Tạo hành lang pháp lý cho hoạt động trọng tài
Để hiểu rõ hơn về kết quả cũng như những điều đã đạt được, những bất cập phát sinh của Luật TTTM sau hơn 10 năm triển khai, Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).
NĐT: Thưa TS. Vũ Tiến Lộc, là người đại diện đơn vị hoạt động trong lĩnh vực trọng tài và hòa giải thương mại, xin ông chia sẻ về những thuận lợi kể từ khi Luật TTTM có hiệu lực trong việc giải quyết các tranh chấp?
TS. Vũ Tiến Lộc: TTTM hiện là phương thức giải quyết tranh chấp được sử dụng phổ biến nhất trong thương mại và đầu tư quốc tế và đã có lịch sử khoảng 200 năm phát triển. Ở Việt Nam, cùng với sự phát triển, việc ban hành Luật TTTM năm 2010 có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động trọng tài cũng như thúc đẩy sự phát triển của hoạt động trọng tài kinh tế tại Việt Nam.
Vào thời điểm năm 2010, Luật TTTM được đánh giá có nhiều điểm tiến bộ, phản ánh được thực tiễn tốt về trọng tài, đặc biệt là pháp luật và thực tiễn trọng tài quốc tế. Luật TTTM, tuy chưa được công nhận là tuân theo Luật Mẫu về Trọng tài quốc tế của UNCITRAL nhưng về cơ bản đã tiếp nhiều nguyên tắc căn bản, cốt lõi của trọng tài quốc tế như: nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên tranh chấp; nguyên tắc bảo mật; nguyên tắc chung thẩm của trọng tài; nguyên tắc thẩm quyền của thẩm quyền,...
Kết quả là hoạt động trọng tài kinh tế tại Việt Nam đã từng bước đạt được những kết quả tích cực. Số lượng các tổ chức trọng tài được thành lập cũng như số vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài ngày càng tăng.
NĐT: Xin ông cho biết các vụ tranh chấp thông qua trọng tài đã được giải quyết như thế nào?
TS. Vũ Tiến Lộc: Khi các bên đưa tranh chấp ra giải quyết tại trọng tài, các bên cần hiểu rõ rằng trọng tài trước hết vẫn là một phương thức tố tụng, tức là thủ tục giải quyết luôn phải tuân thủ nguyên tắc chung của tố tụng là phải hợp thức để đảm bảo quyền tham gia và trình bày ý kiến để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp.
Bên cạnh đó, tố tụng trọng tài do là cơ chế tài phán ngoài tòa án, do các bên tranh chấp lựa chọn sử dụng nên cho phép các bên có nhiều quyền tự định đoạt trong quá trình giải quyết giúp cho thủ tục trọng tài có thể phù hợp với nhiều loại tranh chấp, đặc biệt là các tranh chấp có yếu tố nước ngoài, yếu tố FDI, các tranh chấp phức tạp hay các tranh chấp phát sinh từ các lĩnh vực mới (Công nghệ thông tin, Sở hữu trí tuệ,…).
Tố tụng trọng tài chỉ có một cấp, là phương thức giải quyết chung thẩm. Các yếu tố này giúp đảm bảo giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đạt hiệu quả về mặt thời gian và chi phí.
Bên cạnh đó, tố tụng trọng tài có một đặc điểm riêng là bảo mật, không công khai, giúp các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp không phải chịu thêm các áp lực từ thị trường từ công luận. Đồng thời, bảo vệ các bí mật kinh doanh, bảo vệ quan hệ hợp tác giữa các bên.
Các phán quyết trọng tài được đảm bảo hiệu lực trong lãnh thổ Việt Nam – có hiệu lực thi hành ngay, tương đương với các bản án có hiệu lực của tòa án và có thể được thuận tiện yêu cầu công nhận cho thi hành trên phạm vi thế giới theo khuôn khổ Công ước New York 1958.
Một vụ tranh chấp tại trọng tài VIAC hiện được giải quyết chung thẩm trong thời gian trung bình chỉ khoảng 7-8 tháng.
Giải tỏa điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh
NĐT: Bên cạnh những kết quả đạt được, sau hơn 10 năm thực hiện, xin ông cho biết Luật TTTM có những bất cập gì cần thiết phải sửa đổi?
TS. Vũ Tiến Lộc: Trong 10 năm qua, nền kinh tế đất nước đã có nhiều thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt trong những năm đại dịch Covid-19 toàn cầu vừa qua, khiến cho một số quy định của Luật TTTM không còn phù hợp, đôi khi gây trở ngại cho trọng tài và cũng có nghĩa là cản trở các doanh nghiệp trong việc dùng phương thức ngoài tòa án để bảo vệ cho quyền lợi hợp pháp và chính đáng của mình. Có thể nêu ra đây hai vấn đề nổi cộm nhất.
Thứ nhất, về thủ tục giám sát của Tòa án với thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài. Vai trò giám sát của Tòa án quốc gia đối với thủ tục trọng tài nói chung là một thực tiễn phổ biến và là một hoạt động có vai trò quyết định đối với sự phát triển của trọng tài trên toàn thế giới. Theo quy định tại Điều 44 Luật TTTM, thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài có thể được giám sát bởi tòa án khi có một bên thực hiện khiếu nại và thủ tục xem xét khiếu nại này được thực hiện hoàn toàn trên cơ sở hồ sơ của bên khiếu nại, do một thẩm phán thực hiện, không có thủ tục mở phiên họp xét đơn.
Thủ tục này tuy có ưu điểm là đẩy nhanh quá trình tòa án xem xét, nhưng thực tế đang có những bất cập nhất định, đặc biệt đã được nhiều lần phản ánh tại Sách Trắng do Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM Việt Nam) như là một điểm bất lợi đối với trọng tài.
Do đó, việc giải quyết khiếu nại về thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài cần được thảo luận tìm phương án sửa đổi. Dựa trên định nghĩa mở về phán quyết trọng tài tại Luật Mẫu UNCITRAL, các đạo luật trọng tài quốc gia đều coi quyết định về thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài với các tính chất như trên là một “phán quyết từng phần”; theo đó, một số trung tâm trọng tài khuyến khích việc sử dụng phán quyết trọng tài từng phần cho những trường hợp cụ thể (đặc biệt là những vấn đề về thẩm quyền).
Thứ hai, về căn cứ giám sát Phán quyết trọng tài của Tòa án. Mặc dù được xây dựng dựa trên Luật Mẫu UNCITRAL, quy định về huỷ phán quyết trọng tài trong Luật TTTM vẫn còn một số điểm chưa tương đồng với Luật Mẫu. Căn cứ huỷ phán quyết trọng tài đặt ra câu hỏi về việc làm sao để Hội đồng xét đơn có thể xác định một chứng cứ mà các bên đã cung cấp trong tố tụng trọng tài là giả mạo và Hội đồng Trọng tài đã căn cứ trên chứng cứ đó để ra phán quyết trong khi vẫn tôn trọng nguyên tắc không xét xử lại nội dung vụ tranh chấp như đã đặt ra.
Luật Mẫu UNCITRAL không có căn cứ hủy phán quyết trọng tài về chứng cứ giả mạo. Ngay cả các nước không áp dụng Luật Mẫu nhưng có nền trọng tài phát triển như Anh hay Pháp cũng không quy định “chứng cứ giả mạo” là một căn cứ hủy phán quyết trọng tài. Rất hiếm đạo luật trọng tài có quy định về căn cứ chứng cứ giả mạo; các đại diện này như Ý hay Trung Quốc đều không phải là những nền tài phán tiêu biểu, dẫn đầu xu hướng phát triển về TTTM.
NĐT: Từ những vấn đề nổi cộm mà ông vừa nêu trên, vậy theo ông việc sửa đổi Luật TTTM có mang tính cấp thiết? Là Chủ tịch của VIAC ông có kỳ vọng như thế nào nếu Luật được sửa đổi trong thời gian tới?
TS. Vũ Tiến Lộc: Luật TTTM đã thi hành được hơn 10 năm, việc sửa đổi Luật TTTM để hoàn thiện hơn các thể chế của pháp luật, cũng như để trọng tài Việt Nam bắt kịp với xu hướng hiện tại của thế giới là vô cùng cần thiết trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Việc sửa đổi Luật TTTM có thể sẽ đem lại những thay đổi quan trọng cho thị trường trọng tài tại Việt Nam khi đem lại khung pháp lý mới mẻ, tiệm cận với xu hướng giải quyết tranh chấp tiên tiến bằng con đường trọng tài trên thế giới. Đặc biệt, đối với các nội dung liên quan đến mở rộng thẩm quyền của trọng tài, sự giám sát và hỗ trợ của tòa án đối với tố tụng trọng tài.
Ngoài hai vấn đề liên quan tới vai trò của tòa án đối với trọng tài mà tôi nêu trên, việc làm rõ phạm vi giải quyết bằng trọng tài theo hướng mở rộng cũng vô cùng quan trọng – và hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của thế giới, phù hợp với cách giải thích của Luật Mẫu 2006.
Tôi rất tin tưởng vào quá trình soạn thảo Luật TTTM mới với những thay đổi lớn và tiến bộ, trọng tài sẽ có thể trở thành sự lựa chọn hàng đầu trong giải quyết tranh chấp, xung đột của giới kinh doanh, góp phần giải tỏa một trong các điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam là tình trạng kém hiệu quả của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của cộng đồng doanh nghiệp; từ đó, nâng cao khả năng chống chịu và thích nghi với các biến đổi khó lường của tình hình kinh tế, xã hội và tăng cường khả năng đổi mới, sáng tạo của các doanh nghiệp trong một thị trường văn minh, sôi động, phát triển.
NĐT: Xin cảm ơn ông!
Trên 60% vụ tranh chấp có yếu tố quốc tế đã được giải quyết
Hàng ngàn vụ tranh chấp phức tạp trong đó có trên 60% vụ tranh chấp có yếu tố quốc tế và liên quan tới khu vực đầu tư nước ngoài - FDI đã được giải quyết thành công tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam. Các tranh chấp được giải quyết thành công rất đa dạng, đến từ nhiều lĩnh vực (mua bán hàng hóa, xuất nhập khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ, xây dựng dân dụng, xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng, tài chính, bảo hiểm, vận tải...), với các bên tranh chấp là các doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài đến từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hoàng Bích - Phương Anh