Theo ông Phổ, đó là kết quả một cuộc kiểm tra một số doanh nghiệp để kết nạp thêm vào hiệp hội mới được thực hiện gần đây. Tuy không tiết lộ danh tính của doanh nghiệp dùng xẻng để xúc sữa đóng gói như miêu tả, nhưng ông Phổ nói rõ, đó là cách làm không đảm bảo quy trình chất lượng theo tiêu chuẩn, và như vậy sẽ không đảm bảo được an toàn thực phẩm đối với việc đóng gói sữa bột. Ông Phổ chỉ có thể chắc chắn về chất lượng của tám doanh nghiệp là thành viên của hiệp hội Sữa Việt Nam như Vinamilk, FrieslandCampina, Nutifood, IDP, Mộc Châu… vì những doanh nghiệp này áp dụng các tiêu chuẩn quản lý như ISO, HACCP và có các dây chuyền công nghệ hiện đại.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sữa mẹ là tốt nhất cho em bé. Ảnh minh hoạ
Thống kê của Euromonitor cho biết với mặt hàng sữa nước thì năm 2012 hai công ty lớn là Vinamilk và FrieslandCampina Việt Nam chiếm 66% thị phần. Phần còn lại là của nhiều doanh nghiệp khác như: Hanoi Milk, Đường Quảng Ngãi, Sữa Ba Vì, Sữa Mộc Châu… “Thực tế vẫn có không ít các loại sữa không được kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm được bán trên thị trường và len lỏi về các vùng nông thôn”, ông Phổ cho biết.
Sữa chỉ là một mặt hàng trong nhiều mặt hàng khác đang làm gia tăng các mối lo ngại đảm bảo an toàn vệ sinh đối với các sản phẩm ngành công nghiệp thực phẩm cho người tiêu dùng. Bia giả, rượu giả, nhái nhãn mác cũng làm người tiêu dùng lo ngại. Ông Nguyễn Văn Việt, chủ tịch hiệp hội Bia – rượu – nước giải khát cho biết những doanh nghiệp lớn, có ý thức xây dựng thương hiệu thì luôn cố gắng đảm bảo chất lượng tốt và hạn chế rủi ro với người tiêu dùng, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp nhỏ với thiết bị cũ lạc hậu và hệ thống quản lý chất lượng kém sản xuất và bán hàng ra thị trường.
Theo ông Bùi Trường Thắng, phó vụ trưởng vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương), do nguyên liệu có nhiều loại phải nhập khẩu kể cả các nguyên liệu chính, nên chất lượng nguyên liệu chưa được kiểm soát và quản lý chặt chẽ ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. “Không ít doanh nghiệp làm ăn chộp giật công bố chất lượng sản phẩm trên bao bì thì tốt nhưng thực tế lại kém”, ông Thắng nói.
Đầu tư cho công nghệ để đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng là một điểm yếu của nhiều doanh nghiệp Việt. Theo ông Thắng, công nghệ giữ vai trò tương đối quyết định với việc đảm bảo an toàn cho các sản phẩm công nghiệp thực phẩm. Tuy nhiên, để đầu tư công nghệ cao chỉ những doanh nghiệp lớn, vốn nhiều mới có thể “mạnh tay”. Với những doanh nghiệp nhỏ hơn, cần có cơ chế chính sách để họ có thể vay vốn trung hoặc dài hạn với lãi suất ưu đãi để đầu tư.
Theo ông Nguyễn Phương Nam, phó cục trưởng cục Quản lý cạnh tranh (bộ Công thương), việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên thị trường Việt Nam rất khốc liệt. Các rào cản để doanh nghiệp gia nhập thị trường chủ yếu tập trung vào các tiêu chuẩn kỹ thuật, các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường… Những doanh nghiệp có trình độ công nghệ chưa cao phải chịu áp lực cạnh tranh lớn. Nhìn về góc độ gia nhập thị trường thì những rào cản này không tốt cho doanh nghiệp, tuy nhiên, nhìn từ góc độ tiêu dùng, việc đảm bảo các tiêu chuẩn về kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường sẽ giúp người tiêu dùng được bảo vệ tốt hơn.
Theo Sài Gòn tiếp thị