Sự cần thiết sửa đổi luật
Sáng 13/9, sau khi Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XV khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày đã nêu rõ sự cần thiết ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Theo đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời cách đây 20 năm, khi thị trường bảo hiểm còn non trẻ, cơ quan quản lý cũng mới thành lập, quy mô thị trường còn nhỏ, các sản phẩm, kênh phân phối chưa đa dạng. Đến nay, trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan thay đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm bộc lộ một số bất cập nhất định.
Mục tiêu xây dựng Luật là nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của Luật Kinh doanh bảo hiểm với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Mục tiêu tiếp theo là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm kết hợp với việc cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, khách hàng, sự an toàn của cả hệ thống, tiết giảm chi phí xã hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với 8 chương, 156 điều đã bám vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 7 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 31/12/2019.
7 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật
Cụ thể, 7 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật như sau:
Với những quy định chung: Các nội dung được sửa đổi, bổ sung và quy định mới bao gồm: Đối tượng áp dụng mở rộng so với luật cũ là tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ để phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan; nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia (EVFTA, CPTPP); các loại hình bảo hiểm thành 3 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm bắt buộc, giới hạn lại để phản ánh đúng bản chất của loại hình bảo hiểm này.
Về Hợp đồng bảo hiểm: Nội dung này cơ bản giữ nguyên cách thiết kế của Luật cũ, bổ sung thêm mục về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận và giải quyết tranh chấp. Nội dung về hợp đồng bảo hiểm được hoàn thiện gồm: Các quy định chung; đối với từng loại hợp đồng (nhân thọ và sức khỏe, tài sản và thiệt hại, trách nhiệm dân sự); về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận và giải quyết tranh chấp;...
Về Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm: Dự thảo Luật mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm; đơn giản điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới; bổ sung việc đăng ký kinh doanh; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp sản phẩm thuộc lĩnh vực bảo hiểm khác.
Về tổ chức hoạt động, bổ sung các quy định mới nhằm nâng cao quản trị điều hành của doanh nghiệp như quy định mới về tổ chức hoạt động, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, phù hợp với tính chất hoạt động kinh doanh bảo hiểm; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm, thuê ngoài đáp ứng điều kiện; bổ sung quy định điều kiện trong trường hợp thuê ngoài. Ngoài ra, bổ sung nội dung, nguyên tắc khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đối tượng và hình thức cung cấp dịch vụ bảo hiểm trên môi trường mạng;...
Về Bảo hiểm vi mô: Nội dung này được quy định mới bao gồm nội dung về đặc trưng bảo hiểm vi mô và các tổ chức được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô (doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô).
Về Đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm: Các nội dung sửa đổi bổ sung nhằm phù hợp với thực tiễn triển khai của thị trường trong thời gian qua, bao gồm sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện, nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm, nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, của đại lý bảo hiểm; những điều đại lý bảo hiểm không được làm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm.
Về Quản lý tài chính doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm: Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm theo hướng chuyển đổi sang quản lý vốn trên cơ sở rủi ro. Theo đó, dự thảo Luật yêu cầu doanh nghiệp phải xác định tỷ lệ an toàn vốn, quản lý vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro của doanh nghiệp.
Các quy định về dự phòng nghiệp vụ, hoạt động đầu tư, quản lý tài sản, doanh thu - chi phí được sửa đổi tương ứng với mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro như yêu cầu sử dụng chuyên gia tính toán trong trích lập dự phòng, dự phòng phải kèm theo tài sản tương ứng và được đánh giá thường xuyên; bãi bỏ quy định về danh mục đầu tư thay bằng quy định về tài sản không được đầu tư, bổ sung quy định đầu tư ra nước ngoài; doanh nghiệp phải tách, ghi nhận và theo dõi riêng đối với nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn phí bảo hiểm thu được của bên mua bảo hiểm; hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong và ngoài nước.
Ngoài ra, bổ sung quy định đối với kiểm toán độc lập, phạm vi kiểm toán độc lập và trách nhiệm cung cấp thông tin cho Bộ Tài chính.
Về Quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm: Sửa đổi theo hướng gộp quy định về nội dung quản lý nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước; bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Đối với cơ chế phối hợp trong quản lý nhà nước: Bổ sung quy định Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài trong việc phối hợp quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quản lý, giám sát cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiếp pháp năm 2013 và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, Luật này sau khi được thông qua sẽ song song tồn tại với nhiều luật khác có các quy định về loại hình bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc; đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh; thẩm quyền phê duyệt các chức danh lãnh đạo; mô hình tổ chức; trình tự, thủ tục đầu tư; thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm; trách nhiệm của chủ sở hữu, thành viên góp vốn, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát... Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ, đối chiếu với các luật liên quannhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.