Cụ thể, vào sáng ngày mùng 6 tháng giêng âm lịch (2/2/2017) rất đông du khách có mặt tại chùa Thiên Trù bao gồm cả người già, phụ nữ, trẻ nhỏ đã gây ra cảnh tượng hết sức xấu xí khi tất cả mọi người đều muốn "nhận" bằng được lộc của chùa - những chiếc vòng ngọc đeo cổ có in hình tượng phật bên trong.
Như thường lệ, cư dân mạng nhanh chóng tìm được "bia" để ném đá, đổ lỗi. Và người bị chỉ trích nhiều nhất sau sự kiện này là thầy Trụ. Người thì nói rằng Thầy không có tâm đức, phát lộc như bố thí, cố tình tạo sân si giữa nơi linh thiêng. Kẻ thì bực tức với nụ cười tươi tắn của Thầy và liên tưởng khung cảnh hỗn loạn tại sân chùa với nạn đói lịch sử năm 1945.
Đó là những hình ảnh, những suy nghĩ được nảy lên trong đầu những người suy nghĩ phiến diện, chỉ biết “soi xét” kẻ khác. Còn với những người có tư duy phản biện, có góc nhìn đa chiều thì chắc chắn họ sẽ tự đặt ra những giả thiết, những câu hỏi như: Nếu những du khách, những phật tử đó chấp hành đúng theo yêu cầu của nhà chùa (không chen lấn xô đẩy, giữ trật tự, tôn nghiêm nơi cửa chùa...) thì sao?
Sự thật là, nếu chịu nhìn nhận sự việc một cách bao quát và khách quan hơn, chúng ta có thể thấy trong đoạn video clip được lan truyền, vị sư thầy đã không phát lộc của chùa bằng cách tung lên trên không ngay từ đầu. Trên thực tế, ngài đã trao chiếc vòng may mắn tới tận tay từng du khách, từng phật tử cho đến khi... dòng người ùn ùn kéo đến để tranh giành (hoặc cướp) lộc Phật.
Như báo chí đã đưa tin, hầu hết những vụ giẫm đạp gây thương vong lớn trên thế giới đều có một điểm chung: Có quá nhiều người tập trung tại một địa điểm cùng lúc. Và điểm “trái khoáy” ở những vụ tai nạn “giẫm đạp” là thương vong không đến từ những lí do khách quan như bị tấn công bởi một thế lực bên ngoài hay từ thiên nhiên. Mà thương vong phần lớn đến từ chính sự hỗn loạn, không kiểm soát của dòng người.
Đặt trong trường hợp cụ thể này, (nói dại) nếu sư thầy cứ “cố chấp”, kiên nhẫn trao lộc cho từng người, thì có lẽ chính sư thầy cũng sẽ bị nhấn chìm giữa biển người khát lòng tin ngày hôm đó. Và đương nhiên, để “cứu lấy mình” thì sư thầy đành phải đánh đổi sự từ tốn vốn có của một con người tu đạo, cũng như chấp nhận đánh mất cả cái nhìn thiện cảm của người đời dành cho mình.
Âu đó cũng là “bản năng sinh tồn” rất tự nhiên của loài người.
Có ai trong chúng ta dám khẳng định rằng mình có thể bình tĩnh, có thể giữ nguyên tác phong từ tốn, chậm rãi, không nao núng trước sự hiểm nguy? Hay khi đứng trước những đe dọa, “bản năng sinh tồn” của mỗi người lại nổi lên đè bẹp thần thái, phong cách và lấn át cả tư tưởng giữ hình tượng?
Vậy nên, sư thầy chẳng có gì đáng trách khi chính ngài cũng là nạn nhân của của một đám người chưa thể buông bỏ được sự tham lam, mông muội và tư duy lười biếng, há miệng chờ sung đã ăn sâu trong họ.
Lỗi, âu cũng tại "lòng thành" mà thôi!
Trương Chi
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả