Phát sinh vướng mắc cần được điều chỉnh
Sáng 25/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sau 15 năm triển khai thi hành, Luật Bảo hiểm y tế đã thực sự đi vào cuộc sống với 93,3 triệu người tương ứng 93,35% dân số tham gia bảo hiểm y tế.
Điều này, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp của chính sách bảo hiểm y tế theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, là cơ chế bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh.
"Tuy nhiên, do một số quy định cần sửa đổi ngay để đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 và nhất là các quy định liên quan đến cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh để có hiệu lực đồng bộ từ ngày 1//1/2025 nên trước mắt cần tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế để khắc phục các bất cập mang tính cấp bách", Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật; được bố cục gồm 2 điều về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và hiệu lực thi hành của Luật.
Dự thảo Luật thể hiện đầy đủ theo 4 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua: Điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; Điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn;
Điều chỉnh các quy định bảo hiểm y tế có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; phân bổ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả.
Nhóm nội dung lớn trong dự thảo Luật
Về nội dung cụ thể của dự thảo Luật, theo đó về các quy định để thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan: Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung đối tượng tham gia, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế để khắc phục bất cập và đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội; cập nhật các đối tượng đã thực hiện ổn định tại các luật, nghị định;
Bổ sung một số đối tượng cần được Nhà nước hỗ trợ để tăng bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân; sửa đổi trách nhiệm, phương thức, thời hạn đóng, trách nhiệm lập danh sách đóng bảo hiểm y tế, thời hạn thẻ có giá trị sử dụng để đồng bộ với việc sửa các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; bổ sung hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế.
Sửa đổi quy định về khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến) được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, trên cơ sở giữ ổn định tỉ lệ hưởng bảo hiểm y tế theo quy định của Luật hiện hành.
Bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ.
Sửa đổi quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế để đồng bộ với quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật theo hướng phân cấp, phân quyền cho Sở Y tế xác định cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và phân bổ thẻ bảo hiểm y tế phù hợp với thực tế của địa phương trên cơ sở quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế....
Về các nội dung sửa đổi mới mang tính cấp bách đã có thông tin, dữ liệu rõ ràng để khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về vận chuyển người bệnh, một số phạm vi quyền lợi về điều trị lác, tật khúc xạ của mắt cho người dưới 18 tuổi.
Bổ sung quy định chi phí sử dụng máu, chế phẩm máu, khí y tế, vật tư, công cụ, dụng cụ sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế để đồng bộ với Luật khám bệnh, chữa bệnh.
Cập nhật quy định về ban hành nguyên tắc, tiêu chí xây dựng danh mục thuốc bảo hiểm y tế hiện đang được quy định bằng văn bản hành chính để bảo đảm tính quy phạm, minh bạch, công khai.
Đồng thời, quy định trường hợp mắc bệnh mãn tính chuyển về cấp thấp hơn được sử dụng thuốc như cấp cao hơn và điều chỉnh tỉ lệ hưởng bảo hiểm y tế trong một số trường hợp để phát huy vai trò của y tế cơ sở.
Bổ sung cơ chế thanh toán điều chuyển thuốc trong trường hợp đã mua sắm theo các quy định thuận tiện nhất của Luật Đấu thầu mới nhưng vẫn thiếu thuốc nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc và bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, không để người bệnh phải tự mua, tự chi trả và được bảo đảm quyền lợi.
Cập nhật cơ chế thanh toán chi phí dịch vụ cận lâm sàng được chuyển đến cơ sở khác đủ điều kiện thực hiện đang được quy định tại nghị định của Chính phủ.
Về sửa đổi, bổ sung các nội dung mang tính chỉnh sửa kỹ thuật và một số nội dung cụ thể để tăng cường hiệu quả thực hiện Luật: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số thuật ngữ, các nội dung mang tính chất kỹ thuật, trách nhiệm, thời hạn trả thẻ bảo hiểm y tế để tránh tình trạng chậm cấp thẻ bảo hiểm y tế; sửa đổi một số cụm từ và bãi bỏ một số điểm, khoản cho phù hợp.
Quy định hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp của Luật. Trong đó, một số quy định liên quan đến cấp chuyên môn kỹ thuật có hiệu lực ngay từ 1/1/2025 để đồng bộ, cùng thời điểm có hiệu lực quy định cấp chuyên môn tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
Các quy định khác có hiệu lực từ 1/7/2025 để có đủ thời gian xây dựng văn bản quy định chi tiết và chuẩn bị các điều kiện tổ chức thực hiện luật.
Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung và thấy rằng nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với mục đích, yêu cầu xây dựng Luật.
Dự án Luật cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp 8. Tuy nhiên, để đảm việc thông qua trong một kỳ họp, dự thảo Luật cần tập trung vào những nội dung cấp bách, cốt lõi đã có bằng chứng, số liệu rõ ràng, đạt được sự đồng thuận cao.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, khắc phục những khó khăn, bất cập đã được nhận diện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.