Chẳng hạn Nhà nước phải đưa ra cơ chế để thông tin cho người lao động biết tiền lương trong vùng đối với các ngành nghề trong từng giai đoạn để họ có thông tin nhằm cân nhắc khi thỏa thuận ký hợp đồng lao động với chủ. Bên cạnh đó, Nhà nước phải đưa ra các cơ chế để hỗ trợ cho các thỏa thuận hay các thỏa ước lao động tập thể.
Thực tế, có thể do người lao động, có thể do đại diện người lao động thương lượng với chủ sử dụng để ký kết, hỗ trợ cho thỏa thuận của người lao động. Nhà nước phải quy định thang lương bảng lương để đăng ký kiểm tra kiểm soát như thế nào, hoặc phải quy định về cách thức trả lương cũng là một trong những vấn đề có thể xem xét trong quá trình đảm bảo tính hợp lý trong trả tiền lương cho người lao động. Trên cơ sở đó, Nhà nước sẽ định kỳ công bố tiền lương tối thiểu, mức này được xem như mức sàn tối thiểu, mức sống tối thiểu để người lao động, chủ sử dụng lao động có thể căn cứ vào đó để có thể xem xét, thỏa thuận về tiền lương. Tuy nhiên, tiền lương tối thiểu phải hướng tới một việc không để người chủ sử dụng lao động lạm dụng xem đó là lương tham chiếu để quyết định.
Sau tờ trình của Chính phủ về dự toán Ngân sách năm 2012, QH cũng đồng tình với việc từ 1/5/2012 tăng lương tối thiểu lên 1,05 triệu đồng/tháng. Là cơ quan thẩm tra các đề án tiền lương, bà Trương Thị Mai khẳng định: Năm nay có một tiến bộ, chúng ta đã đưa mức lương của ba khu vực đi về thời hạn trước một năm. Tức là dự kiến đến năm 2012 khu vực FDI, khu vực tư nhân, khu vực Nhà nước sẽ cùng chung một mức lương nhưng chúng ta đã quyết định sớm hơn. Việc này tạo điều kiện cho người lao động có một mức sống mà họ có thể đảm bảo được ở thời điểm năm nay lạm phát tăng cao. Năm sau mới bắt đầu cải cách tiền lương cho 10 năm sắp tới, vấn đề này sẽ được thảo luận một cách chi tiết và đưa ra định hướng một cách cụ thể hơn.
Đối với vấn đề lương hưu, một nguồn tin có trách nhiệm cho biết: Năm sau Luật Bảo hiểm xã hội cũng sẽ sửa đổi, chính sách quan trọng nhất trong Luật Bảo hiểm xã hội là chính sách hưu trí mà chính sách hưu trí sửa đổi sẽ mang tính chất dài hạn hơn, đồng bộ hơn. Hiện nay nhiều chính sách khác nhau làm chính sách hưu trí của chúng ta không đồng bộ, thống nhất, bất cập. Sửa đổi luật sẽ rà soát lại các chính sách, xem hưu trí là trụ cột an sinh xã hội số một để cho người lao động đến một độ tuổi nào đó không còn lao động được nữa phải có thu nhập bù đắp để sống ổn định.
Lam Hạ