Nòng cốt trong lĩnh vực an sinh xã hội
Phát biểu tham luận tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái, Hội Luật gia tỉnh Yên Bái tổ chức, PGS.TS Chu Hồng Thanh – Giảng viên cao cấp Trường ĐH Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, Luật BHXH có vai trò, ví trí và giá trị rất lớn, giữ vai trò quan trọng nhất và nòng cốt trong lĩnh vực an sinh xã hội. Bản thân vấn đề an sinh xã hội là vần đề cốt tử, là vấn đề được quan tâm hàng đầu tại mỗi quốc gia trên thế giới.
Như vậy, việc bảo đảm quyền được an sinh xã hội cho người dân là trách nhiệm của Nhà nước, là yêu cầu, điều kiện cần thiết của sự ổn định, phát triển của xã hội, của mọi quốc gia. An sinh xã hội chính là trách nhiệm của Nhà nước trong việc phòng ngừa và khắc phục những rủi ro thấp nhất có thể đến với con người, với công dân.
Như vậy, dự thảo Luật BHXH lần này cần thay đổi cách nhìn nhận về BHXH và an sinh xã hội.
Ông Thanh đề nghị sửa đổi Luật theo hướng là phục vụ nhân dân, là tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền được hưởng bảo hiểm xã hội của người dân.
Bên cạnh đó, ông Thanh cho rằng trong hệ thống khái niệm và trong toàn bộ cấu trúc của Luật cần nhấn mạnh hơn yếu tố bảo đảm quyền con người về bảo hiểm xã hội, tránh những thuật ngữ và cụm từ mang tính “xin-cho”, nhấn mạnh tính trách nhiệm của Nhà nước bảo đảm các quyền được hưởng an sinh xã hội và bảo hiểm xã hội của người dân…
Cần giảm thiểu tình trạng rút BHXH một lần
Tham gia ý kiến, TS. Phan Thị Thanh Huyền- Trường Đại học Công đoàn cho biết dự thảo Luật bảo hiểm xã hội đã tiệm cận tiêu chuẩn lao động quốc tế phổ quát và các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hiểm xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập trong bối cảnh mới của Việt Nam.
Góp ý về nội dung bảo hiểm xã hội một lần (Điều 77), bà Huyền cho rằng, để mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội, vấn đề cấp thiết hiện nay là cần giảm thiểu tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần. Lý do là vì việc rút bảo hiểm xã hội một lần làm suy giảm, thậm chí mất khả năng hưởng chế độ hưu trí trong dài hạn.
Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã thiết kế các quy phạm pháp luật điều chỉnh về bảo hiểm xã hội một lần theo 2 phương án. Bà Huyền cho rằng cả hai phương án đều hướng tới mục tiêu cuối cùng nhằm khuyến khích người lao động ở lại hệ thống để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại bất lợi khi họ hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, bà ủng hộ phương án 2 vì những lý do:
Thứ nhất, chế độ bảo hiểm hưu trí một lần nhìn chung là nội dung không phù hợp với tiêu chuẩn của Công ước 102 (hưởng bảo hiểm xã hội một lần không nằm trong quy định của công ước 102) và không đúng với nguyên tắc của an sinh xã hội. Do vậy, nếu so sánh về tính tương thích với Công ước số 102 và nguyên tắc của an sinh xã hội giữa 2 phương án mà Dự thảo đề xuất thì phương án 2 là lựa chọn tốt hơn.
Đồng thời, phương án 2 cũng phù hợp hơn với Nghị quyết số 28 khi Nghị quyết đề ra nội dung cải cách “Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần”.
Thứ hai, phương án 2 giúp người lao động có thêm chi phí để giải quyết những khó khăn trước mắt, nhưng đồng thời cũng giữ người lao động ở lại hệ thống lâu hơn, tăng khả năng được thụ hưởng các quyền lợi bảo hiểm xã hội trong giai đoạn cao tuổi của cuộc đời, trong đó quan trọng nhất là vẫn tiếp tục được hưởng bảo hiểm y tế, trợ cấp hàng tháng.
Những khoản thụ hưởng này sẽ góp phần ổn định an sinh xã hội, giúp các đối tượng mặc dù đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần những vẫn không bị lọt lưới an sinh xã hội, hỗ trợ họ trong giai đoạn tuổi cao mà sức lao động đã không còn, tránh bị bần cùng hoá.
Thứ ba, phương án 2 giúp Quỹ bảo hiểm xã hội luôn được duy trì ở trạng thái an toàn cao hơn so với phương án 1 trong các trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đồng loạt rút bảo hiểm xã hội một lần (như tình trạng đã từng xảy ra trong đại dịch Covid-19).
Trong những trường hợp này nếu có xảy ra, với phương án 2 ít nhất Quỹ bảo hiểm xã hội vẫn giữ lại được 50% của phần đóng góp mà người lao động đã đóng trong quá trình tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, từ đó Quỹ bảo hiểm xã hội sẽ ổn định hơn, tránh tình trạng cùng lúc quá nhiều người rời khỏi hệ thống, đã thâm hụt nguồn thu quỹ và lại phải chi trả quá nhiều.
Quỹ bảo hiểm xã hội ổn định hơn đồng nghĩa với an sinh xã hội quốc gia ổn định, vững vàng hơn, chăm lo tốt hơn cho đời sống của nhân dân.
Thực tế việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua cho thấy rất nhiều trường hợp người lao động sau khi nhận bảo hiểm xã hội một lần có nguyện vọng nộp lại số tiền đã hưởng để có cơ hội đóng bù hoặc đóng thêm cho đủ thời gian hưởng chế độ hưu trí…
Do vậy, bà Huyền đề xuất cân nhắc nghiên cứu, bổ sung quy định cho phép người lao động trong những trường hợp nhất định được “bồi hoàn” toàn bộ số tiền đã nhận bảo hiểm xã hội một lần cộng với một khoản phí (tính toán cụ thể, có thể tương ứng với lãi suất đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội hoặc tương đương với giá trị khoản bảo hiểm xã hội được giải quyết lại tại thời điểm bồi hoàn...) tạo điều kiện để họ có cơ hội được tiếp cận, hưởng chế độ hưu trí hàng tháng đảm bảo cuộc sống khi tuổi già.
Cũng quan tâm đến bảo hiểm xã hội một lần, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho rằng, tình trạng rút BHXH một lần như thời gian qua chỉ giúp người lao động giải quyết khó khăn trước mắt khi mất việc, nhưng về lâu dài vừa không bảo đảm quan điểm của đảng, Nhà nước cũng như chính sách nhân văn trong hệ thống an sinh xã hội, gây khó khăn cho người lao động sau này.
Đồng tình với phương án 2, ông Duy đề nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung, hoàn thiện thêm nội dung quy định tại điều 77, bổ sung hoàn thiện trong tờ trình để bảo đảm tính tường minh của điều luật và tính thuyết phục cho nội dung tờ trình khi trình ra Quốc hội.
Tham gia phát biểu ý kiến, ông Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết quan điểm sửa Luật BHXH có 2 nguyên tắc, nguyên tắc đóng hưởng và bảo đảm an sinh xã hội đúng như quy định của Hiến pháp. Theo ông Thành bảo đảm đúng theo nguyên tắc của bảo hiểm thì cần có giải trình thấu đáo trước Quốc hội.
Liên quan đến trợ cấp hưu trí, ông Thành cho rằng đây là chủ trương chính sách nhân văn của đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, ông Thành đề nghị giải thích rõ liên quan đến nguyên tắc đóng hưởng thế nào? Khác biệt của trợ cấp hưu trí với các trợ cấp xã hội khác ra sao?
Bên cạnh đó, ông Thành cũng rất băn khoăn quanh việc rút BHXH một lần, đưa trợ cấp hưu trí vào Luật cũng cần đánh giá kỹ lưỡng tác động.
Về rút BHXH một lần ông Thành cho rằng cần trình cả 2 phương án, cần quan tâm đến vấn đề an toàn Quỹ, cân đối, bảo đảm hài hòa, tránh tình trạng rút bảo hiểm xã hội ồ ạt. Do đó, cần phân tích rõ ưu, nhược điểm của từng phương án.
“Đối với dự án Luật này có lẽ cũng phải đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Vì phạm vi tác động lớn, để người dân thảo luận đóng góp ý kiến”, ông Thành nêu ý kiến.
Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền trân trọng cảm ơn các ý kiến tham luận, góp ý của các chuyên gia, ĐBQH, lãnh đạo các sở, ngành các địa phương. Sau hội thảo, các ý kiến đóng góp sẽ được Hội Luật gia Việt Nam tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi đến các cơ quan hữu quan để nghiên cứu, tham khảo, góp phần phục vụ việc Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trong thời gian tới.
Một số hình ảnh tại hội thảo:
Điều 77, Bảo hiểm xã hội một lần dự thảo Luật quy định:
Phương án 1:
đ) Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm;
Phương án 2:
đ) Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
e) Trường hợp người lao động quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 3 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Xem thêm:
>>> "Việc sửa đổi Luật BHXH năm 2014 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay”
>>> Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái: Sửa Luật BHXH bảo đảm đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân
Hoàng Bích - Hữu Thắng