Sửa Luật Tần số vô tuyến điện góp phần xây dựng hạ tầng số, kinh tế số

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 6, 03/06/2022 13:01

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, luật lần này sửa đổi quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp thông qua đấu giá.

Điều kiện tham gia đấu giá

Sáng 3/6, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội tờ trình Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, quan điểm của Luật là quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số;

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động thông suốt của các hệ thống thông tin vô tuyến điện…

Tiêu điểm - Sửa Luật Tần số vô tuyến điện góp phần xây dựng hạ tầng số, kinh tế số

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, sửa Luật Tần số vô tuyến điện góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm, luật lần này sửa đổi quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp thông qua đấu giá.

Luật cũng làm rõ doanh nghiệp nhận chuyển nhượng phải kế thừa đầy đủ các nghĩa vụ của tổ chức chuyển nhượng với điều kiện bảo đảm tổng độ rộng băng tần sau khi nhận chuyển nhượng, không vượt quá giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được cấp phép sử dụng.

Đồng thời, bổ sung quy định yêu cầu tổ chức đề nghị cấp phép thông qua đấu giá, thi tuyển, hoặc khi được cấp lại giấy phép sử dụng băng tần phải có cam kết triển khai mạng viễn thông và nộp tiền bảo đảm thực hiện cam kết này.

Khi vi phạm cam kết thì bị đình chỉ có thời hạn một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, hoặc bị thu hồi giấy phép, nhằm bảo đảm tần số được sử dụng hiệu quả, đáp ứng mục tiêu phát triển viễn thông của Nhà nước.

Luật cũng bổ sung quy định về điều kiện được tham gia đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện như:  yêu cầu tổ chức phải có đủ điều kiện được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông; phải có cam kết triển khai mạng viễn thông sau khi được cấp phép theo quy định; bổ sung quy định điều kiện được cấp lại giấy phép sau khi hết hạn như phải sử dụng có hiệu quả băng tần, kênh tần số đã cấp.

Tránh lãng phí tài nguyên tần số vô tuyến điện

Thẩm tra Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã nêu rõ về sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật.

Tiêu điểm - Sửa Luật Tần số vô tuyến điện góp phần xây dựng hạ tầng số, kinh tế số (Hình 2).

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy.

Ông Huy cho biết thêm, theo điểm b, khoản 1, điều 11 Luật Tần số vô tuyến điện:"... Đối với băng tần được quy hoạch cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng, thì việc phân bổ bao gồm giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được cấp phép sử dụng trong băng tần được quy hoạch hoặc trong nhóm băng tần nhất định”.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, băng tần di động là đầu vào thiết yếu để doanh nghiệp thông tin di động triển khai mạng lưới, kinh doanh và cung cấp dịch vụ viễn thông.

Việc giới hạn này có thể ảnh hưởng đến phát triển thị trường của doanh nghiệp, quyền lợi của người dân trong lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và sử dụng mạng di động, giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp lớn trên thị trường.

Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cũng nhận thấy, tổng lượng băng thông của băng tần di động là hữu hạn, doanh nghiệp nào càng nắm giữ nhiều băng tần di động thì doanh nghiệp đó sẽ càng có lợi thế cạnh tranh.

Nếu không quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần phân bổ cho từng doanh nghiệp sẽ dẫn đến tình trạng làm giảm hoặc thậm chí triệt tiêu tính cạnh tranh của thị trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ viễn thông và dẫn tới độc quyền doanh nghiệp.

Vì vậy, phải có quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một doanh nghiệp được phép nắm giữ, sử dụng để tránh xảy ra tình trạng thâu tóm độc quyền, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên tần số vô tuyến điện. Quy định này cũng được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cũng cho biết, việc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện là phương thức công khai, minh bạch, công bằng và được nhiều nước trên thế giới lựa chọn áp dụng.

Phương thức này đã được quy định trong Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009, Luật Đấu giá tài sản năm 2016, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa được triển khai trên thực tế.

Vì vậy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình lý do trong hơn 13 năm qua không thực hiện được quy định về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.