Đã hết thời “bành trướng” của phim Hàn
Không thể phủ nhận, một số bộ phim truyền hình Việt Nam kể cả dài và ít tập đã từng một thời "làm mưa, làm gió" trên truyền hình. Mỗi tập phim là một buổi tối khán giả bỏ thời gian ngồi trước màn hình, háo hức chờ đợi đến giờ chiếu phim. Trong số đó có thể kể đến: Những người sống bên tôi, 12A và 4H, Đồng tiền xương máu, Đất phương Nam, Người đẹp Tây Đô, Gió qua miền sáng tối... Thậm chí, dư âm của nó còn lại cho đến ngày nay, gắn liền với tên tuổi của các diễn viên trong phim.
Một bộ phim lên sóng cần nhiều tâm huyết của đạo diễn, nhà sản xuất.
Sau đó là sự "bành trướng và thống trị" của những bộ phim tình cảm Hàn Quốc, lấy không ít nước mắt và thời gian của khán giả Việt. Trong đó, không ít bộ phim kéo dài trên trăm tập mà vẫn đạt chỉ số người xem (rating - PV) cao đến mức phim truyền hình Việt Nam cũng phải nối gót phim Hàn, chạy đua, kéo dài thời lượng tập phim, phần phim. Thế nhưng, phim Việt vẫn không thể cạnh tranh được với những bộ phim trên. Khán giả từng nhận xét, dường như phim truyền hình Việt Nam hiện nay có chung một tuyên ngôn: "Phim không kéo dài 30 tập trở lên không phải phim truyền hình".
Ngoài mục đích vị nghệ thuật, các hãng phim "mọc lên như nấm", các bộ phim ra đời một cách vội vàng, dễ dãi còn nhằm mục đích chính là kinh doanh, "câu kéo" thời gian quảng cáo trên truyền hình. Phim càng kéo dài nhiều tập thì những tình tiết trong phim nếu không phải quanh đi quẩn lại, thì cũng bị "bôi ra" tới mức không cần thiết, thậm chí thiếu logic. Thay vì đã kết thúc được ở nơi đọng lại nhiều suy nghĩ, cảm xúc cho khán giả, thì tác giả, đạo diễn lại ham kéo dài, ham phản ánh nhiều vấn đề, nhưng không tới nơi tới chốn, lại không "chốt" được câu chuyện, thành thử cái kết thật... ngớ ngẩn, cụt ngủn, làm khán giả khó chịu.
Có những bộ phim, nếu vấn đề không phải là đơn giản, nhạt nhẽo, thì mắc lỗi nghiêm trọng khi thiếu những giá trị mang tính giáo dục, nhân văn, bị khán giả và giới chuyên môn lên tiếng vì phản cảm, mà Hoa nắng là bộ phim điển hình như vậy. Trong đó, không ít phim trở thành những thảm họa phim Việt như: Anh chàng vượt thời gian, Xin thề anh nói thật, Những người độc thân vui vẻ... Một số bộ phim có độ dài lên tới hàng trăm tập, điển hình như Cô gái xấu xí chưa thực sự thuyết phục người xem nhiều lắm nhưng ít ra mỗi tối bỏ thời gian ra ngồi trước truyền hình xem diễn viên diễn xuất họ vẫn còn thấy chút gì đó dư âm đọng lại về tình người, cách giải quyết vấn đề của đạo diễn cũng mang tinh thần, văn hoá Việt Nam hơn.
Khi mà chất lượng phim truyền hình Việt Nam đang tuột dốc một cách báo động, "tra tấn" khán giả bằng cách ào ào lên sóng, thì sự xuất hiện của những món ăn mới, ngoại nhập càng khiến khán giả quay lưng với phim Việt. Những làn sóng phim truyền hình từ Thái Lan, Ấn Độ, Philippin... với sự mới mẻ từ diễn viên, văn hóa, lối diễn xuất, nội dung kịch bản, đang dần chiếm lĩnh màn ảnh Việt. Đứng trước tình trạng này, mới đây, sự trở lại của phim chiếc với nhiều kỳ vọng sẽ tạo sự đột phá, để lại ấn tượng nhiều hơn so với phim dài tập, lấy lại niềm tin của khán giả.
Đạo diễn Xuân Phước.
Kỳ vọng phim chiếc "đốt lửa" trên sóng truyền hình
Gần đây, sự trở lại của phim chiếc đang được các nhà đài chú ý. Rõ ràng, phim chiếc là một mảnh đất màu mỡ cần được khai thác lại. Và, trên hết là để phục vụ đối tượng khán giả - những người đã quá mòn mỏi bởi các phim truyền hình dài tập nhạt thếch trên truyền hình. Nhiều người đã quá ngán ngẩm bởi phim truyền hình dài tập thiếu nhiều kịch tính, lại được các đạo diễn cố gắng nặn ra cho dài. Có những bộ phim, vì thiếu chi tiết hấp dẫn mà kéo dài những tình tiết lê thê, vô nghĩa. Chẳng hạn như chỉ một hành động mở cửa vào nhà nhưng được đạo diễn kéo dài bằng cách buộc diễn viên dừng xe, mở cửa, rồi dắt vào nhà, mà đôi khi những chi tiết ấy quá thừa thãi, không nâng được kịch tính cho phim.
Kiểu làm phim ngắn gọn nhưng cũng sẽ đầy súc tích để lôi cuốn khán giả có là ưu điểm trở lại. Nói về những ưu điểm của phim chiếc, đạo diễn Xuân Phước, giảng viên trường ĐH Sân khấu điện ảnh TP.HCM cho biết: "Phim chiếc là môi trường tốt để các đạo diễn trẻ tham gia, được làm nghề và thể hiện khả năng điện ảnh. Ngoài ra, khi làm phim chiếc cũng sẽ nâng cao chất lượng phim do phim chiếc ngắn thời gian nên đạo diễn sẽ dễ quản lý phim của mình hơn so với làm phim dài tập".
Rõ ràng, nếu phát triển phim chiếc tốt, đó cũng sẽ là một cú hích cho điện ảnh, một đạo diễn lâu năm trong nghề chia sẻ: "Phim chiếc là nơi để các đạo diễn thể hiện tài năng của mình, nếu làm phim chiếc theo phong cách điện ảnh tốt, có thể chiếu rạp và tham gia các liên hoan phim uy tín trên thế giới”. Đạo diễn Xuân Phước nhấn mạnh: "Tôi hoàn toàn ủng hộ khi quay trở lại làm phim chiếc. Nó sẽ tạo cú hích cho anh em mê sáng tạo nghệ thuật có điều kiện phát triển. Tuy nhiên, làm phim chiếc cũng có nhiều khó khăn riêng mà phải rất yêu nghề mới có thể dốc tâm sức ra làm được. Nếu đem phim chiếc chiếu rạp sẽ có nhiều may rủi, khán giả đến xem nhiều thì doanh thu cao, còn không thì cầm chắc lỗ, còn nếu đưa lên truyền hình, chỉ có cách thu tiền bằng quảng cáo, nhưng nếu phim chỉ có một vài tập thì quảng cáo không "nhảy vào". Mà, thực tế, 97% phim truyền hình "sống" bằng quảng cáo, trong khi phim ngắn lại khó thu hút quảng cáo".
Đạo diễn phim trẻ Hoài Tiến nhấn mạnh: "Dù là phim chiếc hay phim dài tập thì vẫn cần sự đầu tư chu đáo cho các tác phẩm mới có thể đẩy tính nghệ thuật lên cao. Không thể nào quay một tập phim trong 3-4 tuần được. Do đó, để phim chiếc có sự thay đổi cần phải đầu tư thời gian, tiền bạc và công sức thì mới có những bộ phim chất lượng". Đạo diễn này cho biết, thực tế khi làm phim chiếc: "Đối với những phim truyền hình nhiều tập, kinh phí có thể san sẻ giữa các tập với nhau, trong khi phim chiếc thì không. Thế nên, đời sống của ê kíp làm phim chiếc sẽ rất khó khăn, không có quá nhiều lương bổng, lợi nhuận, cái mà họ làm là lòng yêu nghề mà thôi".
Để một bộ phim chất lượng đến tay khán giả, cần rất nhiều tâm huyết của ê kíp làm phim. Tuy nhiên, do nền kinh tế thị trường, nhiều người chạy theo lợi nhuận mà kéo dài bộ phim từ 10 tập ra thành 20 tập để có lời. Vì thế, phim chiếc được kỳ vọng là cách làm phim tử tế để khán giả thoát khỏi cái dài dòng, nhạt nhẽo của những bộ phim thị trường vốn đã nhiều vấn đề còn phải bàn luận. Sau nữa là hy vọng loại phim này sẽ có thể sản sinh ra nhiều bộ phim đủ điều kiện và tiêu chuẩn, tham gia các liên hoan phim tại Việt Nam và thế giới.
Đòi hỏi sự tập trung cao độ Nói về hạn chế của phim chiếc, đạo diễn Xuân Phước cho biết: "Phim chiếc không gần gũi như phim dài tập. Nó không phải là thể loại phim chỉ cần nghe không cần nhìn, hay chỉ cần nhìn mà không cần nghe. Nói chung, nó đòi hỏi sự tập trung của khán giả. Tuy nhiên, nếu phát triển nó sẽ là bước đệm cho các đạo diễn phát triển khả năng của mình". |
L. Giang - H. Du