Sáng 1/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến luật Quy hoạch.
Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 (luật Quy hoạch) điều chỉnh việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Theo Phụ lục III luật Quy hoạch, có 25 luật quy định liên quan đến quy hoạch cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo đồng bộ với luật Quy hoạch.
Căn cứ khoản 5, Điều 59, luật Quy hoạch, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung các bộ luật, luật thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác quan đến quy hoạch, bảo đảm phù hợp với luật Quy hoạch và có hiệu lực thi hành chậm nhất là ngày 1/1/2019. Qua rà soát, các Bộ đã đề xuất sửa đổi, bổ sung 27 bộ luật, luật, bao gồm: 25 luật theo Danh mục tại Phụ lục III luật Quy hoạch, 1 luật do bộ Y tế đề xuất bổ sung (luật An toàn thực phẩm) và 1 luật do bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất bổ sung (luật Phòng, chống thiên tai).
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng tháng 3/2018, Chính phủ đã giao bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số luật có quy định liên quan đến quy hoạch để sửa đổi 10 luật gồm: Luật Hóa chất; luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; luật Điện lực; luật Dược; luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; luật An toàn thực phẩm; luật Công chứng; luật Trẻ em; luật Khoa học và Công nghệ, luật Đầu tư.
Đồng thời, Chính phủ giao bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đầu tư công và bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xây dựng, luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản và luật Quy hoạch đô thị có các nội dung sửa đổi liên quan đến quy hoạch.
Tại Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận bổ sung nội dung sửa đổi quy định về quy hoạch tại luật Đầu tư công, luật Xây dựng và luật Quy hoạch đô thị vào luật Sửa đổi, bổ sung một số luật có quy định liên quan đến quy hoạch.
Như vậy, việc ban hành luật Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại các luật này là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh và đảm bảo nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ trong phạm vi điều chỉnh, dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số luật có quy định liên quan đến quy hoạch sửa đổi, bổ sung các điều khoản liên quan đến quy hoạch tại 13 luật, bao gồm: Luật Hóa chất số 06/2007/QH12; luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12; luật Điện lực số 28/2004/QH11 và luật số 24/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Điện lực số 28/2004/QH11; luật Dược số 105/2016/QH13; luật Phòng, chống tác hại thuốc lá số 09/2012/QH13; luật Công chứng số 53/2014/QH13; luật Trẻ em số 102/2016/QH13; luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13; luật Đầu tư số 67/2014/QH13; luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12; luật Đầu tư công số 49/2014/QH13; luật Xây dựng số 50/2014/QH13; luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12.
Dự thảo Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Báo cáo thẩm tra dự án luật bày tỏ cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của luật Quy hoạch.
Đây là luật mà phạm vi tác động rất rộng nên cần phải xem xét hết sức cẩn trọng với sự đánh giá tác động đầy đủ.