Cúng ông Công ông Táo từ lâu đã trở thành một nét đẹp trong phong tục truyền thống của người dân Việt Nam. Trong nhịp sống hiện đại, những người già vẫn kể cho các con các cháu của mình nghe về sự tích ông Công ông Táo.
Tuy nhiên, do đặc tính truyền miệng nên cho đến nay, sự tích về ông Công ông Táo có nhiều bản với nhiều chi tiết khác nhau.
Trong không khí của ngày lễ ông Công ông Táo đang đến gần, chúng tôi xin trích một số bản kể phổ biến.
Sự tích ông Công ông Táo 1:
Chuyện kể về 2 vợ chồng nghèo, người vợ quanh năm suốt tháng “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Còn chồng đi buôn bán có năm về vài lần, trong một chuyến đi buôn bán xa người chồng này đã đi biệt tích 10 năm trời. Nghĩ chồng đã chết nên người vợ lấy người chồng khác làm nghề săn bắn, nuôi 1 tên đầy tớ tên là Lốc.
Ngày nọ, chồng mới và Lốc đi săn vắng nhà, đột nhiên người chồng cũ trở về và cho biết sở dĩ đi biền biệt là vì gặp giặc bắt lưu lạc trong rừng nay mới trốn thoát về được. Người vợ chỉ còn biết ôm chồng cũ khóc than, và dọn cơm rượu mời ăn. Khi chồng mới sắp về người vợ đưa chồng cũ ra đống rơm ẩn tạm. Chủ và tớ đi săn về được một con cầy. Chồng giục vợ đi sắm rượu để làm bữa nhậu.
Vợ tất tả chạy ra ngoài, người chồng và đầy tớ đốt đống rơm để thui cầy. Lửa vô tình đốt cháy thiêu người chồng cũ đang ngủ say. Giữa lúc đó, người vợ về thấy chồng cũ đã chết đau đớn, tự cảm thấy như thể vì mình mà chồng cũ chết, nên nhảy vào đống lửa chết theo.
Người chồng mới thấy vợ chết cũng đâm đầu vào lừa. Người đầy tớ vừa thương chủ vừa hối hận vì chính tay mình châm lửa thiêu chết người cũng nhảy nốt vào lửa chết theo.
Ba vợ chồng sau đó được Diêm Vương cho hóa làm ba ông đầu rau. Còn người đầy tớ được hóa làm đồ dùng chặn đống nhấm, quen gọi là "thằng Lốc". Trong tranh vẽ Táo quân, thường thấy vẽ người đầy tớ có nghĩa đứng cạnh ba người.
Sự tích ông Công ông Táo 2:
Chuyện kể về đôi vợ chồng Thị Nhi và Trọng Cao, ăn ở với nhau mặn nồng tha thiết, nhưng mãi không có một mụn con. Dần dà, Trọng Cao thường kiếm cớ dằn vặt vợ. Một hôm, chỉ vì một chuyện nhỏ, Trọng Cao gây thành chuyện lớn, đánh Thị Nhi và đuổi đi.
Thị Nhi bỏ nhà, lang thang đến một xứ khác và sau đó gặp Phạm Lang. Phải lòng nhau, hai người kết thành vợ chồng. Phần Trọng Cao, sau khi nguôi giận thì quá ân hận, nhưng vợ đã bỏ đi xa rồi. Cuối cùng, Trọng Cao quyết tâm đi tìm vợ về.
Ngày này qua tháng nọ, tìm mãi, hết gạo hết tiền, Trọng Cao phải làm kẻ ăn xin dọc đường. Vào đúng ngày 23 tháng Chạp, Thị Nhi đang đốt vàng mã ngoài sân, một hành khất vào ăn xin. Thị Nhi nhận ra người chồng cũ của mình, động lòng thương đem gạo ra cho. Bị Phạm Lang nghi ngờ, Thị Nhi lấy làm xấu hổ đâm đầu vào đống lửa đang đốt mã mà tự tử. Trọng Cao cảm tình ân nghĩa cũng lao vào lửa mà chết theo, Phạm lang vì mối tình thương vợ, cũng nhảy vào cùng chết.
Trên cao Ngọc Hoàng thượng đế, đã chứng kiến hết câu chuyện nên phong cho 3 người mỗi người một chức vụ khác nhau:
Phạm Lang là Thổ Công trông lo việc bếp.
Trọng Cao là Thổ Địa trông nom việc nhà.
Thị Nhi là Thổ Kỳ trông nom việc chợ búa.
Bên cạnh đó, trời cao cảm động tình nghĩa sâu nặng của 3 người, đã phong cho họ làm vua bếp. Dân gian vẫn truyền nhau câu ca rằng:
"Thế gian một vợ một chồng
Chẳng như vua bếp hai ông một bà".
Dù những sự tích ông Công ông Táo trên đều có các chi tiết khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là các nhân vật đều sống có nghĩa có tình.
Câu ca “Thế gian một vợ một chồng. Chẳng như vua bếp hai ông một bà” tưởng đơn giản lại mang nhiều ý nghĩa, triết lý trong cuộc sống. Nhấn mạnh trên thế gian chỉ tồn tại mối quan hệ “một vợ một chồng”, bên cạnh đó, tích truyện nhắc tới không phảu là cái lý mà đó chính là cái tình, tình nghĩa phu thê sắt son một lòng một dạ, sống chết cùng nhau. Đã là phu thê “đầu ấp tay gối” thì muôn đời tình nghĩa sắt son.
Từ đó, vào dịp 23 tháng Chạp hàng năm, nhiều người mới thường nhắc nhau đó là ngày các Táo cưỡi cá chép lên Thiên Đình báo cáo với Ngọc Hoàng mọi việc đã và chưa làm được trong năm qua.
Ngày nay, dù chưa đến 23 tháng Chạp các gia đình cũng đã chuẩn bị những mâm cỗ cúng tiễn đưa ông Công ông Táo về chầu trời. Đó không chỉ là công việc phải làm mà còn là nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam, được truyền từ đời này qua đời khác.
Thanh Lam (Tổng hợp)