Giá sách giáo khoa lớp 1 mới cao hơn những năm trước
Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đã thực hiện chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông qua hình thức phê duyệt, cho phép sử dụng 46 SGK thuộc 5 bộ SGK của 3 nhà xuất bản.
Vấn đề đặt ra là giá của SGK mới cao hơn SGK cũ gấp 2 lần. Nguyên nhân được đưa ra là do SGK lớp 1 mới đòi hỏi có ngữ liệu, hình ảnh và nội dung biểu đạt rõ ràng để phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Điều này đòi hỏi SGK phải có nhiều trang hơn, khổ sách rộng hơn SGK cũ.
Để thể hiện nội dung tốt hơn, SGK cũng được yêu cầu in 4 màu thay vì 2 màu như SGK cũ nên đòi hỏi chất lượng giấy và mực in phải cao cấp hơn. Đồng thời, vì thực hiện theo phương thức xã hội hóa nên các bộ SGK mới không được trợ cấp chi phí như trước đây. Về vấn đề này, bộ GD&ĐT cho biết, bộ Tài chính cũng đã thẩm định giá theo quy định.
SGK theo quy định của luật Giá, SGK không nằm trong danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá. Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội đưa SGK vào danh sách mục hàng do Nhà nước định giá (hoặc bình ổn giá).
Trong quá trình đó, bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà xuất bản SGK tinh giản nội dung không cần thiết để giảm thiểu số trang, tiết kiệm chi phí trong khâu sản xuất nhằm giảm giá thành sách. Đồng thời, quán triệt việc biên soạn sách được sử dụng nhiều lần, khuyến khích học sinh giữ gìn, đóng góp sách vào thư viện trường. Bộ GD&ĐT cũng tiếp tục có những chính sách hỗ trợ SGK cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Tình trạng “ép” học sinh mua sách tham khảo
Nhằm quản lý và sử dụng sách tham khảo đúng mục tiêu, bộ GD&ĐT đã ra quy định giáo viên không được dùng sách tham khảo để dạy và kiểm tra, không được “ép” học sinh mua sách tham khảo dưới mọi hình thức.
Các sách tham khảo được bán tại hiệu sách phải được quản lý bởi các cơ quan chức năng. Các trường lựa chọn sách tham khảo mua cho thư viện trường để giáo viên và học sinh sử dụng đều phải chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng của bộ GD&ĐT.
Mặc dù đã có văn bản chỉ đạo các nhà trường chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ sổ sách, sách tham khảo tuy nhiên tình trạng này vẫn xảy ra. Cụ thể, các giáo viên vẫn để danh mục sách tham khảo kèm theo SGK để phụ huynh học sinh đăng ký mua tự nguyện.
Để giải quyết vấn đề này, bộ GD&ĐT chỉ đạo rà soát, quản lý chặt chẽ hơn việc “ép” học sinh mua sách tham khảo và có chế tài mạnh hơn đối với trường hợp vi phạm. Bộ GD&ĐT cũng đang khách quan hóa việc kiểm tra và đánh giá kết quả của học sinh. Nhằm giảm thiểu việc giáo viên dạy thêm hay đưa các nội dung nâng cao vào dạy học.
Chương trình Tiếng Việt lớp 1 “nặng”
Với ý kiến phản ánh này, bộ GD&ĐT đã giải trình rằng với quan điểm học sinh đọc thông viết thạo nên thời gian học Tiếng Việt của học sinh được kéo dài hơn. Một lý do khác là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên học sinh và giáo viên chưa có điều kiện thực hành thực tế.
Trong quá trình khảo sát thực tế, cũng có nhiều giáo viên lớp 1 đã áp dụng được các phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, thuận lợi cho cả giáo viên và học sinh trong quá trình tổ chức dạy và học.
Bộ GD&ĐT chỉ đạo nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 để có được nội dung và thời lượng dạy học hợp lý. Thời khóa biểu cần đảm bảo tỉ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục.
Tăng cường trao đổi thông tin để cha mẹ học sinh nắm được yêu cầu đổi mới của SGK. Cuối cùng, chủ động phối hợp với các nhà xuất bản trong việc bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên.
Những điểm chưa phù hợp trong SGK Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách “Cánh Diều”
Trước những ý kiến về SGK Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách “Cánh Diều” có những nội dung chưa phù hợp, bộ GD&ĐT đã rà soát tổng thể nội dung và làm việc với những bên liên quan nhằm thống nhất chỉnh sửa nội dung SGK.
Cụ thể, chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn/bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1 như bài “Cua, cò và đàn cá” trang 115, bài “Hai con ngựa” trang 157, bài “Lừa, thỏ và cọp” trang 163,...; thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ “nhá”, “nom”, “quà... quà”, “chén”,...
Hội đồng thẩm định cũng đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn mà lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng Văn học Việt Nam.
Đồng thời, bộ GD&ĐT yêu cầu NXB đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính để giúp đỡ các giáo viên trong quá trình dạy học. Giải pháp trước mắt là đưa ra hướng dẫn hỗ trợ giáo viên sử dụng các ngữ liệu được thay thế để đảm bảo tốt các hoạt động dạy học trong chương trình học kì 1. Đồng thời, bộ GD&ĐT khẩn trương hoàn thành việc điều chỉnh, bổ sung các nội dung trong SGK theo đúng quy định và xem xét phê duyệt trước ngày 15/11/2020.
Lê Trà