trên sông Tiền để phục vụ những hoạt động có liên quan đến cuộc thi, nhiều người đồn đoán: cuộc thi sẽ có màn người đẹp quốc tế leo cây thi hái trái… như khỉ, người đẹp mặc bikini đi câu cá và tắm sông Tiền, người đẹp phóng mô tô nước dạo quanh cù lao cho người dân trong vùng “rửa mắt”... Người dân Mỹ Tho, Bến Tre và nhiều tỉnh hào hứng thi nhau tuyên bố: dù có chết cũng phải đi xem hoa hậu thế giới một lần, bởi đây là cơ hội ngàn năm có một.
Mấy anh hai lúa ở tận miệt nước mặn rừng đước Cà Mau, Bạc Liêu mỗi ngày đều gọi điện ầm ầm cho người quen ở Mỹ Tho nhờ hỏi dùm giá vé vào cửa xem thi hoa hậu, nhiều ông còn tuyên bố: giá vé vào cửa cuộc thi có đắt đỏ đến mức nào cũng chơi, cho dù có phải xổ hết vuông tôm để bán lấy tiền mua một vé cũng đành lòng, bởi có mấy khi mà được nhìn ngắm hàng trăm người đẹp quốc tế.
Thậm chí nhiều anh hai lúa miệt ruộng còn nói, sẽ sẵn sàng đổi tiền Việt thành tiền đô chi trả để được một lần bắt tay, chụp ảnh chung với một hoa hậu quốc tế chân dài tới nách cho biết mùi người đẹp Tây Tàu nó khác thế nào với bà vợ già hôi bùn, nhiễm phèn chua loét dưới quê.
Dư luận ầm ĩ đến mức, lúc đó ngành giao thông hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre bày tỏ tâm lý lo ngại sẽ xảy ra sự cố “sập cầu Rạch Miễu” nếu hàng trăm ngàn người cùng lúc đổ xô chen lấn lên cầu xem các người đẹp quốc tế chân dài mặc bikini tắm sông, câu cá, lướt mô tô nước.
Nhiều đại gia kinh doanh dụng cụ thể dục thể thao ở Mỹ Tho, Bến Tre còn lên kế hoạch nhập khẩu hàng trăm ngàn chiếc ống nhòm loại xịn, tầm nhìn xa và rõ tới từng sợi tóc để cung cấp cho những người không thể có vé vào xem các hoa hậu biểu diễn trên sông, phải đứng xa xa chiêm ngưỡng.
Trong khi đó hàng ngàn người dân sinh sống ở cù lao Thới Sơn, các cù lao xung quanh và hai bên bờ sông Tiền hăm hở với các dự án đầu tư xây dựng quán ăn, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, bãi giữ xe…với ảo tưởng phen này sẽ tha hồ hốt bạc bể tay nhờ ăn theo cuộc thi sắc đẹp lớn nhất hoàn cầu.
Vỡ tan giấc mộng làm giàu, rửa mắt
Giữa lúc người dân Tiền Giang và các tỉnh ĐBSCL đang sôi sùng sục vì cơ hội kiếm tiền, rửa mắt từ cuộc thi hoa hậu thế giới do đại gia Hoàng Kiều mang đến thì đùng một cái, Văn phòng Chính phủ có công văn số 585/VPCP-KGVX thông báo ý kiến của phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân với nội dung: “Giao cho Bộ VH-TT-DL có công văn trả lời UBND tỉnh Tiền Giang trên cơ sở kết luận của phó thủ tướng tại công văn số 6473/VPCP-KGVX ngày 30-9-2009 đồng ý cho Khánh Hòa đăng cai tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2010”.
Điều này đồng nghĩa với việc cuộc thi HHTG 2010 vẫn được tiến hành theo quyết định trước đây của Văn phòng Chính phủ mà không được tổ chức ở Tiền Giang như đề nghị tha thiết của tỉnh Tiền Giang và Tập đoàn RAAS của đại gia Hoàng Kiều. Thông tin đăng tải công khai trên báo chí khiến đất trời như nổ tung, hàng ngàn người vỡ tan “giấc mộng ăn theo hoa hậu”, ngơ ngác và buồn rười rượi như bị mất sổ gạo.
Đến lúc này thì mọi người mới ngã ngửa khi báo chí thông tin: các cơ quan hữu trách của tỉnh Tiền Giang chưa cấp giấy phép xây dựng ở một số hạng mục công trình của đại gia Hoàng Kiều tại khu du lịch Thới Sơn 1 nhưng đại gia này vẫn bất chấp tất cả để triển khai rầm rộ xây dựng nhiều hạng mục công trình phục vụ cuộc thi. (Còn tiếp).
* Bài đăng trên chuyên đề báo ĐS&PL.