Mới đây, Bộ TT&TT ban hành Thông tư 10/2022/TT-BTTTT sửa đổi Thông tư 13/2018/TT-BTTTT về Danh mục sản phẩm an toàn thông tin mạng nhập khẩu theo giấy phép và trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp Giấy phép nhập khẩu sản phẩm an toàn thông tin mạng. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/9/2022.
Theo đó, Thông tư 10/2022/TT-BTTTT sửa đổi một số nội dung liên quan đến nhập khẩu sản phẩm an toàn thông tin mạng như bãi bỏ "Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng (bản sao)" trong Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu.
Đối với việc nộp hồ sơ cấp Giấy phép nhập khẩu thông qua hình thức trực tuyến thực hiện tại Cổng dịch vụ công của Bộ Thông tin và Truyền thông, địa chỉ https://dichvucong.mic.gov.vn hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia”.
Theo quy định hiện hành, đối với hình thức nộp trực tuyến, Cục An toàn thông tin triển khai theo lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thông tư 10/2022/TT-BTTTT cũng bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp nhận Giấy phép nhập khẩu bản điện tử trên Cổng dịch vụ công.
Trong khi đó, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp nhận Giấy phép nhập khẩu trực tiếp tại trụ sở Cục An toàn thông tin hoặc thông qua dịch vụ bưu chính.
Ngoài ra, Thông tư 10/2022/TT-BTTTT đã rút ngắn thời gian thẩm định và trả kết quả giải quyết hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu.
Cụ thể, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày hồ sơ hợp lệ, Cục An toàn thông tin thẩm định và trả kết quả giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp. Trường hợp đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 48 Luật An toàn thông tin mạng, Cục An toàn thông tin cấp Giấy phép nhập khẩu cho doanh nghiệp theo Mẫu số 03 tại Phụ lục II của Thông tư này; trường hợp không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, Cục An toàn thông tin thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp, trong đó nêu rõ lý do không cấp phép.
Theo quy định cũ, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày hồ sơ hợp lệ, Cục An toàn thông tin thẩm định, hoàn thiện và trình hồ sơ cấp Giấy phép nhập khẩu cho Bộ Thông tin và Truyền thông.
Bên cạnh đó, đối với Giấy phép nhập khẩu còn hiệu lực nhưng bị mất hoặc bị hư hỏng, doanh nghiệp gửi đơn đề nghị cấp lại Giấy phép nhập khẩu theo Mẫu số 02 Phụ lục II của Thông tư này. Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn hợp lệ, Cục An toàn thông tin cấp lại Giấy phép nhập khẩu cho doanh nghiệp thay vì thời hạn là 3 ngày làm việc theo quy định cũ.
Lưu ý, các Giấy phép nhập khẩu đã được cấp trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư này vẫn được sử dụng cho đến hết thời hạn được ghi trên giấy phép.
Tuệ Minh