Các nhà khoa học Đức đã may mắn được tận mắt chiêm ngưỡng 1 con trăn cổ khổng lồ 48 triệu tuổi đầm mình ở hồ nước – dĩ nhiên là hóa thạch. Trước đây, giới nghiên cứu chưa thể xác định rõ trăn đến từ lục địa thuộc Nam bán cầu, nơi chúng sinh sống ngày nay, hay Bắc bán cầu, nơi họ hàng gần nhất của chúng (rắn ánh kim Đông Nam Á và trăn đào hang Mexico) được phát hiện. Nhưng loài mới có tên Messelopython freyi cho thấy trăn tiến hóa ở châu Âu.
Cụ thể hóa thạch M. freyi được tìm thấy ở miệng hố Messel gần Frankfurt, Đức. Từng là mỏ đá phiến dầu, khu vực này gần như trở thành bãi rác vào thập niên 1970. Nhưng sau đó, hố Messel trở nên nổi tiếng với những hóa thạch có niên đại từ 36 đến 57 triệu năm trước.
Do đó, năm 1995, khu vực này trở thành Di sản Thế giới được UNESCO công nhận. Những hóa thạch khai quật ở đó bao gồm một con ngựa mang thai, rùa đang ghép đôi và bọ cánh cứng lấp lánh. M. freyi có cùng kích thước với các loài trăn nhỏ hiện nay, dài một mét và có khoảng 275 đốt sống.
Tiến sĩ Krister Smith, nhà cổ sinh vật học ở Viện nghiên cứu Senckenberg tại Frankfurt, Đức, cho biết. "Tính đến nay, hóa thạch mới của chúng tôi là mẫu vật cổ nhất về loài trăn và phù hợp với giả thuyết về nguồn gốc Bắc bán cầu".
Phát hiện hé lộ trăn ở châu Âu thời cổ đại sống cùng trăn siết mồi, khác hẳn thời hiện đại. Ngày nay, trăn siết mồi chủ yếu sống ở Nam Mỹ, Trung Mỹ, Madagascar và phía bắc châu Đại Dương, trong khi trăn gấm sống ở châu Phi, Đông Nam Á và Australia. Hóa thạch M. freyi dấy lên câu hỏi hai loài trăn đối thủ có chung phương thức săn mồi cùng tồn tại như thế nào.
Nguyên Anh (Nguồn Live Science)