Những ngày qua, dư luận không khỏi phẫn nộ khi xuất hiện clip ghi lại những hình ảnh tài xế taxi vật lộn để khống chế tên cướp có dao, luôn miệng kêu gọi sự hỗ trợ mà người đàn ông mặc sắc phục cảnh sát có mặt tại hiện trường lại thản nhiên nghe điện thoại như không có chuyện gì.
Được biết, clip ghi lại diễn biến vụ cướp tài sản taxi do Đặng Phạm Sáu (51 tuổi, Thanh Hoá) - đối tượng đang trốn truy nã tội giết người, gây ra. Mặc dù bị đâm trọng thương nhưng anh Nguyễn Trần Minh (tài xế taxi) vẫn quyết tâm khống chế, cùng với quần chúng nhân dân bắt giữ được đối tượng đặc biệt nguy hiểm. Tên cướp bị nạn nhân chống trả, vật lộn dưới đường một lúc thì có một người dân vào hỗ trợ, cùng khống chế.
Đáng nói, người đàn ông trong sắc phục công an xuất hiện cách đó không xa, lại không có động thái hỗ trợ tài xế taxi bắt tên cướp, “mặc kệ” tài xế trong tình huống nguy cấp, liên tục hô: “Giúp em với”.
Phải tới cuối clip, khi một người dân lên tiếng: “Ông công an ơi! Ông chỉ đứng gọi mà không có hiện tượng gì, chả thấy can ngăn gì…”, thì người mặc sắc phục công an mới tiến lại gần, nhưng vẫn gọi điện cho ai đó.
Những hình ảnh trên khi vừa được lan truyền trên mạng xã hội, ngay lập tức khiến cộng đồng mạng phải lên tiếng bất bình. Là người mang trọng trách “vì dân phục vụ” nhưng anh ta đứng trước tình huống nguy hiểm đến tính mạng của dân lại thản nhiên đến vậy... Liệu có xứng đáng?!
Sau khi xác minh, người đàn ông trong clip khiến dư luận bất bình là Đại úy Nguyễn Văn Lâm (SN 1985), cán bộ Công an xã Cự Khê, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an TP.Hà Nội, Trưởng Công an huyện Thanh Oai đã có quyết định kỷ luật cảnh cáo và điều chuyển Đại úy Nguyễn Văn Lâm về Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp công an huyện.
Nhìn ở góc độ tình người, một người dân bình thường, khi chứng kiến mối nguy hiểm đe dọa đến tính mạng người khác mà không có ý thức, hành động tương trợ, đã là một sự ích kỷ đáng trách. Theo lẽ thường, dù có là một người dân yếu ớt, tay không tấc sắt hay thậm chí là một người phụ nữ “liễu yếu đào tơ”, gặp một tình huống tương tự, chí ít cũng có thể hô hoán để tìm sự giúp đỡ của mọi người xung quanh.
Theo Điều 132 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào thấy người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, bản thân có điều kiện giúp đỡ nhưng không cứu giúp dẫn đến nạn nhân thiệt mạng, người không cứu giúp trong tình huống này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự...
Nhưng ở trường hợp này là sự vô trách nhiệm trước tính mạng người dân, thấy tội phạm không truy bắt của một chiến sĩ đứng trong hàng ngũ lực lượng vũ trang. Cán bộ chiến sĩ công an là những người bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân, sẵn sàng hy sinh tính mạng của bản thân mình. Nhưng anh ta đã làm gì khi người dân đang kêu cứu?
Nhiệm vụ của người công an nhân dân được quy định rõ, trong tình huống này, Đại úy công an phải có trách nhiệm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền lợi, tính mạng người dân. Người dân đứng trước nguy hiểm phải tự mình vật lộn, tìm đường sống... người “khoác áo mang danh” chiến sĩ công an chưa thể làm tròn trọng trách?
Thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm của Đại úy công an này hoàn toàn không xứng đáng đứng trong đội ngũ của ngành.
Cho dù cấp trên có “nương tay”, không cho ra khỏi ngành, người này cũng nên biết xấu hổ, tích cực rèn luyện bản thân để danh xứng với thực.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!
Duyên Lê