Ám ảnh khó quên
Sau khi bay ra Côn Đảo, nơi hứng chịu sự tàn phá thảm khốc nhất của cơn bão Linda (cách đây tròn 20 năm trước) bằng chiếc máy bay cũ kỹ, GS. Vũ Trọng Hồng (nguyên Thứ trưởng bộ Thủy lợi-ngày ấy là Phó đoàn của Chính phủ trực tiếp về các tỉnh thiệt hại do bão Linda) cùng đoàn tiếp tục đi tới tất cả các tỉnh thành bị cơn bão này tàn phá.
Đi tới nơi nào, ông cũng thấy những cảnh nhà cửa tan hoang, gia đình mất đi người trụ cột. Nước mắt đọng trên mặt những bà mẹ già và đứa trẻ thơ vừa mới chập chững biết đi ám ảnh ông tới tận bây giờ. Họ mất đi người thân, mất đi tài sản lớn nhất là những con tàu đi biển, phía trước là tương lai mịt mù, không chỗ dựa, không tiền bạc, chồng chất khó khăn.
“Trong chuyến về miền Tây thị sát tình hình thiệt hại của bà con, một bà lão đã cầm tay tôi, đôi mắt mờ đục đau đớn như muốn chia sẻ một điều gì đó nhưng bà đã bỏ đi vội vàng. Dường như bà ngại khi nói ra bà sẽ để cho một người lạ nhìn thấy mình khóc. Lưng bà còng gập xuống, những sợi tóc bạc lòa xòa trong gió. Những người xung quanh nói con bà đang ở ngoài biển, bà vẫn mong có một phép màu kỳ diệu khiến con bà sống sót trở về. Những tia hy vọng mong manh và gần như không thể trước sự vần vũ của bão Linda.
Thế nhưng, cũng có một số trường hợp ngư dân may mắn sống sót và trở về một cách kỳ diệu. Họ thực sự là những anh hùng”, GS. Hồng nhớ lại. Những anh hùng mà GS. Hồng nhắc đến đó là những ngư dân bình dị, công việc hàng ngày của họ là bám ngư trường đánh bắt thủy hải sản.
Sau những giây phút trầm lắng nhớ về bà lão miền Tây lưng còng, đôi mắt của ông có gì đó kiêu hãnh, GS. Hồng kể tiếp:
“Nhiều ngư dân nói rằng khi đã có bão rồi thì cứ để họ ngoài biển vì những lái tàu giỏi sẽ biết lựa hướng gió. Ngư dân của chúng ta có nhiều người dày dạn kinh nghiệm lắm. Khi không kịp về tránh bão, họ anh dũng chống chọi giữa biển khơi.
Bằng sự thông minh và kinh nghiệm của mình, họ vứt hết đồ đạc, ngư cụ, mở neo, lựa theo hướng sóng mà lao vào. Thời gian của bão thường khoảng mấy tiếng đồng hồ, cố trụ được sẽ thoát. Tôi đã gặp được những ngư dân sống sót và trở về một cách kỳ diệu sau khi vật lộn với Linda giữa ngàn trùng biển khơi”.
Nhưng số ngư dân trở về không nhiều so với con số hơn 3.000 người thương vong và mất tích vì Linda năm ấy. Cơn bão này đã cày xéo trên biển, tạo ra một thảm họa thảm khốc nhất trong lịch sử 100 năm qua.
Trong cuộc trò chuyện với PV báo Người Đưa Tin, GS. Vũ Trọng Hồng cho hay: “Phải mất rất nhiều năm sau chúng ta mới có lại được những lớp ngư dân trưởng thành và giàu kinh nghiệm bám ngư trường như thế. Ngày ấy, tai hại nhất là tàu thuyền ít có nơi neo đậu nên bị đánh tan nát hết. Tàu thuyền không biết về đâu nên cứ chạy về bờ. Mà vào bờ là bị sóng đánh đắm. Hầu hết tàu thuyền đậu trên Côn Đảo đều bị bão quật tan hết cả.
Một số tàu khác tìm được nơi neo đậu nhưng nơi neo đậu của ta chưa đúng tiêu chuẩn quốc tế nên dù về tới nơi nhưng vẫn bị dập tan tành. Từ thực tế của cơn bão Linda và kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, những chỗ neo đậu tàu thuyền phải có một đầu vào và một đầu thông ra lối khác. Vì trong bãi đậu sẽ sinh ra một loại sóng dập lên dập xuống, nếu tàu thuyền đậu ở mực nước nông nó sẽ đánh tan con thuyền”.
Bài học mặn chát
Bài học đau xót của bão Linda, theo ông có lỗi do dự báo chậm. Công tác dự báo phải tính sớm, đủ để ngư dân đi từ ngư trường vào bờ. Bên cạnh đó, một phần cũng do vấn đề phao cứu hộ.
GS Hồng cho biết thêm: “Anh Bẩy Bình ở Tiền Giang trong báo cáo thiệt hại cũng có nêu một vấn đề hết sức đau lòng, đó là ngư dân chết nhiều do thiếu phao cứu hộ, hoặc phao kém chất lượng, không bằng can đựng dầu. Vì thế sau này, chúng ta đã rút kinh nghiệm, nâng cao nhận thức của ngư dân và yêu cầu họ mang theo phao cứu hộ chất lượng tốt khi ra biển.
Đã tròn 20 năm trôi qua, nhưng hậu quả khủng khiếp của cơn bão này vẫn khiến vị giáo sư già trăn trở về công tác phòng chống thiên tai, lũ lụt. Bởi, trước sự nổi giận của thiên nhiên, sức vóc của con người là vô cùng nhỏ bé. Con người chỉ có thể dự báo được thiên tai để từ đó tìm cách phòng tránh chứ không thể đương đầu với nó”.
“Giữa biển khơi, ngư dân bơi giỏi lắm cũng chỉ được từ 10-12 tiếng là chuột rút nên công tác cứu hộ phải nhanh. Chúng ta có thể bay trực thăng là là trên mặt nước để tìm và cứu người dân.
Bên cạnh đó, khi đài khí tượng dự báo cơn bão mạnh hướng vào khu vực nào thì Ủy ban Phòng chống cứu hộ cứu nạn phải cho người tập trung ở đó từ trước khi bão đổ về, để chờ sẵn. Thực tế cho thấy, khi có bão rồi, các phương tiện rất khó di chuyển, vì thế, đơn vị cứu hộ phải thiện chiến, không thể cứ ở đơn vị, tới khi có bão vào mới xuất phát”, GS. Vũ Trọng Hồng chia sẻ”.
Bên cạnh đó, theo GS. Hồng, sau sự kiện bão Linda đã đặt ra sự cần thiết của đê bao ven biển: “Bão Linda đã khiến hơn 3.000 người chết và mất tích. Đúng ra, sau sự việc đó, chiến lược phòng chống thiên tai của chúng ta phải cao hơn, nhất là tuyến đê bao ven biển. Tuy nhiên, từ hồi đó tới nay đê của ta vẫn không có những bước tiến. Chúng ta cần phải nhìn những nước làm đê bao giỏi như Hà Lan để học tập”.
Ông Hồng cho rằng, Hà Lan được là đất nước nằm thấp nhất so với mực nước biển. Sau thảm họa khiến 1.835 người bị chết đuối, Chính phủ Hà Lan đã ngay lập tức thành lập Ủy ban Châu thổ nhằm sửa chữa, thi công các công trình phòng vệ chống biển. Đê của Hà Lan chất lượng rất tốt, có thể chống được những trận lũ lớn.
“Có thể ngân sách chúng ta còn hạn chế chưa làm được ngay, nhưng cũng cần có những nghiên cứu về chiến lược phát triển đê. Riêng đê biển ở Cà Mau, lâu nay rất hay vỡ nhưng chưa nghiên cứu được công nghệ nào để chống đỡ được. Chúng ta phải có tường bê tông với những cục bê tông hình dạng đặc biệt như ở khu lọc dầu Dung Quất. Làm như vậy mới có thể chống được bão. Sóng vào thì sẽ bị xé.
Chúng ta cần nghiên cứu tuyến đê biển. Riêng nghiên cứu việc đưa nước từ vùng có nước sang vùng không có nước, ở nhiều quốc gia phải mất mấy chục năm đến hàng trăm năm. Cũng như vậy, nghiên cứu về tuyến đê biển chống sóng ở Việt Nam cũng phải mất nhiều năm mới thành hiện thực được. Vì thế, ngay từ bây giờ chúng ta phải nghiên cứu một cách nghiêm túc”, vị giáo sư già tâm huyết nói.