'Sữa là mặt hàng bình ổn nhưng chưa chia sẻ với người dân'

'Sữa là mặt hàng bình ổn nhưng chưa chia sẻ với người dân'

Thứ 4, 03/04/2013 15:10

Liên quan đến câu chuyện bình ổn giá sữa, PV Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Vinh Phú, chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội

Thưa ông, từ đầu năm đến nay, thị trường sữa đã chứng kiến ba lần tăng giá. Phải chăng, câu chuyện tăng giá sữa đã trở thành quy luật?

Hàng chục năm nay, sữa đều ở trong tình trạng luôn luôn tăng giá và hầu như chưa bao giờ giảm cả. Đó là một điều bất hợp lý ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng. Chúng ta có nghị định về kê khai giá sữa nhưng mấy năm nay, tôi không thấy các cơ quan quản lý công bố đơn vị nào kê khai đúng và đơn vị nào kê khai sai. Như vậy có thể thấy hiệu năng quản lý giá sữa còn rất yếu.

Chúng ta chẳng xử phạt được ai sai phạm mà chỉ nói rất chung chung. Chính vì không minh bạch, công khai nên đẩy thị trường sữa rơi vào tình trạng giá tăng phi mã như thế. Và cuối cùng, phần thiệt thòi vẫn là người dân. Nhà nước không cấm tăng giá nhưng không thể có chuyện tăng giá bất hợp lý. Giá nguyên liệu của bất cứ mặt hàng gì cũng có khi tăng khi giảm. Vậy nên, theo cơ chế thị trường, nếu cần tăng thì phải tăng còn giá đầu vào giảm thì cũng phải theo.

Tiêu dùng & Dư luận - 'Sữa là mặt hàng bình ổn nhưng chưa chia sẻ với người dân'

Ông Vũ Vinh Phú

Theo quy định, các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi được đưa vào các mặt hàng bình ổn, phải đăng ký giá và chịu sự quản lý của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, trên thực tế, các công ty kinh doanh mặt hàng này vẫn có rất nhiều chiêu "lách luật" để thu lợi nhuận. Ông nhìn nhận ra sao về hiện tượng trên?

Hiện nay do kinh tế khó khăn, doanh số bán sữa của một số đơn vị sụt giảm. Tôi nghĩ, có thể vì lẽ đó mà họ lại cố tình tăng giá để bù doanh số không đạt nhằm đảm bảo một mức lợi nhuận cao mà họ đã đặt ra. Bên cạnh việc tăng giá, họ còn tìm cách thay tên đổi mác một số sản phẩm trước đây được gọi là sữa sang các dạng thực phẩm bổ sung, thức ăn dinh dưỡng, thực phẩm chức năng… để không phải kê khai giá với cơ quan quản lý. Không chịu sự quản lý của Bộ Tài chính, họ có thể mặc sức tăng giảm giá tùy thích. 

Như vậy, phải chăng người dân đang phải chịu thiệt thòi gấp đôi, gấp ba. Họ vừa phải mua sữa với giá cao lại vừa phải sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng (có thành phần tương tự như sữa) nhưng lại không được trợ giá?

Có lẽ vì suy nghĩ như vậy mà nhiều người tiêu dùng đang có ý nghĩ rằng, sữa là mặt hàng bình ổn giá nhưng thực sự lại chưa chia sẻ được với khó khăn của người dân.

Theo ông, cần có những giải pháp gì để thay đổi cục diện của giá sữa hiện nay?

Hiện nay có tới 90% sữa bột là ngoại nhập. Hơn 200 đơn vị nhập khẩu sữa bột hoàn toàn là tư nhân, không có một tổng công ty thương mại Nhà nước nào nhập cả. Chính vì thế việc quản lý mới trở nên phức tạp. Trước đây quản lý giá sữa chúng ta mới chỉ áp dụng các biện pháp hành chính như kê khai, kiểm tra, xử phạt nhưng chưa xử phạt được ai. Vì vậy, theo tôi nên cho một số tổng công ty Nhà nước đi nhập sữa về xem giá sữa thực tế thế nào. Đây là mặt hàng thiết yếu và gắn bó với đời sống dân sinh nên chúng ta cũng cần nghiên cứu đầu tư. Làm kinh tế phải lấy giá cả áp đảo giá cả, lấy hàng hóa áp đảo hàng hóa, lấy hệ thống phân phối áp đảo hệ thống phân phối. Ngoài ra, chúng ta phải tổ chức hệ thống phân phối đáng tin cậy, phải thúc đẩy sản phẩm nội địa, hỗ trợ các công ty nội địa tăng cường sản xuất sữa bột, lấy hàng nội địa áp đảo hàng nước ngoài…

Xin cảm ơn ông!                                     

H. Dương - T. Huế (thực hiện)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.