Đứng đầu trong các linh vật thường xuyên được trưng bày nơi trang trọng phải kể đến sư tử đá, kỳ lân đá. Như một biểu tượng mang ý nghĩa hưng thịnh, mạnh mẽ, sư tử đá, kỳ lân đá có tần suất xuất hiện trước cổng ra vào của các công ty, khách sạn nhiều. Tuy được mua với giá cao ngất, nhưng những loại linh vật trên đều có kiểu dáng ngoại lai nếu không muốn nói hoàn toàn xa lạ với văn hóa nước nhà.
Ví như sư tử đá cũng có hai loại với hai nguồn xuất xứ khác nhau, mang ý nghĩa văn hóa, tâm linh khác nhau. Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường khẳng định: "Đầu tiên, sư tử đá nằm trong văn hóa Phật giáo của Ấn Độ sau đó lan truyền sang Trung Quốc và vào Việt Nam. Ở Trung Quốc, sư tử đá phát triển không ngừng về mỹ thuật. Sư tử đá hiện nay phần lớn là sư tử Trung Quốc theo hình mẫu từ thời nhà Thanh. Đây được xem là hình mẫu đẹp nhất".
Hiện nay, ngoài sư tử đá theo hình mẫu Trung Quốc, Ấn Độ, thị trường còn xuất hiện sư tử đá theo phong cách Phi Châu. Phân tích quan điểm trên, các nhà nghiên cứu khẳng định sự thực dụng của xã hội đã khiến những loài linh vật phong thủy chứa hình mẫu thực dụng. Con sử tử đá theo kiểu này mất nét đẹp văn hóa, huyền thoại, tâm linh mà theo hình mẫu quá thực tế, hình khối như một con sư tử thực. Những hình mẫu như vậy không còn mang tính chất văn hóa, mang dáng dấp biểu trưng tinh thần nữa.
Khó giữ gìn phát triển linh vật nước nhà? Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường khẳng định: "Việc tiếp nhận các luồng văn hóa tâm linh không chọn lọc, không nghiên cứu tạo nên hiện tượng bát nháo linh vật phong thủy. Hiện nay, các dịch vụ phong thủy đang phát triển một cách mạnh mẽ. Theo đó du nhập ngày càng nhiều các mặt hàng, linh vật có xuất xứ, nguồn gốc không rõ ràng khiến việc giữ gìn phát triển linh vật nước nhà càng thêm khó khăn" . |
Hiện nay, sư tử đá, kỳ lân đá Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, châu Phi,... tràn lan, lấn át, phủ mờ những linh vật thuần Việt như con nghê, hạc, chó đá,... Các khách hàng có tâm, muốn sở hữu những linh vật thuần Việt cũng bối rối, nghi ngại trước ma trận linh vật ngoại lai.
Mổ xẻ nguyên nhân chính của tình trạng trên, ông Kỳ Đồng, giảng viên bộ môn Mỹ học thuộc trường đại học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) nhấn mạnh: "Việc này có thể xuất phát từ cảm thức mỹ học tôn giáo hoặc có dấu ấn mạnh mẽ của sự liên văn hóa. Tuy nhiên, nếu đi xét cặn kẽ việc vì sao người dân lại sử dụng các loại hình linh vật ngoại lai mà không sử dụng linh vật thuần Việt, ngoài những nguyên nhân khách quan còn những nguyên nhân chủ quan mà phải trải qua những công trình nghiên cứu cụ thể để giải thích".
Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường cho biết thêm: "Qua nghiên cứu, các loại sư tử đá, kỳ lân đá mà chúng ta đang sử dụng để trưng bày với mục đích phong thủy đều có nguồn gốc từ nước ngoài như Trung Quốc, Ấn Độ,... Sự đại trà, phong phú cũng như sức ảnh hưởng quá mạnh của các mặt hàng trên đến thị trường trong nước nên người dân nước ta ít ai hiểu, biết nước ta cũng có con sư tử đá riêng biệt".
Một trong những nguyên nhân khác là do mánh khóe của giới kinh doanh. Đánh mạnh vào tâm lý thích mẫu mã đẹp, lạ, độc đáo của khách hàng, giới kinh doanh tổ chức tạc, điêu khắc các loại hình mẫu sư tử, kỳ lân, tỳ hưu đá với nhiều mẫu khác nhau để tung ra thị trường. Tuy nhiên, những hình mẫu trên vẫn bám vào hình mẫu cố hữu của Trung Quốc, phương Tây.
NGUYỄN LÀI