Ngày 15/6, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Đây là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm đông đảo của Quốc hội do tầm quan trọng của hoạt động Dầu khí đối với sự phát triển kinh tế và các nhiệm vụ an ninh quốc gia trên biển.
Đặc biệt, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) lần này dành riêng một chương quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Theo đó dự thảo Luật đã phân cấp cho PVN phê duyệt Kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí, phê duyệt điều chỉnh nội dung Kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí…
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, PVN là doanh nghiệp Nhà nước nhưng cũng là một doanh nghiệp rất đặc thù. Trong đó, PVN vừa tổ chức điều hành; vừa điều tra cơ bản, tìm kiếm, thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí; vừa giám sát hợp đồng dầu khí, cũng như phê duyệt chương trình công tác ngân sách, kiểm toán chi phí. Có ý kiến ngại về việc dự thảo Luật quy định như vậy sẽ khó có sự kiểm soát.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này tại tọa đàm “Hoàn thiện thể chế - Đòn bẩy cho ngành Dầu khí phát triển” diễn ra vào tối ngày 13/6, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho biết, về bản chất dự thảo luật Dầu khí sửa đổi lần này có những thay đổi rất căn cơ, không phải là bỏ chương này thêm chương kia mà có những cái thay đổi dựa trên những "va đập" thực tiễn của ngành Dầu khí với bối cảnh mới.
Về quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của PVN, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh đây là vấn đề rất khó khi PVN vừa ở vai Nhà nước, vừa ở vai doanh nghiệp. Theo đó việc làm thế nào để PVN không "vừa đá bóng, vừa thổi còi" là việc không hề dễ dàng.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, TS. Võ Trí Thành cho biết trên thế giới có những mô hình khác nhau, cũng có những mô hình vừa đóng vai trò nhà nước vừa đóng vai trò doanh nghiệp, cũng có mô hình thuần túy mang tính chất thị trường... mang tính cạnh tranh, tách biệt vai trò với Nhà nước. Ngoài ra, cũng có những mô hình giao thoa giữa các loại hình. “Việc lựa chọn mô hình nào là do chúng ta”, ông Thành cho biết.
“Nếu chuyển hẳn mô hình mới thì chi phí chuyển đổi không hề nhỏ. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn nhiều vấn đề khác như khung pháp lý, xã hội... Dự thảo luật Dầu khí lần này tinh thần là sự kế thừa, PVN vẫn đóng vai trò như một doanh nghiệp Nhà nước và cũng có vai trò quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, ông Thành cũng lưu ý với mô hình PVN hiện tại là sở hữu nhà nước thì sẽ không giải quyết triệt được vấn đề mối quan hệ giữa ông chủ tập đoàn và người đại diện.
Bên cạnh đó, về phân cấp, phân quyền, phải làm rõ về tính minh bạch, những vấn đề khi xử lý tranh chấp với vai trò nhà nước hay doanh nghiệp?
“Hiện, chúng ta cần tập trung nguồn lực để chỉnh lại chương quy định về PVN theo hướng chặt chẽ, có chuyển đổi căn bản. Tác động lan tỏa này không chỉ là ngành Dầu khí mà còn là vấn đề cải cách thể chế. Về dài hạn, với xu hướng chuyển dịch năng lượng hiện nay chúng ta phải tính đến việc xây dựng Luật Năng lượng trong 10-15 năm tới”, TS. Võ Trí Thành cho biết.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Đoàn Văn Thuần, Trưởng bộ phận Nghiên cứu kinh tế, Viện Dầu khí Việt Nam cho biết việc sửa đổi Luật Dầu khí lần này sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý, môi trường đầu tư cạnh tranh toàn diện, không chỉ về mặt cơ chế tài chính mà còn ở phân cấp, phân quyền cho công tác đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, đặc biệt là đơn giản hóa các thủ tục.
Cụ thể, theo Luật Dầu khí hiện hành, hầu hết các quy trình liên quan, khi triển khai các hợp đồng dầu khí đều phải được Thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên, theo dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), nội dung này sẽ được phân quyền cho cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Công thương phê duyệt: từ báo cáo chất lượng, báo cáo phát triển mỏ…Đây là những căn cứ pháp lý cao nhất để nhà đầu tư triển khai hoạt động dầu khí.
“Để báo cáo phát triển mỏ được duyệt, dự thảo luật lần này cũng đề xuất kế hoạch phát triển mỏ đại cương sẽ phân cấp cho PVN được phê duyệt.
Có thể nói, đây cũng là một bước cách mạng, phù hợp hơn với thông lệ dầu khí quốc tế và chủ trương phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ triển khai trong thời gian gần đây.
Về thông lệ dầu khí quốc tế, nghiên cứu của Viện Dầu khí Việt Nam ở một số quốc gia trong khu vực như Malaysia, Indonesia hay Na Uy thì cơ quan quản lý nhà nước cũng hầu hết phê duyệt quy trình triển khai này”, ông Thuần.
Đối với chương trình công tác ngân sách hoặc các hoạt động kiểm toán của PVN, ông Đoàn Văn Thuần đặt câu hỏi: “Những vấn đề này có dẫn đến xung đột lợi ích hay không, khi mà PVN cũng đồng thời tham gia với cả vai trò là nhà đầu tư?”
Bày tỏ quan điểm của mình, ông Thuần cho biết: “Có lẽ thời điểm hiện nay, việc lựa chọn mô hình vừa đồng thời là nhà đầu tư, vừa tham gia vai trò quản lý nhà nước vẫn là phù hợp.
Là bởi dù là quy trình, nhưng khi cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Công thương phê duyệt, thì việc triển khai rồi giám sát các nhà thầu liên quan đến kỹ thuật của hoạt động dầu khí lại cần có cơ quan chuyên môn để thực hiện các hoạt động giám sát.
Hoạt động giám sát, phù hợp nhất hiện nay chính là vai trò của PVN , để hỗ trợ Chính phủ trong việc quản lý công tác triển khai các hợp đồng dầu khí”.