Sửa lời Quốc ca là vi phạm tác quyền
Mọi bàn cãi bắt đầu được châm ngòi khi ngày 4/6 mới đây, tại phiên thảo luận về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ĐBQH Huỳnh Thành (Gia Lai) nêu ra ý kiến nên thay đổi lời Quốc ca cho phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước. Theo đó, ông Huỳnh Thành đề xuất chỉnh lại khoản 3, Điều 13 thành Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dựa trên nền nhạc bài Tiến quân ca của nhạc sỹ Văn Cao. Đề xuất của vị đại biểu Gia Lai ngay lập tức nổ ra cuộc tranh cãi gay gắt trong công luận, mà việc đầu tiên cần nói tới là vấn đề tác quyền của ca khúc bất hủ này.
> Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh
Ca khúc bất hủ Tiến quân ca của cố nhạc sĩ Văn Cao đã khắc sâu vào tâm khảm mỗi thế hệ người dân Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán).
Tiến quân ca là bài hát được cố nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1944 và được Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức chọn làm Quốc ca vào năm 1946. Từ đó cho đến nay đã từng có nhiều ý kiến muốn thay đổi Quốc ca, trong đó phải kể tới đợt vận động sáng tác đầu thập niên 80 của thế kỷ XX. Nhưng sau hơn một năm phát động, cuộc thi này không được nhắc tới nữa và cũng không có tuyên bố chính thức gì về kết quả.
Nhớ lại sự kiện đó, nhạc sĩ Đoàn Bổng vẫn không khỏi băn khoăn: "Cuộc thi sáng tác Quốc ca mới được phát động năm 1981 và Nhà nước bỏ tiền ra để tổ chức nhưng chỉ được một số 0 tròn trĩnh. Đấy là hậu quả nghiêm trọng về việc muốn thay đổi Quốc ca.
Rõ ràng, lời ca và giai điệu trong một tác phẩm âm nhạc là một thể thống nhất nên dù chỉ thay đổi lời bài hát như đề xuất của vị đại biểu Gia Lai đưa ra thì cũng vi phạm nghiêm trọng đến vấn đề tác quyền vốn luôn nóng và được nhắc đến rất nhiều lâu nay. Như ý kiến của nhạc sĩ Phó Đức Phương, giám đốc trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam: "Theo luật pháp của Nhà nước Việt Nam nói riêng, của thế giới nói chung và công ước Berne thì tác giả có hai quyền là quyền nhân thân (bảo vệ trọn vẹn tác phẩm của mình) và quyền tài sản. Bây giờ nhạc sĩ Văn Cao quá cố nhưng vợ của ông là người chủ sở hữu vẫn còn đó. Nếu sửa lời, Nhà nước phải đặt vấn đề với gia đình của cố nhạc sĩ, điều đó luật pháp đã quy định”.
Bên cạnh việc vi phạm đến tác quyền ca khúc Tiến quân ca của cố nhạc sĩ Văn Cao, đề xuất sửa lời Quốc ca của đại biểu Huỳnh Thành còn khiến dư luận phải đặt ra nhiều câu hỏi nghi ngại. Theo lập luận của vị đại biểu Gia Lai thì lời Quốc ca phải phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước nhưng liệu trong 20 năm, 30 năm hoặc lâu hơn nữa, khi đất nước phát triển hơn thì lời Quốc ca có phải thay đổi để phù hợp với tình hình mới hay không? Có lẽ vị đại biểu này đang có phần nhầm lẫn giữa một tác phẩm âm nhạc với một đạo luật cụ thể khi cho rằng luật cần phải sửa đổi bổ sung để phù hợp với tình hình mới thì Quốc ca cũng phải như vậy. Và việc thay đổi lời Quốc ca thực sự có cần thiết hay không, khi bài hát này là một sản phẩm của một thời kỳ lịch sử oai hùng?
Nhạc sĩ Đoàn Bổng cho rằng, thay đổi lời Quốc ca là phủ nhận những giá trị lịch sử của dân tộc.
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
Những tranh cãi của dư luận xung quanh việc có nên hay không thay đổi lời Quốc ca vẫn còn gay gắt và chưa có dấu hiệu đến hồi ngã ngũ. Dù đồng tình hay phản đối thì mỗi bên đều có lý lẽ riêng của mình và việc chín người mười ý dường như là chuyện thường xuyên xảy ra quanh những vấn đề nóng bỏng thu hút sự quan tâm của dư luận.
Nhạc sĩ Đoàn Bổng cho rằng: "Có nhiều ông nhạc sĩ muốn "dây máu ăn phần" nên đồng ý thay đổi lời Quốc ca vì nghĩ rằng, biết đâu việc sáng tác lời rơi vào mình sẽ làm mình vinh quang, đó là sai lầm. Anh đừng tham lam, nếu anh có tài, hãy viết những bài ca về đất nước, ca ngợi quê hương của thời kỳ xây dựng, đó mới là người biết nhìn. Với bài hát Tiến quân ca, tôi thấy tác phẩm vẫn giữ nguyên giá trị”. |
Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhiều Quốc ca của các nước đã có từ vài trăm năm và dù không phản ánh được đời sống hôm nay, họ cũng không hề thay đổi. Bài La Marseillaise trở thành Quốc ca của nước Pháp từ năm 1795 và cho đến bây giờ nguyên tác bài hát vẫn được giữ nguyên mà không cần phải phù hợp với thời kỳ phát triển mới. Trong khi đó nội dung bài hát còn sắt đá hơn nhiều so với Quốc ca Việt Nam. Thế nhưng trong hơn 200 năm lịch sử, người ta không đặt ra vấn đề sửa lời như ở ta. Điều này khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi: Rất nhiều nước bao nhiêu năm không thay đổi, sao ta phải thay đổi?
Nhạc sĩ Phương cho rằng, không nên lặp lại sai lầm của năm 1981 một lần nữa vì Quốc ca không đơn thuần là một bài hát mà trở thành biểu tượng đúc kết xương máu của một dân tộc qua bao nhiêu năm. Quốc ca gắn với sự ra đời của một chính thể, một Quốc gia, một chế độ xã hội. Không giống như một ca khúc hay một bài văn, bài thơ, trách nhiệm của Quốc ca không phải là đi phản ánh tình hình hiện thực của từng giai đoạn hiện tại. Quốc ca là giá trị thiêng liêng của một Nhà nước, nó có ý nghĩa lớn lao về mặt tinh thần và lịch sử, nhạc sĩ Hồ trên núi chia sẻ.
Cũng cùng quan điểm trên, nhạc sĩ Đoàn Bổng cho rằng: "Tại sao người ta nói thề phanh thây uống máu quân thù bởi dân tộc Việt Nam khi chết 2 triệu người, thế hệ các bạn chưa hề biết và tôi cũng không hề biết. Những lời ca hào hùng đó luôn luôn nhắc nhở chúng ta về những hi sinh xương máu của cha ông và thôi thúc dân tộc ta phải cảnh giác với giặc ngoại xâm, đấy là bài học cảnh giác cách mạng. Thế thì tại sao chúng ta lại muốn thay đổi? Liệu nay mai, ta xây dựng đất nước ta lại tiếp tục đi thay đổi hay sao? Quốc ca mãi mãi là linh hồn của dân tộc và theo tôi lời Quốc ca nên để nguyên. Tại sao Bác Hồ lại chọn bài đó làm Quốc ca? Chúng ta học tập và làm theo tấm gương của Bác và bây giờ lại đi ngược lại với mong muốn của Bác hay sao?”.
Nhạc sĩ Đoàn Bổng cũng tỏ ra lo ngại bởi khi thay đổi lời Quốc ca sẽ vi phạm vào nhiều thứ: "Bây giờ chúng ta có độc lập tự do, ta lại đi thay lời Quốc ca, tức là bác bỏ tất cả những giá trị của dân tộc ngày xưa mà chúng ta nhân danh bỏ cái cũ để theo cái mới. Liệu có một ngày nào đó người ta sẽ bỏ hết các bài hát cách mạng hay không? Kể cả vấn đề này được nhiều người đồng tình thì không phải số đông lúc nào cũng đúng. Cái gì đã là truyền thống thì ta phải cố gắng mà giữ”.
Đứng ở một góc độ khác, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ lại cho rằng, việc thay đổi lời Quốc ca lẽ ra phải được tiến hành từ lâu và ông rất ủng hộ đề xuất này: "Hiện nay nước ta đang trong giai đoạn phát triển tiến lên thì việc thay đổi lời Quốc ca theo tôi là một chuyện bình thường. Tôi đồng ý thay đổi và ý kiến mà đại biểu này đưa ra nên được Quốc hội nghiên cứu”. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ còn cho rằng, nên thay đổi cả âm nhạc và lời ca vì: "Tác phẩm chỉ thích ứng vào giai đoạn lịch sử ấy và việc nên thay đổi cả về mặt hình thức và nội dung là điều đương nhiên”.
Còn nhớ vào ngày 21/6/2010, cục Bản quyền tác giả đã nhận được thư ngỏ của bà Nghiêm Thuý Băng, vợ cố nhạc sĩ Văn Cao gửi Bộ trưởng bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch. Trong thư, với tư cách là người đại diện gia đình, đang hưởng quyền thừa kế, bà đã trân trọng ngỏ lời hiến tặng Đảng, Quốc hội, Nhà nước và công chúng tác phẩm Tiến quân ca đang được sử dụng làm Quốc ca nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ 1946 đến nay. Đứng trước thông tin muốn sửa lời bài hát Tiến quân ca, gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã trả lời báo chí rằng, nguyện vọng của gia đình là giữ nguyên phần lời cho bài Quốc ca này như là một sự tôn trọng lịch sử bài hát. |
T.Loan - P.Thiệu