Khi lớn lên, cũng không có chút chí hướng nào, thường vác kiếm lang thang khắp nơi lại càng bị cười chê. Tuy nhiên, Đình trưởng Nam Xương Đình lại thấy ở Tín có tướng mạo đường hoàng, không phải hạng phàm phu tục tử, nên đã mời về nhà làm môn khách. Tuy nhiên, Tín sớm đắc tội với Đình trưởng phu nhân nên phải bỏ đi.
Trước khi rời khỏi nhà Đình trưởng, Tín mới nhớ lại một việc. Ây là một hôm nhà Đình trưởng có mời một lão tiên sinh râu dài như cước, mặt mũi hồng hào giống như một cao nhân đắc đạo. Đình trưởng và vị cao nhân uống trà rồi cùng nhau lên núi, Tín mới tò mò bám theo.
Đình trưởng và ông lão đi vòng qua mấy ngọn núi, nơi này thì nhìn ngó tìm kiếm, nơi khác lại xem xét, thi thoảng lại dừng lại, đo đo đạc đạc, sau một hồi lại đi. Đột nhiên, hai người dừng lại ở một nơi, chỉ thấy mặt ông lão lộ ra vẻ vui mừng. Hàn Tín mới tiến sát tới trốn ở một bụi rậm cách rất gần 2 người.
Ông lão nói: "Đây thực là một nơi bảo địa phong thủy hiếm gặp! Ta đã xem phong thủy rất nhiều năm, đi khắp Nam Bắc nhưng chưa bao giờ gặp một nơi phong thủy đẹp như nơi đây. Trên đầu của nơi này chính là hồ Hồng Trạch, phía dưới chân thì có rất nhiều ao hồ nhỏ, bên tay trái chính là Ác Kim Hồ, bên tay phải là Nữ Sơn Hồ. Theo phong thủy mà nói thì, nơi sông hồ uốn khúc quay vòng trở lại, đó chính là nơi tích tụ long mạch". Nói rồi ông lão đi về hướng Đông 10 bước, dùng chiếc cọc tre cầm trên tay đóng xuống đất. Tới lúc này, Hàn Tín mới biết rằng, hóa ra hai người này đang xem phong thủy để tìm nơi chôn cất người.
Sau khi rời khỏi nhà Đình trưởng, Hàn Tín trở thành kẻ vô gia cư, nghèo khó, nghĩ lại càng căm ghét nhà Đình trưởng. Nghĩ vậy, Hàn Tín đi theo đường nhỏ chạy lên núi. Đương lúc định nhổ cây cọc lên thì Tín lại nghĩ, đây là nơi có phong thủy đắc địa, chi bằng ta mang phần mộ của nhà ta tới đây, nếu đúng như ông lão phong thủy nói thì gia đình ta rồi cũng có lúc phong hầu bái tướng.
Nghĩ thế, Hàn Tín nhổ cây cọc tre rồi dùng một ký hiệu riêng đánh dấu vào chỗ cây cọc vừa bị rút. Xong, lại đem cây cọc đánh dấu vào một chỗ gần đó có địa hình không khác bao nhiêu.
Hàn Tín sẽ phải đối diện với mức án từ 6 tháng đến 5 năm tù về tội vô ý làm chết người (mẹ ruột) của mình.
Hàn Tín vốn là đứa trẻ không cha, phần mộ tổ tiên thế nào cũng không biết, bèn về nhà hỏi mẹ. Tuy nhiên, bất kể Hàn Tín hỏi thế nào, bà mẹ cũng không chịu nói nửa lời. Hàn Tín đành phải đem chuyện viên Đình trưởng chọn mộ cho mẹ nghe. Lúc này, mẹ của Hàn Tín mới mở hòm lấy ra một thứ, Hàn Tín nhìn theo, hóa ra đó là một bộ da động vật.
Bà mẹ vừa khóc vừa nói: "Khi ta lớn lên, một đêm, trong phòng ta bỗng nhiên xuất hiện một chàng công tử vô cùng tuấn tú. Cứ cách vài hôm chàng lại tới 1 lần nhưng đi không ai biết, đến chẳng ai hay. Chúng ta qua lại với nhau suốt hơn 1 năm nên mới có con. Rồi một đêm, chàng lại tới thú nhận với ta sự thật. Chàng vốn là một con khỉ đã tu luyện hơn nghìn năm, đắc đạo thành tiên, nay lại phạm vào luật trời, bị trừng phạt nên không sống được nữa. Bộ da khỉ là thứ mà chàng để lại".
Hàn Tín nghe xong, chẳng nói chẳng rằng, cầm bộ da khỉ lên núi. Sau khi đào được một cái huyệt lên, Hàn Tín ném bộ da khỉ xuống. Tuy nhiên, khi bộ da khỉ còn chưa rơi xuống tới đáy huyệt thì một cơn gió từ đâu thổi tới, đẩy ngược bộ da lên. Xung quanh không có gió mà Hàn Tín ném đi ném lại mấy lần, thậm chí đè cả đá lên trên thì bộ da vẫn bị đẩy ngược lên. Thấy lạ, Tín mới về gọi mẹ.
Khi gọi mẹ tới, Hàn Tín nói mẹ mình xuống huyệt để đón bộ da khỉ cho mình, đợi khi mình dùng xẻng xúc đất đổ đè lên bộ da xong thì sẽ kéo mẹ lên. Mẹ Hàn Tín nghe theo lời của con trai trèo xuống hố, hai tay nhận bộ da khỉ. Không ngờ khi Hàn Tín chỉ mới xúc được một xẻng đất thì một cơn cuồng phong không biết từ đâu thổi tới, cuốn toàn bộ đất cát mà Hàn Tín đào lên lúc trước lấp xuống huyệt mộ. Mẹ Hàn Tín cũng bị đất đá chôn luôn dưới huyệt.
Hàn Tín sợ quá, chẳng biết làm thế nào, đứng ngây ra một lúc rồi mới vội vã dùng xẻng đào đất lên để cứu mẹ. Thế nhưng, đất bị đào lên tới đâu thì như có phép lạ lại bị hút trở lại tới đó. Hàn Tín biết rằng, mình không thể cứu được mẹ, khóc một trận lớn, khấu đầu lạy ba cái rồi ngậm ngùi trở về nhà.
Về sau, Hàn Tín còn phải chịu nhiều nỗi nhục như chui qua háng tên bán thịt lợn giữa chợ, bị bà già giặt vải cười chê,… đã trở thành những giai thoại trong cuộc đời Hàn Tín. Nhưng từ những nỗi nhục nhằn đó, về sau Tín trở thành một con át chủ bài trong công cuộc khôi phục nhà Hán của Lưu Bang. Sau khi Lưu Bang chết, Lã Hoàng hậu vu cáo Hàn Tín mưu phản rồi ra lệnh giết chết.
Năm bị giết, Hàn Tín mới chỉ 32 tuổi. Người ta đều nói, do Hàn Tín chôn sống mẹ mình để được phong thủy làm tổn thương tới dương thọ vì thế mới chết trẻ như vậy.
Luật nay: Vô ý làm chết người, tội danh đã rõ
Hàn Tín vốn là một danh tướng hàng đầu của nhà Hán, những tích trong dân gian về ông ta thì không ít, những dị bản lại càng nhiều hơn nữa. Chuyện Hàn Tín chôn sống mẹ khiến nhiều người bàng hoàng. Nếu chỉ nghe qua, tưởng là hành động cố ý thì việc làm của con người này quả là "trời không dung, đất không tha", nhưng nếu ngẫm nghĩ, phải chăng đó là sự sắp đặt theo ý trời, cũng là một thứ nhân duyên ở đời. Hơn nữa, kết quả của hành động Hàn Tín làm là hoàn toàn không ngờ trước.
Mẹ Hàn Tín chết, ôm theo bộ da khỉ được xem là cha của ông ta, há chẳng phải là sự sắp đặt của nhân duyên kỳ dị? Hàn vốn mang trong người dòng máu không phải người, không phải thú, cũng chẳng phải tiên, sinh ra và lớn lên trong sự khinh rẻ của người đời vì nỗi con hoang, đến khi tìm được người biết trọng dụng mình thì lại vì những hiềm khích nhỏ mà phải chịu đắng cay.
Xét theo lẽ đời bình thường, chính những đau khổ này phần nào mới chính là nguyên nhân dẫn đến việc có một Hàn Tín anh dũng sau này. Phàm những người đã nếm đủ mật đắng, nếm mật nằm gai mới có thể lao vào nơi hòn tên mũi đạn, mới đủ kinh nghiệm và từng trải để suy tính thiệt hơn, mưu kế dụng binh trơn tru,... Những điều đó có ở Hàn Tín. Chỉ tiếc là, đến khi vinh hiển thì người mẹ đã bao năm cơ cực vì con lại không còn.
Câu chuyện buồn kể trên cũng để lại những tiếng xấu muôn đời cho vị tướng tài này. Người đời ghép ông vào tội "chôn sống mẹ", nhưng biết đâu, điều này lại chính là điều mà mẹ ông mong muốn. Câu chuyện tình yêu giữa người và khỉ tiên vốn đã là một câu chuyện tình lãng mạn, đứa con sinh ra từ mối tình này hẳn cũng không thể là một đứa trẻ bình thường.
Bộ da khỉ bị ném xuống huyệt dăm bận vẫn bị gió đẩy lên mặc dù xung quanh không hề có gió là lý do gián tiếp dẫn đến việc có mặt bà mẹ ở dưới ngôi huyệt đó. Việc gió, lốc cuốn theo đất đá xuống huyệt liệu có phải ý trời? Ngẫm tới chuyện "phu thê nhất huyệt" cũng đâu phải hiếm ở Á Đông. Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài cũng đã từng khiến bao thế hệ phải nhỏ lệ đấy thôi. Sở nguyện của người đàn bà Á Đông xưa bao giờ cũng muốn vẹn nguyên trọn đời với người đàn ông mà mình từng gắn bó, vậy thì ở nơi chín suối, hẳn mẹ Hàn Tín cũng thấy bằng lòng, cớ gì mà còn oán trách con trai như người đời nhiều khi lầm tưởng?
Dù đúng, dù sai thì kết quả sau cùng việc làm của Hàn Tín cũng dẫn đến cái chết của người mẹ. Nếu áp dụng những tình tiết của câu chuyện vào luật nay thì Hàn Tín sẽ bị khép vào tội vô ý làm chết người. Theo khoản 1 Điều 98 Bộ luật Hình sự nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định về tội vô ý làm chết người thì "Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm".
Như vậy, khi công tội phân minh, vị tướng này sẽ phải đối diện với mức án từ sáu tháng đến năm năm tù vì hành vi của mình. Nhưng có lẽ, mức án lớn nhất đối với ông chính là việc mất đi người mẹ già của mình. Mức án lương tâm mới là mức án lớn nhất, bởi lẽ, nếu không có sự dằn vặt lương tâm, tự chê trách mình, việc Hàn Tín vô tình chôn sống mẹ sẽ mãi mãi bị giữ kín khỏi những ánh mắt người đời.
Hón Thỵ